COVIVAC: Sự chìm nổi của một vaccine Việt

Một lộ trình tiêm chủng thần tốc khiến người ta có thể yên tâm về độ phủ vaccine ở Việt Nam. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn day dứt câu hỏi “giờ này, các vaccine nội trong đó có COVIVAC nay đang ở đâu trong chiến lược phát triển vaccine covid của Việt Nam?”
covivac-pldnet-1644551023.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thị sát một số nhà sản xuất vaccine tại Việt Nam. Nguồn: Báo chính phủ.

Vào thời điểm này, các vaccine nội vẫn còn phải vật lộn với quá trình thử nghiệm hoặc xét duyệt. COVIVAC, vaccine dự tuyển của Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC), dù đầy hứa hẹn vào tiềm năng đem lại hiệu quả bảo vệ trước SARS-CoV-2 với kết quả thử nghiệm giữa kỳ giai đoạn hai nhưng đã quyết định dừng lại trước ngưỡng cửa giai đoạn ba.Vì đâu nên nỗi?

Thành công ngoài dự kiến

Giữa những thời điểm cam go của dịch bệnh tại Việt Nam, quá trình phát triển và thử nghiệm vaccine COVIVAC vẫn diễn ra với nỗ lực của những người làm nghề ở IVAC. Sau khi đề cương được Bộ Y tế phê duyệt vào ngày 9/8/2021, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai của COVIVAC đã được tiến hành ở Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư, Thái Bình với sự tham gia của IVAC, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE) cùng đội ngũ y tế địa phương.

Sự nguy hiểm của dịch bệnh khiến đề cương đã phải thay đổi so với quy định thông thường: thay vì tiêm giả dược cho nhóm đối chứng, giai đoạn hai là cuộc thử nghiệm đối đầu giữa COVIVAC với AstraZeneca. Trong một trao đổi vào cuối tháng 8/2021, PGS. TS Lê Văn Bé (IVAC) từng giải thích “Chúng tôi đã đề xuất lên Hội đồng Y đức là điều chỉnh kế hoạch, không dùng liều giả dược đối chứng do dịch bệnh đang gia tăng bởi rất có nguy cơ người tiêm giả dược sẽ bị phơi nhiễm virus, nguy hiểm đến tính mạng. Thay vào đó, họ sẽ được tiêm vaccine có cùng nền tảng công nghệ như AstraZeneca”.

Đó là điều diễn ra ở giai đoạn hai thử nghiệm lâm sàng của COVIVAC, với mũi tiêm đầu tiên vào ngày 18/8 và thời điểm kết thúc mũi hai vào ngày 20/9. Tuy diễn ra có phần khác biệt so với những thử nghiệm thông thường nhưng đợt thử nghiệm này vẫn tuân thủ chặt chẽ các quy định về đơn vị giám sát độc lập nghiên cứu trên thực địa (Vietstar), đơn vị quản lý, phân tích dữ liệu độc lập (BIOPHICS, ĐH Mahidol, Thái Lan), đơn vị xét nghiệm miễn dịch (Nexelis, Laval, Quebec, Canada)…

Những gì thu được từ thử nghiệm giữa kỳ giai đoạn hai đã vượt quá kỳ vọng của IVAC. Trong thông tin trên trang web chính thức của mình, IVAC viết “vaccine COVIVAC đạt yêu cầu về tính an toàn, được dung nạp tốt và sinh kháng thể trung hòa ở mức cao hơn so với vaccine được cấp phép sử dụng khẩn cấp AstraZeneca”.

Kết quả cũng được IVAC và các đồng nghiệp đưa vào công trình ở dạng tiền ấn phẩm, chưa được bình duyệt “Safety and Immunogenicity of An Egg-Based Inactivated Newcastle Disease Virus Vaccine Expressing SARS-CoV-2 Spike: Interim Results of a Randomized, Placebo-Controlled, Phase 1/2 Trial in Vietnam” (Tính an toàn và tính sinh miễn dịch của một vaccine dựa trên virus gây bệnh Newcastle biểu hiện gai SARS-CoV-2 được nuôi cấy trên trứng gà: Những kết quả chuyển tiếp của pha thử nghiệm lâm sáng 1/2 ngẫu nhiên, kiểm soát giả dược ở Việt Nam), mới được tải lên kho dữ liệu medrxiv.org.

