Xu hướng kinh doanh mới
Thời gian gần đây, thương mại điện tử tại Việt Nam xuất hiện xu hướng kinh doanh mới nhưng đang có tốc độ phát triển rất nhanh. Đó là kinh doanh trên nền tảng số xuất phát từ phục vụ nhu cầu giải trí, sau đó lấn sân sang kinh doanh: Tiktok shop. Xu hướng này khác hẳn với các nền tảng thương mại điện tử đã phát triển trước đó, khách hàng có nhu cầu mua sắm thì mới truy cập.
Mới phát triển được hơn 1 năm, Tiktok shop có tuổi đời trẻ nhất trong các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam. Tuy nhiên, những tháng qua, nhiều chủ tài khoản kinh doanh online trên mạng xã hội đã đổ xô sang sàn thương mại điện tử mới này. Lý do lớn nhất: trong khi việc kinh doanh online, nhất là trên nền tảng xã hội ngày càng ế ẩm do bị hạn chế tương tác thì kinh doanh trên Tiktok lại ổn hơn, mỗi ngày đều có đơn hàng được chốt.
Theo đại diện Tiktok shop, hiện mỗi ngày có hơn 1 triệu đơn hàng được giao dịch trên nền tảng này. Lợi thế của kênh bán hàng mới là người mua – người bán hàng trên Tiktok có sự tương tác giao lưu với nhau. Người mua hàng quyết định chốt đơn không hẳn vì giá sản phẩm rẻ mà vì sự vui vẻ hoặc yêu thích với câu chuyện người bán kể lại.
Một trong những mặt hàng được chốt đơn nhiều nhất trong thời gian qua là nông sản đặc sản vùng miền. Kết quả này có được từ sự phối hợp của Tiktok với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc quảng bá sản phẩm OCOP qua chương trình “Chợ phiên OCOP”.
Cũng giống như trên nền tảng mạng xã hội khác, sự phát triển của Tiktok shop tạo ra những KOL (người có sức ảnh hưởng). Các KOL không chỉ là nghệ sỹ nổi tiếng mà còn là nhà nông, chủ hợp tác xã, trang trại… có lối dẫn chuyện tự nhiên, cuốn hút, giới thiệu về các đặc sản vùng miền. Từ sự phát triển này, các địa phương đã tăng cường phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn chủ doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, nông trại tiếp cận hình thức kinh doanh qua mạng xã hội vừa tổ chức các phiên livestream giới thiệu về đặc sản của mình với nguồn kinh phí phù hợp.
Cần tổ chức sản xuất và cung ứng chuyên nghiệp
Đánh giá về xu hướng kinh doanh này, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, đây là hướng đi phù hợp góp phần thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hoá, trong đó có các loại nông sản đặc sản. Đặc biệt, tiếp cận nhanh với đối tượng khách hàng đông đảo là các bạn trẻ bởi tích hợp được nhiều tiện ích như so sánh sản phẩm cùng loại trên thị trường, thanh toán, vận chuyển.
Tuy nhiên, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ chỉ ra một số vấn đề nảy sinh, trong đó khó khăn lớn nhất là khó khăn trong kiểm soát vận chuyển, đóng gói để đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là với sản phẩm đặc thù, dễ hư hỏng do tác động của thời tiết nnhư thuỷ hải sản, trái cây…
Bên cạnh đó là vấn đề minh bạch nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm; tổ chức sản xuất quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu khách hàng tăng; bản quyền hình ảnh, video và các kịch bản phòng chống rủi ro…
Một số chủ cửa hàng trực tuyến đã đồng thuận với nhận định của chuyên gia nông nghiệp. Là người từng có số đơn hàng khủng trong livestream đầu tiên, bà Nguyễn Thị Tường Thảo – Phó Giám đốc hợp tác xã Vườn nhà Đà Lạt cho biết đã gặp một số khó khăn về khâu vận chuyển, đóng gói hàng ngàn đơn hàng. Trong đó đơn hàng ở xa, thời gian vận chuyển lâu trong khi hàng nông sản rất dễ gặp rủi ro, hư hỏng…
Trên thực tế, chi phí vận chuyển cao đang đội giá thành sản phẩm. Do đó, việc bổ sung nhân lực cho khâu sơ chế, đóng gói và tìm kiếm hợp tác với các đơn vị vận chuyển chuyên nghiệp là vấn đề đang được các hợp tác xã quan tâm.
Một vấn đề quan trọng khác, nhiều kênh bán hàng chủ yếu là thương mại, số lượng cửa hàng trực tuyến là của đơn vị sản xuất là không nhiều. Do vậy, chủ kênh bán hàng thương mại cần tạo dựng liên hệ, kết nối chặt chẽ với các hợp tác xã, nông trại, thậm chí là góp vốn đầu tư để hoàn thiện hệ thống, quy trình, trong đó ưu tiên cho hệ thống truy xuất nhằm minh bạch nguồn gốc, nâng cao chất lượng.