Tuy nhiên, bên cạnh những thợ làm ăn chân chính thì vẫn xuất hiện tình trạng thợ lợi dụng việc khách hàng không am hiểu chuyên môn để "ăn gian" thu lời; không ít thợ còn dở đủ mánh khóe để "móc túi" người tiêu dùng. Các chiêu mà thợ sửa chữa điều hòa hay áp dụng là thay thế dây điện, ống đồng kém chất lượng rồi báo giá cao, hay báo gas yếu phải bổ sung gas mới...
Trong một lần bất cẩn, chị Lê Thị Hoa (ở đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, Hà Nội) trở thành nạn nhân của chiêu trò từ thợ sửa điều hòa. Chị Hoa cho biết: Ban đầu, thợ yêu cầu vệ sinh làm sạch toàn bộ điều hòa. Sau khi hoàn thành, người thợ lên tầng nạp khí gas cho cục nóng. Tuy nhiên, quá trình nạp khí gas diễn ra chỉ chừng 2 phút đã xong trong khi quy trình nạp khí gas cho điều hòa mất khoảng 10 phút. Tổng chi phí hết 750 nghìn đồng, trong đó 400 nghìn đồng cho một lần nạp gas, 250 nghìn đồng tiền vệ sinh cùng 100 nghìn đồng tiền công. Sau hai ngày, chiếc điều hòa đã sửa vẫn chạy rất nhẹ, độ làm mát kém.
Thấy vậy, chị Hoa gọi điện cho người thợ sửa điều hòa để hỏi nguyên do nhưng bị khất lần. Không đợi được thêm nữa, lần này chị Hoa gọi cho bên trung tâm sửa điều hòa có uy tín. Họ nhanh chóng đến kiểm tra và cho biết khí gas chưa được bơm đầy, áp suất khí gas của điều hòa chỉ đạt 0,4, trong khi gas đầy bình là phải đạt 0,8. Ðây là nguyên nhân khiến độ làm mát của điều hòa kém.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Tuấn (ở huyện Thanh Trì, Hà Nội) cũng bức xúc khi suýt mất tiền oan với thợ sửa điều hòa. Ðiều hòa tự dưng không bật được, gọi thợ đến thì thợ bảo rằng: Hỏng IC, chập nguồn, nếu thay mất khoảng 2,5 triệu đồng. "Chi phí quá lớn khiến tôi phải xem xét, rồi quyết định chưa sửa vội. Ngày hôm sau, được một người bạn giới thiệu, thợ điều hòa khác tới tìm ra lỗi cầu chì và relay (công tắc hoạt động bằng điện) của điều hòa bị hỏng, thay hết 350 nghìn đồng", anh Tuấn cho biết.
Qua tìm hiểu, chúng tôi biết được chuyện "hậu trường" của nghề sửa chữa điều hòa. Ðó là nhiều khi bảo dưỡng hoặc sửa máy lỗi rất đơn giản, chi phí không đáng là bao nhưng thợ vẫn dùng đủ mánh để "vặt" tiền của khách, nhất là đối với người không biết gì về máy móc. Thí dụ, máy điều hòa sử dụng trong 5 năm đổ lại hầu hết chỉ bị bám bụi bẩn, cần vệ sinh, song một số thợ vẫn yêu cầu kiểm tra toàn bộ máy rồi liệt kê đủ thứ bệnh từ thiếu gas đến hỏng vi mạch, hỏng tụ, cháy lốc..., sau đó báo giá và yêu cầu đem máy về cửa hàng sửa chữa với mức chi phí có thể lên đến 3-5 triệu đồng. Nếu khách mà tiếc tiền thay thì hỏi mua luôn với giá "đồng nát" chỉ tầm trên dưới 1 triệu đồng. Nếu mua thành công, thợ về thay linh kiện với giá 200-300 nghìn đồng rồi bán đi, đút túi ngay vài triệu đồng. Tiền lương của nhân viên sửa điều hòa thường từ 8 đến 9 triệu đồng/tháng nhưng họ vẫn cứ bịa ra những lý do như dây đồng tiếp gas bị nứt, gãy, kém an toàn cho nên phải thay, van gas hở hoặc tấm vi mạch bị chết, IC hỏng... để kiếm thêm.