Công ty CP Văn hóa Đông A có đang phát hành sách “lậu”?

Linh Nguyễn

18/10/2021 12:39

Theo dõi trên

Phiên bản đặc biệt của cuốn sách Napoléon Bonaparte (hay còn được gọi là sách S500 Napoléon Bonaparte) do Công ty cổ phần Văn hóa Đông A (Đông A) phát hành đang cho thấy những dấu hiệu vi phạm quy định của Luật Xuất bản năm 2012. Bên cạnh đó, dư luận đang đặt câu hỏi liệu rằng Đông A có đang phát hành sách “lậu” khi dùng cùng 1 giấy phép cho 2 phiên bản khác nhau của cuốn sách này?

Năm 2019, Công ty cổ phần Văn hóa Đông A (trụ sở chính tại 113 Đông Các, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) tung ra thị trường bản đặc biệt của tiểu thuyết Anh Em Nhà Karamazov, mở đầu phong trào chơi sách phiên bản đặc biệt. Cuốn sách ngay lập tức được người chơi sách cả nước biết đến nhờ các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

Anh 1

Cuốn Napoléon Bonaparte phiên bản đặc biệt

Tiếp nối thành công đó, Đông A đã cho ra đời nhiều ấn bản đặc biệt (S100 và S500) khác như Kiêu Hãnh Và Định Kiến, Hán Sở Diễn Nghĩa, Những Ngôi Sao Eger, Những Cuốn Sách Thay Đổi Lịch Sử, Khát Vọng Sống, Bố Già,…

Một trong những yếu tố làm nên sự đặc biệt của các phiên bản này là chúng thường được làm với số lượng ít và có mức độ đầu tư cao hơn hẳn ấn bản thông thường về mỹ thuật, chất lượng giấy, hình ảnh. Bởi vậy, chúng còn được gọi là sách phiên bản giới hạn. Thông thường, các nhà làm sách đặc biệt sẽ phát hành 100 cuốn (S100) hoặc 500 cuốn (S500), đánh số thứ tự trên mỗi ấn bản.

Những phiên bản đặc biệt này đã khiến thị trường “chơi sách” thời gian qua diễn ra vô cùng sôi nổi. Tuy nhiên, thời gian gần đây những người chơi sách dành sự quan tâm tới cuốn sách Napoléon Bonaparte phiên bản đặc biệt 500 cuốn (hay còn gọi là S500 Napoléon Bonaparte) – phiên bản sách đặc biệt mới nhất của Đông A.

Mới đây, chúng tôi đã nhận được đơn phản ánh của bạn đọc về cuốn sách S500 Napoléon Bonaparte do Đông A phát hành cho thấy hàng loạt dấu hiệu vi phạm các quy định về xuất bản sách. Điều này khiến dư luận nói chung và những độc giả yêu thích, sưu tầm sách nói riêng đặt ra câu hỏi liệu những ấn phẩm sách đặc biệt họ có trong tay có đủ điều kiện được lưu hành trên thị trường?

Tiếp nhận phản ánh của bạn đọc, phóng viên đã tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này.

Không in mã số ISBN và thiếu những thông tin bắt buộc in trên các trang bìa

Cầm trên tay cuốn sách S500 Napoléon Bonaparte phóng viên ghi nhận trên bìa một và bìa bốn của cuốn sách không có thông tin về: tác giả, tên dịch giả, tên nhà xuất bản cuốn sách, giá bán và mã số ISBN.

Anh 2

Bìa bốn của S500 Napoléon Bonaparte (bên trái) không có mã số ISBN và giá bán lẻ

Theo Thông tư số 05/2016/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định bắt đầu từ ngày 1/8/2016, nhà xuất bản phải ghi mã số ISBN trên sách và tài liệu dạng sách, bao gồm cả bản đồ, sách điện tử, sách chữ nổi.

Tại Điều 7, Khoản 1a của Thông tư 05 ghi rõ đối với sách in “Mã số ISBN tích hợp mã vạch phải in tại góc dưới bên phải bìa bốn. Nếu là sách có bìa bọc thì in trên bìa bọc”.

