Dự án “đứng hình” vì thiếu cát
Nếu như những năm 2022, “đói” vốn là vấn đề lớn của các dự án đầu tư công, thì hiện nay, câu chuyện về vốn đã được tháo gỡ nhiều, nhưng nguồn vật liệu lại đang trở thành vấn đề lớn với nhiều dự án trên khắp cả nước.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, khu vực ĐBSCL có 4 dự án trọng điểm gồm: dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau; dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu và cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh với tổng chiều dài là 355 km, tổng mức đầu tư gần 83.000 tỷ đồng.
Để thực hiện các dự án nêu trên, tổng nhu cầu đá các loại khoảng là 6,6 triệu m3, đất đắp khoảng 4,7 triệu m3 và cát đắp nền khoảng 53,68 triệu m3.
Tại buổi làm việc của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà với lãnh đạo các tỉnh thành miền Tây về tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn khu vực ĐBSCL ngày 5/9, Bộ GTVT cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc bảo đảm tiến độ các dự án cao tốc ở khu vực này là thiếu vật liệu cát đắp nền.
Riêng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài hơn 110 km, theo thống kê cần hơn 18 triệu m3, nhưng đến nay lượng cát về công trình còn chậm, thiếu nguồn cát đã làm hạn chế tiến độ thi công thời điểm hiện tại.
Mặc dù trữ lượng cát đắp nền đủ đáp ứng nhu cầu cho các dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, làm việc với các địa phương nhưng việc triển khai các thủ tục nâng công suất mỏ đang khai thác, giao mỏ mới cho nhà thầu vẫn còn chậm; việc cung cấp cát của các chủ mỏ còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu; các tỉnh chưa xác định được đủ nguồn cung cấp…
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, chủ đầu tư 2 dự án thành phần tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cho biết trong năm 2023, nhu cầu cát đắp nền cho toàn dự án này là 9,1 triệu m3, được cung cấp từ các mỏ cát của tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long. Tuy nhiên, đến nay, các địa phương có văn bản cung cấp 1,47 triệu m3, nhà thầu tiếp nhận thực tế được 0,48 triệu m3, khối lượng còn lại các tỉnh chưa có kế hoạch khai thác cụ thể hoặc đang triển khai thủ tục để giao mỏ.
“Lượng cát đưa về công trình chỉ đạt khoảng 8% tổng nhu cầu. Trong khi đó, địa chất miền Tây cần 12 tháng gia tải, chờ lún. Nguồn cát về càng chậm sẽ càng ảnh hưởng đến tiến độ công trình”, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết.
Tương tự, các dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Cao Lãnh - An Hữu, Mỹ An - Cao Lãnh đã được địa phương cân đối đủ nguồn vật liệu đắp nền đường nhưng chưa có kế hoạch khai thác, cung cấp cụ thể hoặc chờ dự án đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư nên chưa thực hiện các thủ tục khai thác mỏ.
Phó Thủ tướng yêu cầu không để thiếu vật liệu đắp nền cho cao tốc
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu phản ánh thẳng thắn, chính xác tình hình, chỉ ra nguyên nhân thực sự của tình trạng không bảo đảm vật liệu cát đắp nền theo đúng tiến độ các dự án cao tốc ở vùng ĐBSCL.
Phó Thủ tướng đề nghị trong tháng 9 này, 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long cùng sự hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan phải hoàn thành thủ tục để cung ứng nguồn cát cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau như cam kết. Đồng thời, các địa phương xem xét gia hạn, nâng công suất khai thác các mỏ cát trong quy hoạch, khả năng cho phép để phục vụ các công trình cao tốc trọng điểm trong khu vực.
“Nhà thầu thi công được giao mỏ cát phải chịu trách nhiệm tổ chức khai thác, quản lý, đảm bảo phục vụ tốt cho công trình, ngoài sự giám sát của địa phương”, Phó thủ tướng nói và yêu cầu việc khai thác phải hết sức cẩn trọng, tránh gây sạt lở, ảnh hưởng dòng chảy.
Lãnh đạo Chính phủ cũng đồng ý thành lập Tổ công tác gồm thứ trưởng Bộ GTVT, Tài Nguyên và Môi trường cùng các địa phương, chuyên gia để nghiên cứu, đánh giá hiện trạng các mỏ cát ở miền Tây, tác động môi trường... để có phương án khai thác hợp lý nhất trong khi chờ kết quả nghiên cứu sử dụng nguồn cát biển phục vụ công trình giao thông trọng điểm.