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Ngô Văn Thư, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật điện lạnh Ngọc An (Hà Nội) cho biết: Trong mùa nắng nóng, trung bình mỗi thợ điều hòa bảo dưỡng từ 5-8 máy/ngày, thậm chí, có ngày cao điểm lên tới 15 máy. Mỗi máy thường có những hạng mục như: Vệ sinh điều hòa với giá từ 200-400 nghìn đồng tùy từng vị trí dễ hay khó; bơm gas với giá từ 400-700 nghìn đồng tùy từng loại gas và số lượng; thay tụ tại chỗ có giá từ 500-600 nghìn đồng; sửa bo mạch điều khiển với giá từ 800 nghìn đến 1,5 triệu đồng... Ngoài ra, còn những lỗi lớn như chết main cục lạnh hay main cục nóng, thợ sẽ phải tháo ra mang về cơ sở để thay thế. Với lỗi này, khách có thể phải trả từ 1 đến hơn 2 triệu đồng. Không phải máy nào cũng bị tất cả những lỗi này, tuy nhiên những thợ sửa chữa không có tâm thường tự vẽ ra ít nhất 2-3 lỗi. Có những bo mạch không sửa chữa được phải đặt thiết bị của nhà sản xuất thì đơn giá cao, có thể lên đến 1/3 giá trị sản phẩm và phải đặt hàng từ 3 đến 4 ngày mới có. Chẳng hạn khi điều hòa không mát, lẽ ra chỉ phải vệ sinh là được, nhưng thợ sẽ kiểm tra gas, có khi vơi một chút cũng báo phải bơm cả bình. Có những thợ dùng mánh khóe khi kiểm tra máy, nhân lúc chủ nhà không để ý tìm cách mở van bớt gas, sau đó mang đồng hồ đo lại và báo thiếu. Thậm chí, có trường hợp bơm gas thật căng để cục nóng nhanh hỏng. Ngoài ra, thợ cũng có thể cố tình chọc ngoáy vào những chi tiết dễ hỏng tại main cục lạnh như cầu chì, relay hay làm gãy chân hoặc chập mạch tụ để thay mới...
Khi được hỏi tại sao giá sửa các lỗi điều hòa lại chênh lệch như vậy, anh Thư nói: "Giá cả thường phụ thuộc vào từng loại máy có gắn biến đổi áp inverter hay không inverter. Tuy nhiên, thợ điều hòa thường xem gia cảnh của chủ nhà để phán nhiều hay ít lỗi và báo mức giá phù hợp".
Một số phương pháp có thể giúp khách hàng xác định các dấu hiệu lừa đảo từ kỹ thuật viên là: Ðầu tiên, hãy yêu cầu thợ làm rõ với bạn về công việc và các khoản chi phí liên quan. Nếu bạn không hiểu hoặc muốn biết thêm thông tin, hãy yêu cầu thợ giải thích cho bạn rõ ràng. Bạn có thể tra cứu thông tin về các loại máy điều hòa và giá sửa chữa để so sánh với những gì được đưa ra trong báo giá. Bạn cũng có thể tìm kiếm các doanh nghiệp uy tín và được chứng nhận để chắc chắn rằng bạn đang nhận được dịch vụ tốt nhất. Việc yêu cầu thanh toán trước khi hoàn thành công việc, áp dụng giá cao cho các linh kiện hoặc dịch vụ ngoài quy định, khuyên bạn thay mới toàn bộ linh kiện trong khi chỉ cần thay thế một số linh kiện-đây cũng là những dấu hiệu gian dối.
Ngoài ra, bạn có thể yêu cầu thợ sửa điều hòa ghi lại các chi tiết trong quá trình bảo dưỡng và cung cấp cho bạn sau khi hoàn thành, để bạn theo dõi hiệu suất của máy điều hòa và biết rõ liệu bạn có được bảo dưỡng đầy đủ hay không... Bên cạnh đó, mỗi người cũng nên học cách tự bảo dưỡng điều hòa định kỳ, cách bắt bệnh điều hòa với những bệnh đơn giản.