ISBN là chữ viết tắt của International Standard Book Number (Mã số tiêu chuẩn quốc tế cho sách), là mã số tiêu chuẩn quốc tế để xác định một quyển sách.

Năm 2007, Việt Nam cho ra đời TCVN 6380: 2007 Thông tin và tư liệu - Mã số tiêu chuẩn quốc tế cho sách (ISBN). Việt Nam cũng đã chính thức gia nhập ISBN quốc tế, và được cấp mã quốc gia là 604.

Sách xuất bản tại Việt Nam có mã ISBN đều sẽ có các con số đầu là 978 rồi đến 604, tiếp theo là mã Nhà xuất bản, mã Xuất bản phẩm, và cuối cùng là số kiểm tra.

Tuy nhiên, trên bìa bốn của cuốn S500 Napoléon Bonaparte thì không hề in mã số ISBN.

Ngoài ra, tại bìa một và bìa bốn của cuốn sách cũng thiếu nhiều thông tin theo quy định tại Điều 27 Luật Xuất bản 2012. Cụ thể: Bìa một của cuốn sách không ghi tên tác giả, tên dịch giả và tên nhà xuất bản cuốn sách. Bìa bốn của cuốn sách không có giá bán lẻ.

Anh 3

Bìa một của S500 Napoléon Bonaparte (bên trái) không có tên tác giả, tên dịch giả và tên nhà xuất bản

Được biết, trên các trang thông tin chính thức và website của Đông A đều từng có những đợt mở bán sách S500 Napoléon Bonaparte. Như vậy, cuốn sách trên được phát hành với mục đích kinh doanh tuy nhiên lại không in giá bán lẻ trên bìa cuốn sách.

Những điều trên là vi phạm pháp luật và sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo Khoản 1, Điều 25, Nghị định 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Sử dụng chung 1 giấy phép và mã số ISBN cho 2 ấn phẩm khác nhau

Cuốn sách Napoléon Bonaparte phiên bản thường và phiên bản đặc biệt của Đông A tuy có cùng nội dung nhưng hình thức trang bìa, khuôn khổ sách và giá bán hoàn toàn khác nhau. Theo đúng quy định, với 2 ấn phẩm khác nhau như vậy thì khi phát hành yêu cầu phải có 2 giấy phép riêng cho từng ấn phẩm.

Anh 4

Phiên bản đặc biệt chỉ in 500 cuốn nhưng thông tin trên trang xi nhê ghi số lượng in 2.000 cuốn. Ngoài ra còn sử dụng  chung Số xác nhận đăng ký xuất bản, Số quyết định xuất bản và mã số ISBN với phiên bản thường

Tuy nhiên, theo thông tin được in trên trang xi nhê của cuốn sách lại cho thấy Đông A không làm như vậy. Trang xi nhê của phiên bản thường và phiên bản đặc biệt hoàn toàn giống nhau. Hai phiên bản này đều sử dụng chung Số xác nhận đăng ký xuất bản, Số quyết định xuất bản và mã số ISBN.

Trang xi nhê (Trang bản quyền)

Có thể nằm ở đầu hoặc cuối của cuốn sách với các thông tin liên quan đến nhà xuất bản, năm phát hành; số lượng bản in; đơn vị giữ bản quyền, các thông số liên quan đến việc đăng ký kinh doanh và bản quyền. Trang quy định trách nhiệm pháp lý của nhà in, biên tập viên, người tổ chức, chịu trách nhiệm bản thảo, người chịu trách nhiệm xuất bản.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khi đăng kí xuất bản, nhà xuất bản phải cung cấp thông tin về khuôn khổ, số lượng in và mã số ISBN của từng xuất bản phẩm. Như vậy với những điểm khác nhau giữa 2 phiên bản thì việc sử dụng chung Số xác nhận đăng ký xuất bản và Số quyết định xuất bản có đúng quy định hay không?