Theo tài liệu này, nếu xét về các biến cố bất lợi tại chỗ tiêm và toàn thân trong vòng 7 ngày và 28 ngày sau tiêm, IVAC nhận thấy nguy cơ này ở mũi hai thấp hơn mũi một, chủ yếu vẫn là đau tại chỗ tiêm, mệt… tương đương AstraZeneca. Với họ, điều quan trọng nhất là không ghi nhận biến cố bất lợi nào sau tiêm, cả mũi một và mũi hai. “Phần lớn những biểu hiện ở người được tiêm vaccine đều nhẹ, chủ yếu là đau tại chỗ tiêm (dưới 58%), mệt mỏi hoặc khó chịu (dưới 22%), nhức đầu (dưới 21%) và đau cơ (dưới 14 %)”, theo các tác giả công trình.

Bên cạnh tính an toàn thì tâm điểm của đợt thử nghiệm lâm sàng lần này chính là hiệu lực bảo vệ của vaccine. Trong cuộc đối đầu thử nghiệm, các nhà chuyên môn thường nhìn vào mức độ kháng thể trung hòa bởi nó được coi là tương quan với hiệu lực bảo vệ của vaccine.

Thông tin trên trang web của IVAC, các nhà nghiên cứu viết: trung bình nhân của hàm lượng kháng thể (GMC) ở nhóm tiêm 3 µg và 6 µg của COVIVAC cao hơn nhóm vaccine đối chứng và tương đương giữa nhóm tuổi 18-59 và nhóm tuổi trên 60 tuổi. Tỷ lệ người có GMC tăng hơn bốn lần tại thời điểm 14 ngày sau tiêm mũi hai so với trước tiêm đạt hơn 90 % ở nhóm tiêm COVIVAC (82,0% ở nhóm vaccine đối chứng).

Tuy nhiên, với sự thận trọng của người làm vaccine, IVAC cho rằng “những quan sát này cần được khẳng định trong giai đoạn ba với cỡ mẫu lớn hơn”. Liệu họ có muốn bước vào giai đoạn quyết định này?

Cơ hội ngoài tầm với

Cũng như những nhà sản xuất vaccine khác, IVAC mơ ước đến ngày sản phẩm của mình được đưa vào sử dụng rộng rãi, không phải để “làm giàu” mà là để góp phần vào việc kiểm soát dịch bệnh ngay tại đất nước mình. Dẫu vậy, họ còn cách đích đến ở pha thử nghiệm lâm sàng cuối cùng.

Có nhiều thách thức ở giai đoạn quyết định này, trước hết không còn đủ người chưa tiêm vaccine hoặc chưa nhiễm COVID để tham gia thử nghiệm. Tình cảnh này khác biệt hoàn toàn so với lần IVAC thử nghiệm vaccine cúm mùa cũng dựa trên công nghệ trứng gà có phôi vào vài năm trước. Sự khốc liệt của dịch bệnh và tốc độ tiêm chủng thần tốc ở Việt Nam đã khiến việc thử nghiệm theo phương thức thông thường trở nên không khả thi.

Tuy nhiên, những người làm vaccine ở IVAC đã nhìn thấy một tia hy vọng cuối đường hầm. Chính sự khốc liệt của dịch bệnh đã gợi mở lối thoát: họ có thể chờ đợi cơ hội ở mũi tiêm nhắc lại (booster), một việc chưa có tiền lệ trong lịch sử ứng phó các dịch bệnh truyền nhiễm - tương tự như sự chưa có tiền lệ ở việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của WHO, EU và FDA.

