Chậm di dời trụ sở bộ, ngành, Bộ Xây dựng thừa nhận đôn đốc, giám sát chưa hiệu quả

04/11/2022 10:42

Theo dõi trên

Trước thực trạng chậm di dời trụ sở bộ, ngành, cơ sở công nghiệp ra khỏi nội đô, Bộ Xây dựng thừa nhận công tác giám sát, đôn đốc chưa thực sự hiệu quả.

cham-di-doi-tru-so-bo-nganh-bo-xay-dung-thua-nhan-don-doc-giam-sat-chua-hieu-qua-1667504415-1667528720.jpg

 

Trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều ngày 3.11, liên quan đến công tác di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá, tiến độ di dời các trụ sở bộ, ngành, cơ sở công nghiệp ra khỏi nội đô đến nay còn chậm.

Nguyên nhân là do các cơ quan chưa thực hiện quyết liệt như chậm xây dựng đề án di dời, nguồn ngân sách bố trí di dời trụ sở còn hạn chế, chưa có phương án huy động nguồn lực ngoài.

Về trách nhiệm, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm chung trong công tác giám sát, đôn đốc, chưa thực sự hiệu quả thời gian qua.

Thời gian tới, Bộ sẽ thúc đẩy quy hoạch, xác định quy trình di dời, xây cơ chế chính sách thực hiện di dời, các bộ khẩn trương hoàn thiện quy hoạch để trình Thủ tướng phê duyệt.

Bộ Tài chính tăng cường phối hợp các bộ ngành xây dựng cơ chế chính sách di dời, đảm bảo thực thi đúng. Hà Nội khẩn trương rà soát đồ án điều chỉnh quy hoạch, lập quy hoạch phân khu đô thị và xác định quỹ đất hiệu quả để đáp ứng yêu cầu kiến trúc cảnh quan. Giải pháp cuối là quan tâm dành nguồn lực thực hiện công tác di dời.

Trước đó, Bộ Xây dựng cho biết, thực hiện nhiệm vụ giám sát việc tổ chức thực hiện di dời trụ sở các bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội theo quy hoạch, Bộ đã có văn bản, nhiều lần đôn đốc các bộ, ngành trung ương và thành phố Hà Nội thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 130 ngày 23/1/2015 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Bộ Xây dựng cho biết, Quyết định số 130 cũng đã xác định nguyên tắc sử dụng quỹ đất của các trụ sở sau khi di dời.

Cụ thể, ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất tải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.

Bên cạnh đó, tổ chức đấu giá công khai theo quy định để tạo kinh phí tái đầu tư cho di dời.

Các công trình xây dựng có giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc cần được thực hiện bảo tồn, phục chế tôn tạo theo quy định của Luật Di sản văn hóa, ưu tiên sử dụng cho mục đích công cộng.

Bộ Xây dựng đã thực hiện rà soát 36 cơ quan Trung ương thuộc đối tượng quy hoạch (18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, 6 cơ quan đoàn thể Trung ương) để xây dựng các phương án quy hoạch cụ thể.

Chính phủ đã đồng ý chủ trương bố trí hệ thống trụ sở Bộ, ngành theo đề xuất của Bộ Xây dựng; trong đó, chỉ đạo tập trung phát triển tại Khu Tây Hồ Tây (khoảng 35ha) và một phần tại Khu vực Mễ Trì.

Hiện Bộ Xây dựng đang triển khai lấy thêm ý kiến cộng đồng dân cư tại các khu đất thuộc phạm vi ranh giới nghiên cứu lập đồ án Quy hoạch (phường Mễ Trì và Trung Văn quận Nam Từ Liêm; phường Xuân La quận Tây Hồ, phường Xuân Tảo quận Bắc Từ Liêm). Phần việc này dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11/2022, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022 để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Bạn đang đọc bài viết "Chậm di dời trụ sở bộ, ngành, Bộ Xây dựng thừa nhận đôn đốc, giám sát chưa hiệu quả" tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com