Cảnh báo những hình thức lừa đảo trực tuyến chủ yếu trong dịp nghỉ lễ

PV
Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và truyền thông vừa ghi nhận và cảnh báo về những hình thức lừa đảo chủ yếu trong dịp nghỉ lễ để người dân biết và phòng tránh.

lua-dao-truc-tuyen-0956-1725334640.jpeg

Ảnh minh hoạ.

Chiêu trò lừa đảo mới nhằm vào tân sinh viên
Lợi dụng thời điểm các sinh viên vừa trúng tuyển đang làm thủ tục nhập học, một số đối tượng đã giả mạo là đầu mối của một số trường đại học tại TP Hồ Chí Minh để lừa chuyển tiền học phí, lệ phí nhập học.

Trường Đại học Sài Gòn vừa phát đi thông tin về việc một số thí sinh trúng tuyển nhận được tin nhắn yêu cầu đóng lệ phí nhập học năm 2024 với số tiền 6.953.000 đồng vào số tài khoản ngân hàng theo hướng dẫn trong tin nhắn lừa đảo. Bên cạnh đó, hàng loạt các trường đại học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa ra cảnh báo đối với các hình thức lừa đảo trên.

Đối tượng lừa đảo có thể tạo ra các trang web giả mạo trông giống như trang web chính thức của trường đại học. Ngoài ra, đối tượng còn giả danh là nhân viên của trường đại học và gửi email hoặc gọi điện yêu cầu sinh viên cung cấp thông tin cá nhân hoặc thanh toán học phí qua các phương thức không chính thức.

Đối tượng cũng có thể sẽ thông qua các phương thức lừa đảo như email giả mạo hoặc tin nhắn giả mạo để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng hoặc thông tin thẻ tín dụng.

Thủ đoạn nhờ shipper mua hàng hộ rồi chiếm đoạt tài sản
Mới đây, theo thông tin từ Công an tỉnh Quảng Ninh, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trực (Công an tỉnh Quảng Ninh) tiếp nhận thông tin về một vụ lừa đảo tinh vi.

Nạn nhân là anh T.T.L., trú tại phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, làm nghề shipper. Anh T.T.L. khai báo, trước đó anh nhận được yêu cầu từ một khách hàng lạ mặt nhờ mua giúp một thùng rượu vang tại một cửa hàng trên địa bàn phường Bãi Cháy.

Khách hàng cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết về loại rượu và hứa sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền, kèm theo một khoản hoa hồng 200.000 đồng sau khi công việc hoàn thành. Tin tưởng vào lời hứa, anh T.T.L. đã đến cửa hàng và mua thùng rượu với giá 5 triệu đồng. Sau đó, anh mang thùng rượu đến địa điểm giao hàng theo chỉ dẫn, nhưng khi đến nơi, anh không thể liên lạc được với khách hàng.

Đối tượng lừa đảo hình thức trên thường tạo ra đơn hàng giả và yêu cầu shipper giao hàng đến địa chỉ không có thật hoặc không tồn tại. Bên cạnh đó, đối tượng thường xuyên yêu cầu shipper phải thanh toán một khoản tiền trước khi nhận đơn hàng hoặc yêu cầu thanh toán tiền mặt từ khách hàng khi không có lý do rõ ràng.

Để tạo lòng tin, đối tượng còn cung cấp thông tin cá nhân giả mạo, đưa ra lời hứa sẽ thanh toán thêm tiền hoa hồng với nhân viên giao hàng. Sau khi nạn nhân đồng ý và thực hiện theo yêu cầu, nạn nhân giao đến địa chỉ được đối tượng cung cấp nhưng lại bị chặn liên lạc và chiếm đoạt tài sản.

Lừa đảo tuyển dụng ngành hàng không
Theo Cục An toàn thông tin, nhân viên quầy thông tin sân bay quốc tế Nội Bài cho biết, hàng ngày, chị và các đồng nghiệp nhận được nhiều cuộc gọi, email hỏi về các nội dung tuyển dụng của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, của sân bay... đăng trên các nền tảng website, và mạng xã hội Facebook.

Thủ đoạn của các đối tượng đó là tạo lập trang mạng xã hội, mạo danh thông tin tuyển dụng, sử dụng tên, logo, địa chỉ website, hình ảnh của doanh nghiệp/ tổ chức tạo lập Fanpage giả mạo, sao chép lại các bài viết, hình ảnh đã được đăng tải công khai trên website chính thống hoặc các báo điện tử nhằm tạo sự quen mắt, khiến nhiều người bỏ qua việc kiểm chứng, xác thực thông tin, làm theo lời dẫn dụ của các đối tượng lừa đảo và có thể trở thành nạn nhân của chiêu trò "lừa đảo tuyển dụng".

Cảnh giác trước đối tượng giả danh Cục Đăng kiểm Việt Nam
Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng thông tin về phản ánh của của người dân và các đơn vị đăng kiểm về việc có nhiều cuộc điện thoại mạo danh cán bộ thuộc Bộ GTVT.

Các đối tượng dùng các số điện thoại như: 098236xxx, 0916712xxx, 0911312xxx, 0916600xxx… tự xưng là người của Cục Đường bộ, Cục Đăng kiểm để mời chào và yêu cầu với nội dung như: “Đề nghị các đơn vị mua bộ sách về quản lý các đơn vị đăng kiểm” hoặc “Yêu cầu người dân và doanh nghiệp đổi tem kiểm định theo quy định của Thông tư mới hoặc yêu cầu cài đặt ứng dụng (App) có logo Cục Đăng kiểm Việt Nam…”.

Đối với hình thức lừa đảo trên, đối tượng thường lừa đảo giả danh là nhân viên của cơ quan nhà nước, gọi điện hoặc gửi tin nhắn yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, hoặc yêu cầu thanh toán các khoản phí không rõ nguồn gốc.

Đối tượng còn gửi email từ địa chỉ giả mạo, yêu cầu người nhận cung cấp thông tin cá nhân hoặc nhấp vào liên kết dẫn đến các trang web giả mạo.

Thậm chí, đối tượng tạo ra trang web giả mạo trông giống như trang web của cơ quan nhà nước, yêu cầu người dùng đăng nhập để cung cấp thông tin cá nhân hoặc thanh toán các khoản phí giả.

Ngoài ra, Cục An toàn thông tin cũng khuyến cáo người dân cảnh giác trước tin nhắn yêu cầu thu lệ phí cầu đường và các tin nhắn mạo danh cơ quan pháp luật để yêu cầu đóng một khoản phí nào đó.

Trước thực trạng lừa đảo trên mạng diễn ra ngày càng phức tạp, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên cảnh giác, xác minh kỹ thông tin từ các cơ quan chính thống, tìm hiểu các trang web chính thống của các cơ quan, đơn vị để không tải, không truy cập vào các đường link của đối tượng lừa đảo;

Tuyệt đối không chuyển khoản vào các tài khoản lạ khi chưa rõ thông tin. Khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo với các cơ quan công an, lực lượng chức năng để kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo và truy vết đối tượng.

BÀI LIÊN QUAN