Vì vậy, COVIVAC được chuyển hướng thành một liều tăng cường/bổ sung/nhắc lại cho người trưởng thành và trẻ em. Với bối cảnh bệnh dịch và tiêm chủng hiện nay, đây là một hành động khôn ngoan bởi COVIVAC đã “hết chỗ” trở thành là liều cơ bản. Nếu vậy, giai đoạn ba của COVIVAC sẽ diễn ra như thế nào? Có thể sẽ theo lộ trình của giai đoạn hai là thử nghiệm đối đầu với mũi tiêm bổ sung của vaccine AstraZeneca trên những người đã tiêm hai mũi cơ bản vaccine AstraZeneca, Pfizer hay Sinopharm chăng? Nếu theo cách làm nay thì tiêu chí đánh giá trong đợt thử nghiệm lần này là “không thua kém”, “vượt trội” với vaccine đối chứng như AstraZeneca.

covivac-pld-1644551023.jpeg
Quá trình sản xuất vaccine dự tuyển COVIVAC tại IVAC. Nguồn: Báo Khánh Hòa

Hướng đến mũi tiêm tăng cường không phải là giải pháp “chữa cháy” của riêng IVAC. Trên thế giới, liên minh hùng mạnh Sanofi/GSK đã áp dụng cách này với vaccine VAT0002 giai đoạn ba của mình, sau một thời gian tưởng chừng ngưng thử nghiệm vĩnh viễn do chậm chân trước vaccine cùng công nghệ mRNA là Pfizer, Moderna.

Tuy nhiên, sau một vài tháng, tiên lượng được khả năng thế giới vẫn cần ít nhất một liều tiêm tăng cường, họ đã quyết định trở lại đường đua, thực hiện thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba với việc đối sánh với các vaccine COVID đã được cấp phép là AstraZeneca, Johnson & Johnson, Moderna, Pfizer. Thử nghiệm đã diễn ra vào tháng 5/2021 với gần 37.500 người tham gia ở Colombia, Dominica, Ghana, Honduras, Ấn Độ, Nhật Bản, Kenya, Mexico, Nigeria, Pakistan, Sri Lanka, Uganda, và Mỹ.

Sanofi/GSK có khiến IVAC gia tăng hy vọng? Những gì diễn ra trên thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Được biết, trước đề xuất của IVAC, có hai luồng ý kiến phản hồi khác nhau, trong đó bên cạnh sự đồng ý với việc chuyển hướng này còn có những ý kiến đòi hỏi sự chuẩn chỉnh như với sự thử nghiệm thông thường để đảm bảo sự chính xác trong tính sinh miễn dịch, hiệu lực bảo vệ.

Đứng trước một thử nghiệm chưa có tiền lệ ở Việt Nam, IVAC không biết bám víu vào đâu, cũng chẳng tìm thấy một chính sách nào đủ khả năng hỗ trợ mình để tiến hành thử nghiệm như vậy cả.

Nhưng trớ trêu là ngay cả khi họ nhận được sự ủng hộ tuyệt đối để vượt qua rào cản này thì cánh cửa đến quyết định chấp thuận cấp phép khẩn cấp vẫn có thể đóng sập lại trước mặt. Bởi pha quyết định này sẽ đòi hỏi một lượng kinh phí rất lớn, vượt quá khả năng tài chính của một đơn vị hoạt động theo cơ chế sự nghiệp công lập như IVAC.

Trong khi đó, những gì họ nhận được kể từ khi bước vào cuộc chạy đua phát triển vaccine COVID là những lời động viên và hơn 8 tỷ đồng mà chính phủ đồng ý cấp từ Quỹ Vaccine để bổ sung vào phần còn thiếu của kinh phí giai đoạn một và hai. Dù cố gắng chạy đôn chạy đáo, chưa có cách nào giúp họ tìm được khoản chi phí cần thiết cho giai đoạn thử nghiệm này.