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Việt Mỹ - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho biết “Việc sử dụng chung Số xác nhận đăng ký xuất bản và Số quyết định xuất bản cho 2 ấn phẩm khác nhau là chưa từng có tiền lệ. Công ty Đông A cần xem xét lại vấn đề này xem đã đúng quy định pháp luật hay chưa bởi giấy phép xuất bản rất quan trọng. Nó liên quan đến thời gian phát hành, số lượng phát hành, giá thành sản phẩm, nguồn thu của nhà xuất bản (ảnh hưởng trực tiếp tới nghĩa vụ đóng thuế) và việc bảo vệ quyền tác giả”.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Nam (Văn phòng Luật sư Hồng Bách và cộng sự) cho biết: Tại Điều 22 Luật xuất bản 2012 có quy định về hoạt động đăng ký xuất bản và xác nhận đăng ký xuất bản như sau: Trước khi xuất bản tác phẩm, tài liệu hoặc tái bản xuất bản phẩm, nhà xuất bản phải đăng ký xuất bản với Bộ Thông tin và Truyền thông theo mẫu quy định.

Tại Khoản 5 Điều 10 Nghị định 195/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật xuất bản có quy định như sau: Văn bản xác nhận đăng ký xuất bản là căn cứ để nhà xuất bản ra Quyết định xuất bản đối với từng tác phẩm, tài liệu, xuất bản phẩm tái phẩm.

Có thể dễ dàng nhận thấy điều luật quy định rất rõ mỗi văn bản xác nhận đăng ký xuất bản là căn cứ để nhà xuất bản ra Quyết định xuất bản đối với từng ấn phẩm mà nhà xuất bản dự kiến xuất bản. Do đó, mỗi văn bản xác nhận xuất bản chỉ được dùng một lần duy nhất cho 1 ấn phẩm mà nhà xuất bản định phát hành. Như vậy, Đông A đang có hành vi sử dụng chung 1 Số xác nhận đăng ký xuất bản và Số quyết định xuất bản cho 2 loại ấn phẩm khác nhau là không hợp pháp.

Ngoài ra, tại Điều 6 Thông tư 05/2016/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông có quy định về các thông tin được tích hợp trong mã số ISBN bao gồm: Tên nhà xuất bản; Tên sách; Tên tác giả, tên dịch giả (đối với sách dịch); Năm xuất bản; Khuôn khổ, số trang; Thể loại; Tóm tắt nội dung, chủ đề, đề tài; Số xác nhận đăng ký xuất bản của Cục Xuất bản, In và Phát hành; Số quyết định xuất bản của nhà xuất bản; Số lượng in, tên và địa chỉ cơ sở in (nếu là sách in); Dung lượng (byte), định dạng, địa chỉ website đăng tải hoặc tên nhà cung cấp (nếu là sách điện tử); Tên và địa chỉ đối tác liên kết (nếu có) và Giá bán (nếu có).

Đồng thời tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư 05 quy định các trường hợp được cấp một mã số ISBN riêng biệt. Theo đó, yêu cầu cấp mã số ISBN riêng cho sách cùng nội dung nhưng xuất bản dưới các hình thức khác nhau (sách in bìa cứng, sách in bìa mềm, sách kèm đĩa, sách điện tử, sách chữ nổi).

Như vậy, việc sử dụng mã số ISBN của sách phiên bản thông thường cho sách phiên bản đặc biệt là hoàn toàn trái với quy định. Bởi phiên bản thông thường và phiên bản đặc biệt không chỉ có hình thức khác nhau mà giá bán của chúng cũng có sự chênh lệch lớn.

Anh 5

Bài đăng mở bán sách S500 Napoléon Bonaparte trên trang Facebook của Công ty Đông A

Nếu cuốn Napoléon Bonaparte phiên bản thông thường có giá bán lẻ là 590.000đ (giá in trên bìa bốn của cuốn sách) thì phiên bản đặc biệt S500 được Đông A bán ra thị trường với giá là 2.100.000đ (giá công khai trên trang thông tin và website của Đông A).

