7 vấn đề và giải pháp
Trong phiên thảo luận về hoạt động của các Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT) mới đây, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến - Đại học Luật Hà Nội đưa ra 7 vấn đề và những giải pháp cho các KCN, KKT hiện nay.
Vấn đề thứ nhất, theo PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến những thể chế, chính sách về KCN, KKT chưa đảm bảo tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và chưa có sự đột phá để phát huy vai trò và đóng góp của các KCN, KKT trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tính pháp lý về quy định khung đối với KCN, KKT chưa cao. Khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của KCN, KKT chưa có sự thay đổi căn bản, mới dừng lại ở loại hình văn bản dưới luật.
Vấn đề thứ hai là chất lượng, hiệu quả quy hoạch phát triển KCN, KKT chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển KCN, KKT cần có tầm nhìn tổng thể, dài hạn; đặt trong mối quan hệ tương quan với các ngành kinh tế khác, với sự phát triển vùng và với xã hội.
Vấn đề thứ ba là loại hình phát triển của các KCN, KKT chậm được đổi mới; quy định về quản lý KCN, KKT có sự khác biệt với các luật chuyên ngành.
Đồng thời, còn nhiều chồng chéo giữa các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước đối với KCN, KKT.
Vấn đề thứ tư là chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào KCN, KKT chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; sự liên kết, hợp tác trong KCN, KKT; giữa các KCN, KKT với nhau và giữa KCN, KKT với khu vực bên ngoài còn hạn chế.
Vấn đề thứ năm là vấn đề phát triển bền vững và cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội trong phát triển KCN, KKT đã được đặt ra nhưng kết quả thực hiện khác nhau và không đồng đều giữa các địa phương. Một số địa phương chưa thực hiện tốt việc phát triển bền vững KCN, KKT về môi trường và xã hội.
Vấn đề thứ sáu về quản lý, sử dụng đất cũng được coi là một trong những cản trở sự phát triển của KCN, KKT tại Việt Nam. Trên thực tế, việc chưa đặt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm nền tảng cho tất cả các nội dung quy hoạch khác mà vẫn trên cơ sở quy hoạch ngành (quy hoạch chung xây dựng; quy hoạch phân khu chức năng; quy hoạch chi tiết xây dựng…).
Mặt khác, kinh phí dành cho việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong KKT còn hạn chế. Tỷ lệ lấp đầy của các KCN chỉ ở mức 57,2% (năm 2022) là tương đối thấp. Cùng với đó là tỷ suất thu hút đầu tư trung bình của dự án đầu tư trong KCN là 4,61 triệu đô la Mỹ/ha đất công nghiệp đã cho thuê. Tỷ lệ này tuy có gia tăng qua các thời kỳ nhưng vẫn tương đối thấp.
Vấn đề thứ bảy, tổ chức bộ máy cơ quan đầu mối quản lý nhà nước đối với KCN, KKT ở Trung ương và địa phương chậm được kiện toàn, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Hoàn thiện khung pháp lý
Từ những phân tích trên, ông Tuyến đã đưa ra một số giải pháp khắc phục.
Ông Tuyến cho rằng, việc hoàn thiện khung pháp lý, giải quyết các vướng mắc trong hoạt động đầu tư phát triển KCN, KKT là một trong những vấn đề quan trọng, nhằm tạo khung pháp lý hoàn chỉnh, đầy đủ cho hoạt động đầu tư phát triển KCN, KKT.
Đồng thời, xây dựng các chính sách đầu tư bắt buộc nhằm đồng bộ hóa quá trình đầu tư, đảm bảo việc khai thác quỹ đất và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu CN, khu KT nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người công nhân làm việc trong KCN, KKT…
Cũng theo ông Tuyến, cần phải dựa trên cơ sở quy định của Luật Kinh doanh BĐS năm 2024, Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, soạn thảo ban hành các quy định về phân khúc BĐS công nghiệp góp phần đưa hoạt động của phân khúc BĐS này đi vào nề nếp và thúc đẩy sự vận hành của phân khúc BĐS công nghiệp thông suốt, lành mạnh.
Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của các cơ quan nhà nước các cấp trong phát triển KCN, KKT, đồng thời tăng cường phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhằm xây dựng Ban Quản lý KCN, KKT là cơ quan “đầu mối, tại chỗ” với quy trình thủ tục hành chính đơn giản; xây dựng và triển khai chính sách phát triển các KCN, KKT.
Bên cạnh đó, cần phải xây dựng luật điều chỉnh hoạt động của KCN, KKT và mô hình khác theo hướng xác định rõ trọng tâm phát triển và cơ chế, chính sách vượt trội về cơ sở hạ tầng, tiếp cận đất đai; thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng...
Các thiết chế giải quyết tranh chấp và thực thi; quy định đảm bảo phát triển đồng bộ và bền vững về KT-XH, môi trường... nhằm phù hợp với đặc thù của từng mô hình, đảm bảo tính liên kết, đồng bộ với các khu vực khác.
Ngoài ra, cần nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với KCN, KKT; trong đó tập trung vào các nội dung kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về KCN, KKT ở cả trung ương và địa phương theo hướng tinh gọn.
Đồng thời phải xây dựng các chính sách, pháp luật đảm bảo gắn kết đồng bộ quy hoạch KCN, KKT với phát triển đô thị, dịch vụ trong một phương án tổng thể, thống nhất từ quy hoạch cấp quốc gia đến quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật đồng bộ, mang tính hấp dẫn để thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào KCN, KKT.
Ông Lê Hữu Phúc - Phó Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh, cho rằng thể chế chính sách liên quan tới KCN, KTT cần được xây dựng ở ngưỡng cao hơn. Bởi hiện nay mới ở mức Nghị định, do đó, cần ban hành Luật về KCN, KTT để tạo hành lang pháp lý. Toàn bộ quy trình quy hoạch KCN, KTT hiện rải rác ở các Luật chuyên ngành, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn...