Chủ tịch Quốc hội: Ngăn chặn việc “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm” khi xây dựng luật

Phát biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, các chính sách đảm bảo không để sơ hở, phòng ngừa, ngăn chặn việc “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực.

toan-10171-1724813939.jpg

Toàn cảnh hội nghị.

Sáng 27/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Tới dự phiên khai mạc có: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; các Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga; đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao;…

Nhật Bản mỗi luật chỉ 2-3 trang, Việt Nam lên tới hàng trăm trang, trên 100 điều
Căn cứ quy định của pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, nhiệm kỳ khóa XV để thảo luận, góp ý kiến về 12 dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Các dự án luật được đưa ra thảo luận gồm: Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Điện lực (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, các dự án luật thảo luận tại Hội nghị lần này điều chỉnh nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có những luật rất quan trọng đối với hệ thống chính trị và đảm bảo quyền, lợi ích của người lao động và doanh nghiệp như: Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương như Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; gắn với bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, được người dân rất quan tâm như Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ…

"Tại sao luật chúng ta ban hành thực hiện chưa bao lâu phải điều chỉnh, phải sửa, thậm chí luật chưa thi hành đã chỉnh sửa? Các địa phương khi có luật, triển khai thực hiện chưa đồng bộ, chưa đến nơi đến chốn", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

So sánh với các nước trong công tác làm luật, Chủ tịch Quốc hội cho biết, lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do của Nhật Bản chia sẻ một kỳ họp nước này làm 230 luật, một luật chỉ có 1-2 trang. Trong khi đó một luật của ta xây dựng mấy trăm trang, trên 100 điều.

Hay ông dẫn chứng Phó chủ tịch Nguyễn Khắc Định vừa đi Trung Quốc để học tập, trao đổi kinh nghiệm cho thấy một năm nước này họp Quốc hội 2 kỳ nhưng mỗi kỳ chỉ khoảng 3-7 ngày.

ctqh-1026-1724813875.jpg

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Bộ Chính trị ban hành Kết luận để định hướng các nhiệm vụ lập pháp
Trước đó, phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đề nghị các cơ quan của Quốc hội theo lĩnh vực được phân công chủ động phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan đôn đốc, theo dõi sát tiến độ nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến để kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi Chính phủ gửi hồ sơ, tài liệu. Đồng thời, tập trung cao độ để chuẩn bị cho Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, nhiệm kỳ khóa XV để thảo luận về các dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sắp tới.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, khối lượng công tác lập pháp tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là rất lớn. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đây là lần đầu tiên có một Kết luận do Bộ Chính trị ban hành để định hướng các nhiệm vụ lập pháp trong cả nhiệm kỳ. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cần nỗ lực, quyết tâm thực hiện và hoàn thành kế hoạch đề ra với chất lượng cao nhất.

Ưu tiên chất lượng, không chạy theo số lượng
Để việc thảo luận tại Hội nghị đạt hiệu quả cao, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách và các đại biểu tham dự Hội nghị lưu ý cần bám sát nguyên tắc đã thống nhất từ đầu nhiệm kỳ là ưu tiên cao nhất cho chất lượng dự án luật, không chạy theo số lượng. Chỉ những dự án luật bảo đảm chất lượng, giải quyết thỏa đáng các vấn đề vướng mắc thì mới trình Quốc hội thông qua; những vấn đề thực tiễn đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì quyết tâm thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng các dự thảo luật, đánh giá việc quán triệt, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng trong các dự luật. Các điều khoản cụ thể trong dự thảo luật đã bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với các luật khác trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, cần lưu ý việc đánh giá tác động đối với những đề xuất quy định mới.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, các đại biểu cần quán triệt và thực hiện tốt Quy định 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Các chính sách đảm bảo không để sơ hở, phòng ngừa, ngăn chặn việc “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực. Vì vậy, các vị đại biểu Quốc hội khi phát biểu cần thể hiện rõ quan điểm, khách quan, không né tránh đối với các nội dung nhạy cảm, dễ xảy ra trục lợi chính sách.

Theo ông Mẫn, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật nếu không bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời sẽ cản trở sự phát triển lành mạnh của xã hội, gây xung đột lợi ích, phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đồng thời gây phân tán nguồn lực của đất nước, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh bình đẳng của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và sâu xa hơn ảnh hưởng đến nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Khắc phục tình trạng chậm gửi tài liệu
Qua tổng kết Kỳ họp thứ 7 cho thấy, việc gửi tài liệu đến ĐBQH đã có bước chuyển biến tích cực nhờ cách thức thực hiện mới; phát huy cách làm hiệu quả đó, ngay sau kết thúc Hội nghị này, đề nghị các cơ quan phối hợp tổ chức tiếp thu ý kiến, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tài liệu và gửi các vị đại biểu Quốc hội ngay khi chỉnh lý, hoàn thiện xong, từng bước cố gắng khắc phục triệt để tình trạng chậm gửi tài liệu, đảm bảo ĐBQH tiếp cận tài liệu trình tại Kỳ họp sớm nhất, có đủ thời gian để nghiên cứu, quyết định, nhất là đối với những dự án luật, nghị quyết trình thông qua.

Tích cực nghiên cứu; chuẩn bị ý kiến súc tích, tránh trùng lặp, phân tích, lập luận thuyết phục và đề xuất phương án cụ thể về những vấn đề xin ý kiến hoặc được quy định trong dự thảo luật. Trong quá trình thảo luận, khi cần thiết, đại diện cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra sẽ báo cáo, làm rõ thêm những vấn đề mà đại biểu quan tâm. Trường hợp có nội dung kết thúc sớm hơn so với thời gian dự kiến thì sẽ chuyển luôn sang nội dung kế tiếp để tiết kiệm thời gian và bảo đảm hiệu quả của Hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng "Với sự chuẩn bị chu đáo của các cơ quan hữu quan và trách nhiệm cao của các vị đại biểu, Hội nghị lần này sẽ góp phần quan trọng để hoàn thiện 12 dự án luật trước khi trình Quốc hội...".