Theo đó, UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, nhằm kịp thời phát hiện những sai sót, vướng mắc, tồn tại để xử lý đối với công tác giải quyết thủ tục hành chính tách thửa đất trên địa bàn huyện Hòa Vang, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc giải quyết thủ tục hành chính tách thửa đất trên địa bàn huyện Hòa Vang giai đoạn 01/01/2019 đến 31/12/2021.
Đến ngày 22/5/2022, Đoàn kiểm tra đã kết thúc kiểm tra hồ sơ và hiện đang tiếp tục kiểm tra thực tế một số trường hợp cụ thể để đối chứng.
Dự kiến hoàn thành nội dung và đề xuất, kiến nghị UBND thành phố xem xét, xử lý theo quy định đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền trong quý 3/2022.
UBND thành phố Đà Nẵng cho biết thêm, thời gian qua, nhằm đảm bảo thực hiện thủ tục hành chính tách thửa đất trên địa bàn huyện Hòa Vang, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có các văn bản đề nghị UBND huyện Hòa Vang phê duyệt quy định cụ thể về lộ giới kiệt hẻm, phù hợp đối với từng tuyến đường, từng khu dân cư trên địa bàn huyện.
Đồng thời, hướng dẫn tiêu chí, quy trình tiếp nhận thẩm định điều kiện hạ tầng giải quyết hồ sơ tách thửa đất đối với trường hợp từ 01 thửa đất gốc, người sử dụng đất đề nghị tách từ 05 thửa trở lên để công khai thông tin đến tổ chức, cá nhân được biết và thực hiện; lấy ý kiến về hành lang an toàn đường bộ QL14B, xã Hòa Khương và ý kiến về lộ giới kiệt hẻm và hành lang an toàn đường bộ.
Cảnh báo chiêu trò gây sốt đất ảo tại huyện Hòa Vang
Trước đó vào tháng 4/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng đã phát đi thông tin cảnh báo chiêu trò 'thổi giá đất lên cao, gây sốt ảo' từ các nhóm người có chủ ý để trục lợi.
Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết, thời gian vừa qua, xuất hiện một số nhóm người có chủ ý tạo ra những đợt sốt đất ảo, nhất là địa bàn nông thôn ở các tỉnh, thành cả nước, trong đó có huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng nhằm mục đích trục lợi.
Thủ đoạn mà nhóm người này sử dụng như, tạo điểm nóng để đăng tin không chính xác về nhu cầu người dân chen chúc nộp hồ sơ, gây quá tải tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giao dịch đất đai tại huyện Hòa Vang.
Tuy nhiên qua khảo sát, tìm hiểu thì hầu hết người dân thực hiện giao dịch thật sự theo nhu cầu thì không quá nhiều mà các hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội có khá đông thành phần là những nhóm người môi giới mua bán đất đai, môi giới làm thay thủ tục đất đai cho người khác.
Đồng thời quy định của pháp luật đất đai hiện hành về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất chưa có sự thay đổi.
Thủ đoạn của các nhóm người nêu trên là đưa lên mạng xã hội hình ảnh phô trương nhu cầu, quy mô lượng người giao dịch mua, bán đất đai để tạo nên làn sóng gây sốt ảo về nhu cầu nhằm làm giá mua đi bán lại giữa các nhóm người này với nhau.
Thế nhưng, thực tế nhu cầu sử dụng đất của người dân vào mục đích để ở hay sản xuất nông nghiệp là không nhiều, dẫn đến người cuối cùng có tham vọng đầu tư kiếm lời nhầm tưởng giá đất sẽ tăng từng ngày nên mua vào với giá đất rất cao, không đúng với giá trị thực tại thời điểm giao dịch.
Trước chiêu trò như đã nói trên của một số nhóm người gây sốt ảo giá đất để trục lợi, Văn phòng Đăng ký đất đai cũng đã tham mưu cho Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng có văn bản thông tin rộng rãi và khuyến cáo người dân, nhất là vùng nông thôn huyện Hòa Vang cần hết sức thận trọng, tỉnh táo, cảnh giác với các chiêu trò nêu trên để tránh phải gánh lấy hậu quả không mong muốn và hệ lụy cho gia đình, xã hội.