Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 29.465 tỷ đồng, giảm hơn 14% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán giảm 11% về mức 24.024 tỷ đồng, kéo lợi nhuận gộp của “ông lớn” ngành bán lẻ này giảm 26% so với cùng kỳ, xuống còn 5.441 tỷ đồng.
Đáng chú ý, doanh thu tài chính trong kỳ này của MWG tăng gần gấp đôi, lên 585 tỷ đồng, chủ yếu là lãi tiền gửi, chiết khấu thanh toán. Trong khi, chi phí cho hoạt động này chỉ tăng 10%, lên 397 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay khi dư nợ vay tăng mạnh.
Các chi phí khác như chi phí bán hàng tăng 8%, lên 5.211 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 40%, xuống còn 299 tỷ đồng; lợi nhuận khác ghi nhận âm 60 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 17 tỷ đồng, giảm tới 98% so với cùng kỳ năm 2022.
Doanh nghiệp lý giải, lợi nhuận lao dốc do sức mua điện thoại và điện máy nói chung suy giảm yếu kể từ quý IV/2022 và chưa có dấu hiệu hồi phục trong nửa đầu năm 2023 (ngoại trừ sản phẩm máy lạnh và quạt do yếu tố mùa vụ). Để thu hút thêm khách hàng mới đồng thời giữ chân khách hàng hiện hữu, doanh nghiệp đã thực hiện chiến dịch “giá rẻ quá” từ cuối tháng 3, bước vào cuộc chiến cạnh tranh về giá với các đối thủ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, MWG ghi nhận doanh thu thuần đạt 56.570 tỷ đồng và lãi ròng chỉ 39 tỷ đồng, giảm tương ứng 21% và 99% so với cùng kỳ. Với kết quả này, “ông lớn” ngành bán lẻ chỉ mới thực hiện được 42% kế hoạch doanh thu và chưa tới 1% kế hoạch lãi sau thuế.
Mặc dù doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận chuỗi Bách Hóa Xanh 6 tháng đầu năm ghi nhận lỗ gần 659 tỷ đồng, trong đó, quý II lỗ hơn 300 tỷ đồng.Tổng lỗ lũy kể từ năm 2016 tới nay lên tới hơn 8.053 tỷ đồng.
Ngoài ra, CTCP Bán lẻ An Khang (chuỗi nhà thuốc) lỗ 150,6 tỷ đồng, lũy kể từ năm 2019 tới nay An Khang đang lỗ gần 470 tỷ đồng; Chuỗi cửa hàng ở Campuchia cũng lỗ thêm 94 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, nâng lỗ lũy kế lên 700 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của MWG đang ở mức 59.369 tỷ đồng, tăng 3.535 tỷ đồng (tương đương tăng 6,3%) so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt gần 49.611 tỷ đồng, bao gồm gần 25.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, tăng mạnh so với mức 15.000 tỷ đồng hồi đầu năm.
Hàng tồn kho của doanh nghiệp cũng giảm 3.900 tỷ đồng so với đầu năm về mức 22.156 tỷ đồng, giảm ở tất cả các mặt hàng thiết bị điện tử, điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng, thực phẩm,… Cùng với đó, dự phòng giảm giá hàng tồn kho đã giảm xuống 280 tỷ đồng, so với mức 360 tỷ đồng hồi đầu năm.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ của “ông lớn” ngành bán lẻ này tăng gần 11% so với đầu năm, lên 35.404 tỷ đồng, do nợ ngắn hạn tăng thêm 3.500, lên mức 29.505 tỷ đồng. Trong đó, vay ngắn hạn ở mức 16.337 tỷ đồng, tăng 5.669 tỷ đồng so với đầu năm.
Theo Chứng khoán SSI, kể từ quý IV/2022, lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ đã giảm sút đáng kể do gặp nhiều khó khăn trong nền kinh tế vĩ mô. Xuất khẩu sụt giảm buộc doanh nghiệp phải sa thải công nhân. Lạm phát leo thang càng gây áp lực lên thu nhập khả dụng của người tiêu dùng, do đó người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu không thiết yếu. Môi trường lãi suất cao và tín dụng thắt chặt bởi các công ty tài chính tiêu dùng càng đè nặng lên tiêu dùng không thiết yếu.
Chứng khoán SSI cho rằng, tiêu dùng không thiết yếu dự kiến sẽ vẫn yếu ít nhất là cho đến hết quý II/2023 và quý III/2023 do những khó khăn trong nền kinh tế vĩ mô. Mặc dù lạm phát có thể đã đạt đỉnh vào quý I/2023, nhưng điều này là do tiêu dùng kém hơn chứ không phải do sự cải thiện từ phía cung.
Theo SSI, doanh thu mảng ICT & CE của MWG đạt 35 nghìn tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm 2023. Doanh thu giảm sâu nhất trong quý I/2023, sau đó thu hẹp đà giảm trong tháng 4, giảm 20% và tháng 5, giảm 16% so với cùng kỳ.
“Chúng tôi cho rằng, doanh thu của mảng ICT & CE vẫn có thể giảm trong quý II và quý III/2023, sau đó sẽ tăng dần từ quý IV/2023 đến hết năm 2024. Tỷ suất lợi nhuận của mảng này dự kiến sẽ cải thiện từ quý III/2023 do cạnh tranh về giá bớt khốc liệt hơn và mức tồn kho thấp hơn”, SSI nhận định.
Đối với chuỗi Bách hóa, SSI cho rằng, Bách Hóa Xanh đang dần cải thiện bất chấp tâm lý thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng. Tận dụng dữ liệu từ ứng dụng khách hàng, MWG sẽ tiếp tục điều chỉnh danh mục sản phẩm và nâng cao chất lượng thực phẩm tươi sống để thu hút khách hàng mới, từ đó cải thiện doanh thu và tỷ suất lợi nhuận
Tuy nhiên, Bách Hóa Xanh có doanh thu từ thực phẩm tươi sống cao hơn nhiều, và đây sẽ là điểm thu hút khách hàng chính trong dài hạn. Công ty đặt mục tiêu mảng này sẽ có lãi vào năm 2023, nhưng SSI cho rằng, mục tiêu này khó đạt trong bối cảnh người tiêu dùng có thể thích mua sắm ở chợ truyền thống hơn khi thu nhập bị giảm.