Đó là lý do mà IVAC quyết định dừng lại và COVIVAC có thể sẽ trở thành một kỷ niệm đáng nhớ về cuộc chạy đua của một “tay chơi” nhỏ.

Chờ sự may mắn ở nhà sản xuất khác

Điểm kết thúc của người này chưa chắc đã khép lại cuộc chạy đua của người khác. Ít ra, nó đang đúng với một số nhà sản xuất còn lại trong liên minh nghiên cứu vaccine cúm quốc tế do PATH, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Seattle, Mỹ, điều phối.

Trong dịch bệnh, mục tiêu của liên minh này là tạo ra NDV-HXP-S, vaccine có vector là virus gây bệnh cúm gà Newcastle (NDV) có biểu hiện trên bề mặt tế bào protein gai đột biến Hexapro (HXP-S) với công sức của các nhà nghiên cứu trường ĐH Công nghệ Texas ở Austin và trường Y Icahn ở Mount Sinai, New York. Ngoài IVAC còn có Viện Butantan (Brazil), Công ty Dược phẩm Avimex, Tổ chức dược phẩm quốc gia GPO (Thái Lan) được thụ hưởng kết quả.

Về bản chất, dù mang tên khác nhau ở từng quốc gia khác nhau thì vaccine này vẫn là một. Nó được coi là cơ hội quý báu để người dân ở các quốc gia này có thể tiếp cận với vaccine tốt với giá thành rẻ.

Đó là mong muốn của các nhà khoa học. Nhưng từ mơ ước đến hiện thực còn một khoảng cách lớn mà những nhà khoa học và nhà sản xuất không thể tự mình giải quyết. Theo quan sát của TS. Hilda Bastian, một nhà tư vấn về y tế ở Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ (NIH), tình huống mà IVAC vừa nếm trải dường như đang lặp lại với Butantan. Bà nhận ra, vào đầu tháng 1/2022, pha thử nghiệm thứ hai của Butantan đã không thể bắt đầu, dù đã chuyển sang đối đầu với vaccine CoronaVac trong khi Avimex thì gắng tìm người để thực hiện pha này ở Mexico.

Những hy vọng còn lại của liên minh về một vaccine “nhanh nhiều tốt rẻ” đã dồn lại GPO ở Thái Lan. Tương tự như IVAC ở giai đoạn hai, kết quả của GPO thật đáng khích lệ: vaccine GPOVac có phản hồi miễn dịch còn tốt hơn cả Pfizer. Kết quả được nêu trong công trình ở dạng tiền ấn phẩm ở medrxiv.org, “The inactivated NDV-HXP-S COVID-19 vaccine induces a significantly higher ratio of neutralizing to non-neutralizing antibodies in humans as compared to mRNA vaccines” (Vaccine bất hoạt NDV-HXP-S COVID-19 đem lại tỉ lệ kháng thể phi trung hòa trên người cao hơn đáng kể so với vaccine mRNA).

Cùng chung một nền tảng, chỉ khác tên gọi, kết quả thử nghiệm của GPOVac cũng là của COVIVAC và ngược lại. Nó cho thấy khả năng phát triển và sản xuất ra một loại vaccine mang đẳng cấp thế giới, như nhận xét của TS. Bruce Innis (Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Truy cập Vaccine, PATH) với New York Times, ngay tại các quốc gia đang phát triển.

Do đó, việc để lỡ mất một vaccine không chỉ nhỉnh hơn AstraZeneca mà lại còn tốt hơn Pfizer khi chỉ cách đích đến chặng cuối cùng thực sự là một thiệt thòi cho Việt Nam, khi đang rất cần những liều vaccine giá rẻ và có hiệu lực cao để tăng sức chống chịu với dịch bệnh.

