Cảnh giác với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

15/09/2023 18:10

Theo dõi trên

Những năm gần đây, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho Nhà nước và người dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Để ngăn chặn loại tội phạm này, bên cạnh sự vào cuộc đấu tranh quyết liệt của lực lượng chức năng, mỗi người dân cũng cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh "sập bẫy" các đối tượng lừa đảo.

Thực tế cho thấy, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi. Trong lĩnh vực ngân hàng, các đối tượng thường tìm cách thế chấp khống hàng hóa, lập hợp đồng kinh tế khống, hợp đồng thuê kho ba bên khống, hóa đơn VAT khống, hóa đơn VAT giả... để vay tiền; lấy tài sản, hàng hóa đã thế chấp ngân hàng đem bán nhưng không trả nợ; lập hồ sơ, phương án kinh doanh giả, sử dụng tài sản thế chấp không thuộc quyền sở hữu của mình để móc nối vay tiền ngân hàng; lợi dụng thuê nhà, thuê đất để kinh doanh rồi dùng giấy tờ sở hữu của chủ nhà, chủ đất làm giả sang tên cho mình hoặc làm sổ đỏ giả thế chấp vay tiền ngân hàng... Trong lĩnh vực tài chính, các đối tượng lừa đảo thường sử dụng giấy tờ giả các tổ chức quốc tế, cơ quan nhà nước... lừa đảo các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về cho vay tín dụng; lập công ty “ma”, tổ hợp “ma” vay tiền, huy động vốn. Trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, kẻ xấu thường lợi dụng nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh của các hộ dân, đặt vấn đề vay hộ với điều kiện những người này phải đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ký các giấy ủy quyền thế chấp nhà cửa để bảo lãnh cho chúng vay vốn; mang đất đã thế chấp vay vốn ngân hàng ra chia lô để bán; mạo nhận quen biết với cán bộ, người có chức vụ, quyền hạn, làm việc tại các cơ quan nhà nước, các dự án lớn hứa hẹn và nhận tiền để “chạy”, lo thủ tục cấp phép cho dự án; mạo danh nhà đầu tư thứ cấp của các công ty bất động sản lớn để kêu gọi đầu tư, rao bán nhà và lừa gạt khách hàng...

toa-an-nhan-dan-tp-da-nang-xet-xu-so-tham-pld-1694775987.jpg
Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng xét xử sơ thẩm đối với 10 bị cáo về các tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. (Ảnh chụp tháng 3-2023). Ảnh: VIỆT HÙNG

Trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, kẻ xấu thường thông qua việc môi giới lao động, tổ chức đưa lao động đi nước ngoài; lợi dụng quy định của Luật Doanh nghiệp đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn với chức năng xúc tiến việc làm, tạo vỏ bọc để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; móc nối, mua chuộc một số cán bộ có chức vụ, quyền hạn, núp dưới danh nghĩa các cơ quan nhà nước, các trung tâm quốc tế có chức năng xuất khẩu lao động để lừa đảo; thành lập công ty “ma”, sử dụng con dấu giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài; quảng bá xuất khẩu lao động sai sự thật, dùng hình thức đi du lịch trong thời gian ngắn hoặc sử dụng visa, thẻ thuyền viên giả đưa người lao động ra nước ngoài để lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Lợi dụng mạng xã hội, các trang thông tin điện tử, mạng viễn thông, các đối tượng lừa đảo thường xuyên gửi tin nhắn, đường link lừa đảo đến những người nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác nhằm chiếm đoạt tiền và tài sản. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, tội phạm lừa đảo thông qua hình thức Vishing, gọi điện qua internet (VOIP) hoặc sử dụng sim rác để che giấu danh tính, giả danh người có thẩm quyền, yêu cầu nạn nhân phải cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng hoặc chuyển tiền vào một tài khoản do đối tượng cung cấp; dụ dỗ nạn nhân đầu tư theo mô hình kinh doanh đa cấp-đa cấp tiền ảo để chiếm đoạt... cũng đang có chiều hướng gia tăng với nhiều hình thức, thủ đoạn hết sức tinh vi.

Thời gian qua, lực lượng chức năng thường xuyên thông tin, cảnh báo về các phương thức, thủ đoạn, vụ án liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, vì nhẹ dạ cả tin, ham lời, nhiều người vẫn bị mắc lừa. Điển hình như vừa qua, cơ quan chức năng đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Vũ Thị Thúy (40 tuổi, quê ở Thanh Hóa), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam (Công ty Nhật Nam) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, bà Vũ Thị Thúy đã đưa ra nhiều thông tin quảng cáo, giới thiệu sai sự thật về các dự án, cam kết trả lãi suất 34-46%/năm để người dân tin tưởng nộp tiền vào công ty dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh. Với thủ đoạn lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước, chỉ trong một thời gian ngắn, Vũ Thị Thúy và Công ty Nhật Nam đã huy động được hàng nghìn tỷ đồng từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau một thời gian, Công ty Nhật Nam ngưng phân chia lợi nhuận, ra thông báo hứa trả tiền rồi thất hứa khiến hàng loạt nhà đầu tư điêu đứng...

Để bản thân, gia đình, bạn bè không vô tình trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu, nắm chắc các phương thức, thủ đoạn lừa đảo, tích cực đấu tranh, tố giác tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Bạn đang đọc bài viết "Cảnh giác với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản" tại chuyên mục Dân sinh. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com