Hoàn thành năm 2025
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP (đối tác công - tư).
Theo đó, dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú với tổng chiều dài khoảng hơn 60 km; đầu tư xây dựng tuyến đường theo tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100 km/h. Địa điểm thực hiện tại tỉnh Đồng Nai.
Dự kiến thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện Dự án từ năm 2021 đến năm 2025. Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là hơn 8.300 tỉ đồng. Phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng hơn 7.000 tỉ đồng. Phần vốn nhà nước tham gia trong dự án khoảng 1.300 tỉ đồng.
Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được hưởng các ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế, đất đai, đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án, triển khai thủ tục thẩm định, phê duyệt Dự án theo quy định pháp luật; tổ chức triển khai thực hiện Dự án theo đúng quy hoạch được duyệt và các quy định pháp luật có liên quan.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, cân đối bố trí nguồn vốn nhà nước trong Dự án để triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Được biết, cao tốc Dầu Giây – Tân Phú thuộc dự án tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương có chiều dài hơn 200km được chia làm 3 đoạn gồm: Dầu Giây – Tân Phú, Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương.
Trong đó, đoạn Dầu Giây – Tân Phú có tổng chiều dài 60,1 km đi qua địa bàn các huyện Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc và Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Theo kiến nghị của Bộ GTVT, giai đoạn 1 của dự án sẽ có quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng đường 17m, có giải phân cách giữa.
Trong khi đó, đoạn cao tốc Tân Phú- Bảo Lộc là dự án thành phần 2 của tuyến cao tốc Dầu Giây- Liên Khương. Dự án có chiều dài 67,3km, đi qua địa phận huyện Tân Phú (Đồng Nai) và các huyện: Đạ Hoai, Đạ Tẻ, Bảo Lâm và TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng). Tuyến cao tốc Tân Phú- Bảo Lộc được xây dựng theo quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 22m.
Trong giai đoạn 1, dự án sẽ phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Trong giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ đầu tư đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến hơn 16.000 tỉ đồng.
Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đối với tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên.
Dự án được đầu tư xây dựng sẽ đóng vai trò quan trọng, giúp giảm tải cho tuyến quốc lộ 20 đang trong tình trạng quá tải. Khi hoàn thành, dự án cao tốc này sẽ giúp tăng khả năng kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương.
Bất động sản được gì?
Trong những năm gần đây, thông tin về dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự bùng nổ của thị trường bất động sản ở Đồng Nai, đặc biệt là TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Bên cạnh tuyến cao tốc sắp được đầu tư, làn sóng các doanh nghiệp bất động sản lớn ồ ạt đổ về phố núi để xin lập quy hoạch, đề xuất đầu tư các đại đô thị lớn càng làm thổi bùng lên cơn sốt đất dọc khu vực này.
Tuy nhiên, trong khi dự án của các “ông lớn” vẫn đang nằm trên giấy thì ngoài thực tế tình trạng phân lô bán nền tràn lan đang phá nát quy hoạch, bóp méo thị trường nhà đất phố núi.
Trước đó, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ ra nhiều vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, để người dân hiến đất, tự ý xây dựng đường giao thông, đầu tư hạ tầng, công trình công cộng không có thiết kế, nghiệm thu... nhằm mục đích phân lô, tách thửa.
Nhiều trường hợp sau khi “hiến đất” làm đường để phân lô, tách thửa trái phép xong thì chiếm dụng luôn phần đất đã hiến để xây dựng công trình cá nhân.
Cơ quan quản lý đã phát hiện nhiều công trình giao thông với kết cấu bê tông nhựa, xi măng, có điểm xây dựng cả vỉa hè, dựng trụ điện trên đất nông nghiệp. Đây là hành vi sử dụng đất không đúng mục đích, có dấu hiệu của việc hủy hoại đất.
Thực tế, dù mang danh nghĩa cá nhân xin hiến đất làm đường song phía sau là các doanh nghiệp bất động sản. Sau khi dùng thủ thuật hiến đất làm đường rồi phân lô, tách thửa dù không được chính quyền phê duyệt nhưng các doanh nghiệp này đã “hô biến” thành các dự án và cho chào bán rầm rộ.
Trước tình trạng bát nháo trên, chính quyền địa phương đã nhiều lần ra văn bản cảnh báo người dân và nhà đầu tư không nghe theo lời cò đất tung tin, thổi giá ảo. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng đã phát hiện xử phạt hàng loạt cá nhâ, tổ chức có hành vi quảng cáo sai sự thật, rao bán bất động sản khi chưa đủ điều kiện theo quy định pháp luật.