Cổ phiếu GVR có hưởng lợi từ diện tích KCN cao su được mở rộng?

10/06/2023 22:28

Theo dõi trên

Cổ phiếu nhóm khu công nghiệp cao su trong các phiên giao dịch gần đây tiếp tục được dòng tiền ưu ái nhờ lợi thế quỹ đất.

co-phieu-cao-su-gvr-duoc-huong-loi-nho-quy-dat-kcn-duoc-mo-rong-pld-1686410752.jpeg
Cổ phiếu cao su GVR được hưởng lợi nhờ quỹ đất KCN được mở rộng

Điển hình là cổ phiếu GVR-Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tăng lên 18.000 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh lên tới 6,6 triệu cổ phiếu. Đây là vùng giá cao nhất của GVR trong 1 tháng qua. Không chỉ GVR mà nhiều cổ phiếu trong nhóm KCN liên quan tới mảng cao su được dự báo vẫn còn dư địa tăng trong thời gian tới.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành quyết định quyết định số 1343/QĐ-UBND về việc cho phép CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) thuê đất (đợt 1) để thực hiện dự án KCN Nam Tân Uyên mở rộng (giai đoạn 2) tại thành phố Tân Uyên với tổng diện tích 3.443.37 m2 với thời gian cho thuê đến ngày 13/9/2068.

Các cổ đông lớn của KCN Nam Tân Uyên là Cao su Phước Hoà (PHR), Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR) và Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) theo đó sẽ được hưởng lợi. Hiện cơ cấu của GVR bao gồm Công ty mẹ – Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là công ty nhà nước; được Nhà nước giao đất để thống nhất quản lý và bố trí diện tích sản xuất, kinh doanh cao su cho các công ty con; có chức năng đầu tư tài chính vào các doanh nghiệp khác.

3 tổng công ty do Công ty mẹ  do GVR nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con (Tổng công ty Cao su Đồng Nai, Tổng công ty Công nghiệp cao su, Tổng công ty Cao su Việt Lào). Và 2 Công ty con do GVR nắm giữ 100% vốn điều lệ và 35 công ty do Công ty mẹ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

bao-cao-tai-chinh-cua-gvr-pld-1686410752.jpg

Báo cáo tài chính của GVR quý I/2023 cho thấy, Tập đoàn ghi nhận doanh thu đạt 4.135,2 tỷ đồng, giảm 15,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 755,68 tỷ đồng, giảm 42,6% so với cùng kỳ. Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 31,6% so với cùng kỳ, về 1.005,9 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 29,7%, tương ứng tăng thêm 52,9 tỷ đồng, lên 231,1 tỷ đồng, chi phí tài chính giảm nhẹ. Theo đó, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 2,7%, tương ứng tăng thêm 12,56 tỷ đồng, lên 471,22 tỷ đồng.

Tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của GVR giảm 1,7% so với đầu năm. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định ghi nhận 34.465,5 tỷ đồng, chiếm 44,7% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 14.589,2 tỷ đồng, chiếm 18,9% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 11.194 tỷ đồng, chiếm 14,5% tổng tài sản…

Đánh giá về cổ phiếu GVR, các chuyên gia chứng khoán CTS cho rằng, giá cao su đã hồi phục tăng 3% từ đầu năm 2023, tuy nhiên vẫn ở mức thấp hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Giá cao su vẫn tiếp tục được dự báo tăng trong thời gian tới. Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu cao su lớn nhất Việt Nam, chiếm tỷ trọng gần 80% kim ngạch xuất khẩu cao su Việt Nam 2022.

Việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn trở lại sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cao su, tác động tích cực đến kết quả kinh doanh mảng cao su của GVR. GVR sở hữu gần 290 nghìn ha đất tại Việt Nam, quỹ đất dồi dào để chuyển đổi sang đất KCN với chi phí thấp. Theo kế hoạch đặt ra đến 2025, tập đoàn sẽ mở rộng thêm gần 17.000 ha đất KCN. Từ nay đến 2030, GVR tập trung đẩy mạnh đầu tư, nâng tổng diện tích KCN sở hữu lên đến gần 40 nghìn ha.

Từ diện tích KCN cao su mở rộng cùng với kết quả kinh doanh khả quan khi thị trường Trung Quốc mở cửa, CTS khuyến nghị đối với cổ phiếu GVR, mức giá mục tiêu 21.500  đồng/cp, thời gian nắm giữ 03-06 tháng.

Bạn đang đọc bài viết "Cổ phiếu GVR có hưởng lợi từ diện tích KCN cao su được mở rộng?" tại chuyên mục Chứng khoán - Trái phiếu. Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0775.198.669 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com