Có nhất thiết dùng 27.000 tỉ đồng khôi phục đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt?

Đó là câu hỏi được nhiều người đặt ra khi biết thông tin dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt cần vốn đầu tư lên đến hơn 27.000 tỉ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, nên sử dụng khoản tiền này cho nhiều dự án hạ tầng cấp bách hơn.

Hơn 27.000 tỉ đồng làm 84km đường sắt

Tuyến đường sắt nối Tháp Chàm (Ninh Thuận) – Đà Lạt (Lâm Đồng) được người Pháp xây dựng từ năm 1908 và đến năm 1932 hoàn thành.

Tuyến có tổng chiều dài 84km, 12 ga và chạy qua 5 hầm xuyên núi. Trong đó có tổng cộng 16km đường sắt răng cưa leo núi ở 3 đoạn. Đây là một trong 2 dự án đường sắt răng cưa trên thế giới (cái còn lại ở Thụy Sĩ).

Trong những năm chiến tranh khốc liệt, tuyến đường sắt bị dừng khai thác do không đảm bảo an toàn.

Sau năm 1975, gần như toàn bộ đường ray, tà vẹt trên tuyến đường này được tháo gỡ. Hiện chỉ còn đoạn Trại Mát - Đà Lạt dài khoảng 7 km khai thác tàu du lịch.

duong-sat-rang-cua-1657851309.jpg
 

Mang nhiều ý nghĩa lịch sử và là một trong hai dự án đường sắt răng cưa hiếm hoi trên thế giới, dự án khôi phục đường sắt Tháp Chàm – Đạt Lạt đang nhận được nhiều sự quan tâm.

Nhiều ý tưởng về dự án khôi phục lại tuyến đường sắt độc đáo này đã được nhiều đơn vị đề xuất.

Gần đây nhất, Bộ Giao thông-Vận tải đã chấp thuận đề nghị của Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Khách sạn Bạch Đằng về việc lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự.

Theo đó, dự án khôi phục đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt có sẽ có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 83,5 km. Các công trình thi công bao gồm 17 nhà ga và trạm khách, 64 cầu, 5 hầm chui và 16 km đường sắt răng cưa. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 27.000 tỷ đồng được triển khai bằng phương thức đối tác công-tư (PPP).

Dự kiến, chủ đầu tư sẽ thực hiện xong tiến độ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, nghiên cứu tiền khả thi, chấp thuận chủ trương vào năm 2024; triển khai thi công, đưa vào vận hành, thương mại năm 2030.

Quá tốn kém, không hiệu quả?

Sau khi thông tin dự án đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt cần số vốn đầu tư hơn 27.000 tỉ đồng đã xuất hiện nhiều ý kiến tranh luận trái chiều của bạn đọc.

Bên cạnh số ít ý kiến đồng thuận, cho rằng dự án cần thiết được đầu tư vì tính lịch sử của nó đồng thời thúc đẩy khai thác du lịch của hai địa phương có thế mạnh về biển và núi.

Tuy nhiên, phần đông ý kiến phản đối bởi số tiền chi cho dự án quá cao, trong khi hiệu quả khai thác mang lại không tương xứng.

Anh Chính (ở TP.HCM) cho biết, không thể phủ nhận ý nghĩa lịch sử của tuyến đường sắt Tháp Chàm – Ninh Thuận nhưng để khôi phục toàn bộ dự án này với số vốn đầu tư hơn 1 tỉ USD là không nên.

Theo anh Chính, nếu dự án hướng đến phát triển du lịch, vận tải hàng hóa thì khó khả thi bởi nhiều yếu tố.

Thứ nhất, Đà Lạt là địa danh hấp dẫn du khách, trong khi Ninh Thuận chưa phải là điểm đến đông đúc. Lưu lượng hành khách và hàng hóa trên trục này không phải quá lớn.

Hiện nay để đến hai địa phương này có thể di chuyển bằng ô tô hoặc máy bay sẽ tiện lợi hơn.

“Từ TP.HCM lên Đà Lạt sẽ đi bằng ô tô hoặc máy bay, còn nếu ra Ninh Thuận đi cao tốc, quốc lộ chứ ai lại đi ra Ninh Thuận rồi lại đi đường sắt lên Đà Lạt hoặc lên Đà Lạt rồi đi đường sắt ra Ninh Thuận. Nếu có chỉ thử một lần trải nghiệm mà thôi”, anh Chính nói.

Thứ hai, xu hướng ngày càng phát triển, việc di chuyển bằng đường sắt không còn được nhiều người lựa chọn. Nhất là nếu nhìn vào hệ thống hạ tầng cũ kĩ, xuống cấp của ngành đường sắt hiện nay.

ket-xe-qua-tai-1657851309.jpg
Nên ưu tiên đầu tư các tuyến đường bộ, cao tốc giúp giảm tải giao thông, kết nối khu vực

Cùng quan điểm, anh Nam (ở Bình Dương) cho biết, hiện nay mạng lưới hạ tầng giao thông nhiều vùng miền còn chưa phát triển, đặc biệt là hệ thống cao tốc do thiếu vốn đầu tư.

Nhiều khu vực ở Đồng bằng sông Cửu Long hay vùng núi phía Bắc dù rất tiềm năng nhưng chưa thể phát triển hết vì ‘tắc nghẽn” hạ tầng. Tại những thành phố lớn, các tuyến đường Vành đai giúp giải tỏa giao thông nội đô, kết nối khu vực cũng trì trệ nhiều năm cũng do thiếu tiền.

Anh Nam ví dụ, với số tiền hơn 27.000 tỉ đồng có thể thoải mái xây dựng nhiều tuyến cao tốc quan trọng hiện nay như cao tốc TP.HCM – Mộc Bài (gần 16.000 tỉ đồng), Biên Hòa – Vũng Tàu (gần 18.000 tỉ đồng), cao tốc Nha Trang – Buôn Ma Thuột (gần 20.000 tỉ đồng)….

Do đó, thay vì đổ số tiền lớn để làm tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt thì nên ưu tiên vốn cho những dự án cấp bách hơn, có tác động mạnh mẽ hơn.

Ngày 13/7/2022, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận về dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Ninh Thuận.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, đơn vị tư vấn, nhà đầu tư cần lấy ý kiến góp ý làm rõ tính khả thi của dự án, bám sát mục tiêu theo hướng phát triển bền vững kinh tế - xã hội.