Thông tin mới nhất về việc một công ty nợ bảo hiểm xã hội 12 năm qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các sở, ngành phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất hướng xử lý dứt điểm vụ Công ty TNHH Kimono Japan nợ bảo hiểm xã hội của người lao động từ năm 2011 đến nay, đảm bảo chế độ quyền lợi cho người lao động. Đối chiếu dữ liệu của Tổng cục Thuế, doanh nghiệp này vẫn đang hoạt động tại Khu công nghiệp Lộc Sơn thành phố Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng và giám đốc điều hành là ông Kunihico Matsui, người Nhật Bản.
Ngoài ra, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội để đảm bảo bảo quyền lợi cho người lao động.
Chưa biết hơn 12 năm qua, người lao động ở Công ty TNHH Kimono Japan được hưởng các chế độ lao động ra sao. Khi đây Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành văn bản hướng dẫn Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết quyền lợi cho người lao động bị nợ đóng với nguyên tắc thực đóng của người lao động đến đâu ghi nhận đến đó.
Không chỉ tại Lâm Đồng, mà các địa phương ở khu vực Tây Nguyên đều ghi nhận có tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội hoặc cố tình chây ì, trốn đóng. Mới đây trong buổi sơ kết 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Đắk Lắk cũng ghi nhận vấn đề này. Bà H’Yim Kđoh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành bảo hiểm xã hội phối hợp với các ngành chức năng xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra nhằm giảm tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Còn tại tỉnh Gia Lai, đã có có 15 doanh nghiệp nhà nước, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội là 12 tỉ đồng. Hơn 1.070 doanh nghiệp ngoài nhà nước số tiền chậm đóng 48 tỉ đồng. Toàn tỉnh đã ghi nhận 167 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội có chủ đã bỏ trốn, ngưng hoạt động, với số tiền nợ 17 tỉ đồng.
Trả lời vấn đền này, ông Trần Công Hoạt – Trưởng phòng thanh tra, kiểm tra, Bảo hiểm xã hội Gia Lai nói “Nếu doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thì mức phạt tiền đối với doanh nghiệp là từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính”.
Để xử lý vấn đề vi phạm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã yêu cầu toàn ngành tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là việc chậm đóng, trốn đóng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 5 năm 2023 với địa phương. Trường hợp phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, lập hồ sơ kiến nghị khởi tố đến cơ quan có thẩm quyền theo hướng dẫn tại Công văn số 239/BHXH-PC ngày 22/01/2020 của BHXH Việt Nam về việc hướng dẫn tiếp nhận, xử lý thông tin; lập, gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố.
Thống kê của BHXH Việt Nam, cộng dồn đến hết năm 2022 cả nước có hơn 2,13 triệu lao động bị doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội từ một đến dưới ba tháng. 440.800 người bị nợ đóng từ ba tháng trở lên và gần 213.400 người bị “treo” sổ tại các doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động, nợ bảo hiểm xã hội khó thu hồi./.