IVAC nghĩ gì về thất bại này? Có lẽ, với tinh thần chia sẻ của cả liên minh vacine cúm, họ đang cùng hướng sự chú ý của mình vào Thái Lan. GPO đang lên kế hoạch tuyển dụng 4.000 người cho pha thử nghiệm thứ ba, dù đây không phải là việc dễ dàng. GPO sẽ thành công ở chỗ người khác thất bại? Sau những gì đã xảy ra, không ai dám chắc chắn điều này sẽ tới…

Không dễ có vaccine, dù mở bằng sáng chế

Mới đây, trên blog của mình, TS. Hilda Bastian (NIH) chia sẻ, dù có những nhóm nghiên cứu mở bằng sáng chế, thúc đẩy việc tạo ra những vaccine COVID phi lợi nhuận nhưng vẫn còn những rào cản cần phải vượt qua.

Trong những năm chống chọi với COVID, chúng ta học được rất nhiều điều bổ ích, một trong số đó là “đồ xịn”, “đồ rẻ” không phải bao giờ cũng dễ đến với người dùng. Vào tháng 5/2020, một nhóm nghiên cứu dưới sự dẫn dắt của GS vi trùng học Kalle Saksela (ĐH Helsinki) đã phát triển một loại vaccine COVID xịt mũi với mục tiêu sẵn sàng mở miễn phí bản quyền. Nhận được hơn một triệu euro từ một quỹ đầu tư công, tháng 3/2021, họ loan báo đã thành công ở các pha nghiên cứu tiền lâm sàng, tuy nhiên sau đó mọi việc không đi đến đâu vì không có được đầu tư cần thiết.

So với giáo sư Saksela thì hai tiến sĩ Peter Hotez và Maria Bottazzi ở Texas (Mỹ) may mắn hơn khi vào tháng 5/2020 được công ty Tito’s Handmade Vodka tài trợ một triệu USD và sau đó, tổng cộng 6 triệu USD từ nhiều nguồn tư nhân khác. Vaccine của họ trải qua các pha thử nghiệm lâm sàng do công ty dược phẩm Ấn Độ Biological E. Limited (BioE) mà họ từng hợp tác và nhận được sự ủng hộ của Liên minh CEPI và BIRAC, một cơ quan nhà nước của Ấn Độ. Đó là bước khởi đầu của vaccine tiểu đơn vị Corbevax với bằng sáng chế mở.

Quan sát hai trường hợp này cũng như trường hợp của NDV-HXP-S COVID-19 ở Việt Nam, Thái Lan, Brazil, Mexico…, TS. Hilda Bastian cho rằng, điều các nhà khoa học mong muốnthực hiện trong đại dịch, nghe thì có vẻ đơn giản – không lợi nhuận, không sáng chế (hoặc từ bỏ quyền sở hữu sáng chế) thì việc đưa nó trở thành vaccine khả dụng cho mọi người không dễ như họ nghĩ. Có rất nhiều quy định tồn tại ảnh hưởng đến việc truy cập vaccine, ví dụ như cần có được năng lực công nghệ, những thành phần nguyên liệu… để có thể sản xuất được thứ sản phẩm giá cả chấp nhận được và đạt hiệu lực bảo vệ. Bà nhận ra rằng, khi đã tối ưu được năng lực sản xuất vaccine toàn cầu thì tự nó sẽ góp phần làm tăng khả năng truy cập vaccine.

Tuy nhiên, nhìn rộng ra, với đại dịch này, một mình giới sản xuất cũng không thể làm được hết mọi việc. Cần rất nhiều đóng góp để “dây chuyền” vaccine có thể vận hành, ví dụ như việc phân bổ và tiêm chủng, nhất là với chuỗi logistics các vaccine mRNA hiện nay. Có lẽ, ở đây, không thể không kể đến vai trò hỗ trợ của các chính phủ đối với sản xuất và lưu hành vaccine thông qua các chính sách đặc biệt. Đó là điều mà Corbevax nhận được. Theo scitechdaily.com, chính phủ Ấn Độ đã đặt hàng 300 triệu liều Corbevax và BioE lên kế hoạch sản xuất hơn một tỉ liều cho người dân ở các quốc gia đang phát triển.