Theo đó, trước thông tin về lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số nước như Ấn Độ, UAE, Nga…. đã tác động mạnh tới giá lúa gạo trong nước và giá gạo xuất khẩu Việt Nam. Cụ thể, ngay lập tức giá bán thị trường trong nước liên tục “nhảy múa”, tăng vọt và vượt xa giá xuất khẩu. Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Nhiều ý kiến đã nhận định, nhờ những khuyến cáo kịp thời và sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ mà những ngày qua, giá gạo bán ở thị trường nội địa đã không tăng quá cao. Tuy nhiên, điều lo ngại là trên thị trường vẫn có hiện tượng thu mua gom lúa gạo để đầu cơ, chờ giá trục lợi. Đây là hành vi lợi dụng thị trường để đẩy cao giá lúa gạo một cách vô lý.
Phân tích về những thông tin này, ông Phạm Văn Có, Giám đốc marketing Công ty TNHH VRICE, chỉ ra: Thị trường đang tích cực, giá tốt, các đối tượng sẽ lên mạng thông tin các đơn hàng “ảo” như có thương nhân nước ngoài đang có nhu cầu mua số lượng hơn 100.000-200.000 tấn với mức giá mua vào rất cao. Khi đó, những người buôn bán gạo thiếu kinh nghiệm sẽ bị “sập bẫy” mua vào giá cao và ôm hàng đợi vì họ kỳ vọng giá gạo còn tăng cao hơn nữa.
Ông Có dẫn ví dụ: Thương lái A và B “bắt tay” nhau, hôm nay họ gom mua vào một lượng lớn gạo thu hoạch với giá 8 đồng. Ngay hôm sau, họ có một đội tung các thông tin những đơn hàng lớn với giá gạo mua rất cao lên tới hơn 10 đồng cùng loại gạo đó. Thông tin làm thị trường sôi sục, những thương nhân khác lo giá gạo sẽ tăng nữa nên khi thương lái A và B bán với giá chỉ 9 đồng là họ mua ngay. Còn thương lái A, B đắc lợi vì bán được giá.
Cứ thế thương lái, trung gian kinh doanh gạo sẽ tìm cách đẩy giá gạo lên, buôn qua bán lại trong nước kiếm lợi nhuận. Đến khi đó, thương lái nào mua cuối cùng “ôm hàng” lượng lớn với giá cao ngất sẽ thiệt hại vì không bán ra được.
“Hệ quả, giá gạo tăng cao, người tiêu dùng trong nước chịu thiệt, còn doanh nghiệp thì không xuất khẩu được. Sau đợt này sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản, khi đó người nông dân bị ảnh hưởng vì vụ mùa sau không ai thu mua cho họ” – ông Có cảnh báo.
Cũng chia sẻ xung quanh câu chuyện này, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Thanh Long cho rằng, khâu trung gian từ thương lái thu mua lúa nông dân đẩy giá lên một mức, qua nhà máy xay xát chế biến ra gạo thành phẩm đẩy lên một mức nữa, rồi đến doanh nghiệp xuất khẩu thì giá gạo đã quá cao. Thị trường trong nước biến động tạo ra tâm lý kỳ vọng giá gạo sẽ tăng cao hơn nữa, thương lái ôm hàng đẩy giá gạo tăng nhanh quá mức. Điều đó lý giải nghịch lý hiện nay của ngành lúa gạo Việt Nam là giá gạo nội địa cao hơn giá gạo xuất khẩu.
“Cụ thể, với giá lúa tươi ở mức 8.000 đồng/kg thì qua các công đoạn chế biến, chi phí khác để ra gạo thành phẩm xuất khẩu loại gạo trắng 5% tấm phải ở mức 680-690 USD/tấn. Thế nhưng giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm hiện nay được chào cao nhất cũng chỉ 650 USD/tấn”, ông Long chia sẻ.
Đáng nói, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện nay cho biết, giá gạo trong nước ở mức cao khiến họ phải ngừng thu mua lẫn xuất khẩu. Một số doanh nghiệp ký hợp đồng với khách hàng cách đây một tháng giờ chấp nhận bồi thường hợp đồng chứ không thể giao hàng.
Theo tính toán của doanh nghiệp , hợp đồng đã ký có giá khoảng 550 USD/tấn, nếu không giao hàng thì mỗi tấn gạo doanh nghiệp phải bồi thường 10%, tính ra khoảng 55 USD/tấn. Trong khi nếu mua gạo trong nước với giá cao hiện nay để giao hàng thì doanh nghiệp lỗ hơn 150 USD/tấn.
Nhìn nhận về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết: “Việc ngăn chặn các trường hợp đầu cơ, gây bất ổn thị trường là hết sức cần thiết. Quan trọng hơn là chưa biết chính sách của các nước kéo dài bao lâu, nên nếu doanh nghiệp ồ ạt mua vào nhiều đầu cơ, rồi bất ngờ các nước đó dỡ thông báo, khi đó doanh nghiệp đổ xô bán tháo, chắc chắn sẽ lỗ”. TS Nguyễn Trí Hiếu cũng lưu ý, theo quy luật thị trường, giá lên cao rồi sẽ phải xuống, khi giá xuống nếu doanh nghiệp không kịp thời đẩy mạnh bán ra thì sẽ có nhiều rủi ro.
“Vì vậy, trước mắt các doanh nghiệp nên tính toán kỹ lưỡng khi mua lượng hàng ở mức hợp lý và đảm bảo chất lượng đầu vào”, ông Hiếu chia sẻ.
Theo các chuyên gia kinh tế, để ngành gạo xuất khẩu Việt Nam vừa giữ được chữ tín, vừa nắm được cơ hội thị trường, Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa trong việc thúc đẩy ngân hàng cho vay vốn trung hạn và dài hạn để các doanh nghiệp thu mua lúa, thanh toán sòng phẳng với người dân. Trên cơ sở đó, bảo đảm được nguồn lúa gạo đầu vào. Bởi, do giá gạo tăng liên tục, các doanh nghiệp rất dễ mua phối trộn các giống thóc khác nhau, không đúng theo tiêu chuẩn của người mua, việc làm này sẽ làm mất thị trường. Về phía các doanh nghiệp cần tính chuyện đường dài, tránh vì lợi ích trước mắt mà làm mất uy tín.