Thanh tra Chính phủ “điểm mặt” loạt vi phạm về vật liệu xây dựng tại dự án cao tốc nối Quảng Trị - Huế

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Kết luận thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế cung cấp cho dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn.

Giá vật liệu tăng cao làm chậm tiến độ dự án

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020. Dự án này nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế, do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư. Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh được giao quản lý dự án.

nhieu-vi-pham-ve-vat-lieu-xay-dung-lam-du-an-cam-lo-la-son-pld-1693581995.jpeg
Nhiều vi phạm về vật liệu xây dựng làm dự án Cam Lộ - La Sơn

Trong quá trình thi công, các gói thầu xây lắp đều bị chậm tiến độ, Bộ GTVT đã 5 lần gia hạn tiến độ thực hiện. Cụ thể, các gói thầu XL02, XL05, XL06, XL11 bị chậm tiến độ có liên quan đến việc thiếu vật liệu đất đắp nền đường và điều chỉnh thiết kế kỹ thuật phải bổ sung nguồn vật liệu đất đắp nền đường. Các gói còn lại phần lớn được sử dụng đất đắp điều phối nội bộ từ nền đào.

Theo Thanh tra Chính phủ, nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ dự án là do số lượng mỏ quy hoạch cung cấp cho dự án nhưng chưa cấp phép, đến khi khởi công dự án mới tiến hành cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác nên mất nhiều thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Cụ thể, thủ tục cấp giấy phép phải qua 15 bước, thời gian thực hiện lên đến 405 ngày.

Cùng với đó là các bất cập, vướng mắc giữa luật Khoáng sản và luật Đất đai trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, cho thuê đất; giá nhiên vật liệu tăng.

Theo đó, giá tthép xây dựng tăng khoảng 18 - 22%, xăng dầu tăng khoảng 55% so với năm 2019 - năm phê duyệt dự toán. Giá vật liệu (đất đắp) thực tế cao hơn so với giá công bố của tỉnh, nhà thầu thi công cầm chừng. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm tiến độ dự án.

Ngoài ra, thời tiết trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế trong các năm mưa nhiều, kéo dài cũng gây ảnh hưởng đến công tác thi công các gói thầu. Đặc biệt, năm 2020 có bão lũ lịch sử gây ngập lụt bất thường kéo dài.

Nhiều vi phạm về vật liệu xây dựng làm dự án Cam Lộ - La Sơn

Theo Thanh tra Chính phủ, với tư cách chủ đầu tư dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn, Bộ GTVT đã có một số thiếu sót, vi phạm.

Cụ thể, công tác điều tra khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng của các mỏ phục vụ dự án chưa chính xác. Một số mỏ có trong thiết kế nhưng khi thi công không lấy được phải đi tìm mỏ khác hoặc đề nghị cấp mỏ mới.

Cùng với đó, một số mỏ đá, cát thực tế không cung cấp hoặc cung cấp ít hơn khối lượng thiết kế, làm tăng chi phí vận chuyển do điểm mỏ cung cấp vật liệu xa hơn, ảnh hưởng thời gian thi công của một số gói thầu, chậm tiến độ của dự án.

Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh chưa phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn trong việc điều tra, khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng của các mỏ đất đắp nền đường phục vụ dự án không chính xác, chưa phù hợp với thực tế thi công.

Đối với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Thanh tra Chính phủ cho rằng các cơ quan chức năng tỉnh này chậm cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ theo nhu cầu, tiến độ của dự án; phê duyệt bổ sung quy hoạch thời gian kéo dài.

Ngoài ra, việc ưu tiên trong cấp phép khai thác vật liệu cho nhà thầu thi công dự án chưa được chú trọng, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Việc cho phép Công ty cổ phần Lâm nghiệp 1/5 tiến hành khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường khi chưa làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, chưa được thuê đất, chiếm đất rừng sản xuất…

Việc kiểm tra, giám sát, bổ sung giá đất đắp nền đường khi có thông tin giá bán cao hơn giá công bố chưa được thực hiện; chưa có chỉ đạo thông báo giá vật liệu đất đắp để quản lý giá vật liệu cung cấp cho dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Đối với UBND tỉnh Quảng Trị, cơ quan chức năng của tỉnh phê duyệt bổ sung quy hoạch đối với một số mỏ khoáng sản và mỏ đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn khi chưa lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành.

Việc cấp phép khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp không có trong quy hoạch, không làm các thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Chưa thực hiện triệt để việc ưu tiên cung cấp vật liệu cho dự án, dẫn đến một số nhà thầu không mua được đá làm bê tông nhựa và phải mua tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Nam làm tăng chi phí vận chuyển, kéo dài thời gian thi công. Đặc biệt, việc công bố giá vật liệu trên địa bàn từ năm 2019 đến tháng 11/2022 không có giá vật liệu đất san lấp.

Theo đó, Tổng thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế chưa đảm bảo chính xác về nguồn cung cấp vật liệu phục vụ dự án dẫn đến thiếu vật liệu đất đắp nền đường trong quá trình thi công.

Cùng với đó là chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác điều tra, phê duyệt thiết kế kỹ thuật liên quan đến việc xác định các mỏ vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án.

Xử lý nghiêm các ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn đã để xảy ra sai sót trong công tác điều tra, khảo sát nguồn cung vật liệu xây dựng cho các dự án giao thông quan trọng quốc gia.

Thanh tra Chính phủ còn kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo tiến hành kiểm tra, xác định cụ thể nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm tiến độ thi công các gói thầu xây lắp của dự án để xử lý theo quy định; xử lý nghiêm đối với các nhà thầu thi công cầm chừng không đảm bảo tiến độ được phê duyệt