PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ về những khó khăn, vất vả của đội ngũ y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch tại tọa đàm “Đại dịch COVID-19 và chính sách đối với nhân viên y tế” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức sáng 21/2.
Ông cho biết: “Có những học trò của chúng tôi không ăn cơm được, bị stress, xin nghỉ phép đóng cửa ở trong phòng 2-3 ngày chỉ vì không thể quên được những ca bệnh mà mình không bảo vệ được. Đó là giờ phút không thể nào quên được. Tôi rất tự hào về các em!
Có những em bị mắc COVID-19 nhưng không nghỉ mà xin vào phòng bệnh ở cùng luôn với bệnh nhân để chăm sóc bệnh nhân 24/24. Đó là giai đoạn vô cùng khó khăn của ngành y”.
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Hiện nay khi dịch đã chuyển sang giai đoạn mới thì chúng ta không thể Zezo COVID-19 mà phải sống chung với dịch bệnh. Giai đoạn này thì sự hy sinh lại khác.
Giai đoạn này, khó khăn nhất đối với chúng tôi là không phải không biết cách chữa, hoảng sợ vì số lượng COVID-19 diễn biến phức tạp bởi chúng ta đã hiểu rất rõ về COVID-19.
Khó khăn lớn nhất là chúng ta phải chống dịch lâu dài. Các y bác sĩ nhân viên y tế không biết lúc nào sẽ dừng lại việc điều trị COVID-19, việc điều trị vẫn liên tục.
Tuy nhiên, thực sự tinh thần của các cán bộ, nhân viên y tế dã được đào tạo, rèn luyện nhiều năm nên không ai bỏ cuộc.
Ngay đầu năm vừa rồi, chúng tôi đã phát động phong trào “Trái tim hồng”, nhiều y bác sĩ vẫn đang điều trị bệnh nhân COVID-19, thậm chí bệnh nhân nặng, nhưng vẫn sẵn sàng “xắn tay áo” hiến máu cứu những bệnh nhân đang rất cần máu để duy trì sự sống.
Rất nhiều y bác sĩ khác của chúng tôi ở bệnh viện bị nhiễm COVID-19, có đến hơn 200 bác sĩ nhiễm bệnh. Nhưng anh chị em không nghỉ ngơi mà xin xuống Bệnh viện điều trị COVID-19 (Hà Nội). Những người không nhiễm bệnh thì lên cơ sở 1 tại Đại học Y Hà Nội làm việc. Tôi rất cảm động!
“Chúng tôi không sợ COVID-19. Chúng tôi chỉ sợ người dân hoảng loạn, thiếu niềm tin. Sức ép của chúng ta hiện nay là làm sao truyền thông để người dân tin tưởng thực hiện các hướng dẫn, khuyến cáo của ngành y tế.
Chúng ta đã có hướng dẫn rất rõ ràng về điều trị COVID-19 tại nhà đối với người lớn như thế nào, đối với trẻ em như thế nào.
Rất mong người dân bình tĩnh, giảm sức ép đối với các nhân viên y tế để các bác sĩ tập trung cứu bệnh nhân nặng!”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói./.