Giấy phép xuất bản hay mã số ISBN là phương tiện để giúp Nhà nước quản lí hoạt động kinh doanh sách trên thị trường. Tuy nhiên với việc “lách luật” trên, chỉ một phép tính đơn giản cũng có thể thấy được nguồn thu khổng lồ Công ty Đông A thu về mà không phải chịu sự quản lí của Nhà nước.

Anh 6

Phiên bản đặc biệt có hình thức bìa đẹp và được đánh số thứ tự trên mỗi ấn phẩm

Khoảng 2 năm trở lại đây, Đông A là 1 trong những đơn vị dẫn đầu trong thị trường sách đặc biệt và giới hạn. Số lượng đầu sách mà Đông A bán ra thị trường là không ít và dòng tiền thu về là vô cùng lớn bởi các phiên bản đặc biệt đều được bán với giá cao, thậm chí là rất cao. Vậy các phiên bản sách đặc biệt mà Đông A “lách luật” phát hành ra thị trường có phải là sách “lậu” hay không? Nếu là hành vi phát hành sách “lậu” thì liệu hình thức xử phạt cho Đông A là như thế nào?

Luật sư Hoàng Nam phân tích: Hiện nay, tại các văn bản luật chưa ghi nhận về việc thế nào là sách lậu mà chỉ có khái niệm hàng giả, hàng thật và hàng nhập lậu. Căn cứ theo các quy định của pháp luật thì việc sản xuất hàng hoá là sách vở không tuân theo quy định của Luật đương nhiên sẽ được coi là hàng giả.

Cụ thể, Điểm a Khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về khái niệm hàng giả như sau: Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký.

Đối chiếu quy định trên thì có thể thấy ấn phẩm sách đặc biệt của Đông A không có số xuất bản, không đầy đủ các thông tin theo Luật xuất bản quy định, không đúng với những nội dung đã được cấp phép thì đương nhiên là sách giả.

Về chế tài áp dụng đối với chủ thể vi phạm các quy định xuất bản thì căn cứ vào tính chất mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm thì chủ thể vi phạm có thể bị xử phạt hành chính về hành vi xuất bản, tái bản phẩm không có quyết định xuất bản, tái bản đối với từng xuất bản phẩm với mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.0000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi tiêu huỷ xuất bản phẩm.

Hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản theo quy định tại Điều 344 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Thị trường sách đặc biệt thời gian qua diễn ra vô cùng sôi nổi tuy nhiên với dấu hiệu vi phạm pháp luật trên của Đông A cho thấy dường như có 1 lỗ hổng lớn trong việc quản lí và sự lơ là trong kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng, cụ thể ở đây là Cục Xuất bản, In và Phát hành.

Đã đến lúc cần sự vào cuộc sát sao của các cơ quan chức năng để điều tra rõ hơn sự việc này. Bởi đằng sau khoản thu khổng lồ mà không chỉ Đông A mà còn nhiều công ty phát hành sách khác thu được từ những ấn phẩm đặc biệt này còn là hành vi trốn tránh trách nhiệm đóng thuế với Nhà nước cho những cuốn sách giá trị cao mà họ đã phát hành ra thị trường.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017

Điều 344 . Tội vi phạm quy định về hoạt động xuất bản

1.351 Người nào vi phạm quy định về hoạt động xuất bản thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) In 2.000 bản trở lên đối với từng xuất bản phẩm mà không có quyết định xuất bản, không có giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh hoặc không có bản thảo đã được ký duyệt theo quy định của pháp luật;

b) Xuất bản, in hoặc phát hành xuất bản phẩm đã bị đình chỉ phát hành, bị thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy hoặc nhập khẩu trái phép với số lượng 500 bản trở lên đối với từng xuất bản phẩm;

c) Xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử có nội dung bị cấm, không có quyết định xuất bản hoặc không có bản thảo đã được ký duyệt theo quy định của pháp luật.

Bạn đang đọc bài viết "Công ty CP Văn hóa Đông A có đang phát hành sách “lậu”?" tại chuyên mục Sự kiện. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com