#kỷ nguyên mới

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông chính sách

Sáng 20/10, Bộ Tư pháp và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tổ chức Hội thảo trao đổi kinh nghiệm của Nhật Bản về chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông dự thảo chính sách, góp phần thực hiện có hiệu quả nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng Nhà nước pháp quyền trong giai đoạn mới.

z4801674669398f4675c46e6f777f611815befe544a6e4-16977929962241990984310-1698758482.jpg

Phổ biến, giáo dục pháp luật lấy người dân làm trung tâm thông qua các nền tảng công nghệ số - Ảnh: VGP

Trao đổi tại Hội thảo, ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), cho rằng chuyển đổi số trong phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) là việc thay đổi toàn diện quá trình tổ chức quản lý và thực hiện hoạt động cung cấp thông tin pháp luật, giáo dục ý thức pháp luật mà trong đó người dân được đặt vào vị trí trung tâm thông qua nền tảng, công nghệ số từ việc xây dựng dữ liệu đến kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin pháp luật chính thống, đầy đủ, kịp thời, thuận lợi trên môi trường internet.

Muốn vậy, phải xây dựng hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) về thông tin pháp luật phục vụ hoạt động PBGDPL gồm thông tin pháp luật thực định, thông tin các tình huống pháp lý phổ biến, hỏi – đáp pháp luật, các vấn đề vướng mắc trong tổ chức thi hành pháp luật, giải pháp về phản ứng chính sách của chính quyền các cấp về vấn đề người dân quan tâm.

"Xây dựng các phần mềm ứng dụng, nền tảng số, kể cả việc sử dụng các mạng xã hội có sẵn để tương tác, kết nối, chia sẻ thông tin pháp luật theo nhu cầu của người dân, bảo đảm thông tin "sạch, sống, đúng, đủ" với phương châm kịp thời, thân thiện, dễ sử dụng, dễ tìm hiểu, vận dụng", ông Phan Hồng Nguyên nhấn mạnh.

Đồng thời, xây dựng các công cụ, ứng dụng để có thể đánh giá, đo lường mức độ quan tâm, tương tác thông tin pháp luật của các nhóm chủ thể khác nhau đối với các nội dung pháp luật khác nhau; đào tạo tập huấn nguồn nhân lực phục vụ thực hiện chuyển đổi số, tạo thói quen cho người dân khi khai thác, tìm hiểu pháp luật trên cơ sở ứng dụng công nghệ số (smart phone, internet, mạng xã hội).

Đại diện Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, Thành phố đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số trong công tác PBGDPL. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, đa dạng hóa nhiều sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này. Đặc biệt, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 63 về thực hiện Đề án "Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân trên địa bàn Thành phố Hà Nội".

Việc chuyển đổi số được ứng dụng rõ nhất qua việc tổ chức các cuộc thi, mang lại kết quả tích cực hơn trước. Ví dụ, cuộc thi trực tuyến tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến năm 2019 thu hút hơn 867.418 người tham gia; cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường và quy tắc ứng xử gắn với việc bảo vệ môi trường" năm 2020 đã thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân tham gia với tổng số 18 triệu lượt truy cập, 772.115 lượt người tham gia dự thi, trong đó có 629.484 dự thi chính thức; cuộc thi  trực tuyến tìm hiểu pháp luật về phòng chống dịch COVID-19 năm 2021 thu hút hơn 1 triệu người dự thi; cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến năm 2023" thu hút hơn 1,5 triệu người tham gia.

Theo bà Ngô Thị Ngọc Oanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, công tác truyền thông chính sách của Bộ ngày càng được đổi mới, nâng cao, bảo đảm việc triển khai chủ động, kịp thời, phù hợp theo phương châm "từ sớm, từ xa" để nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch.

"Các hoạt động truyền thông chính sách và chuyển đổi số trong lĩnh vực này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai sâu rộng qua nhiều kênh thông tin khác nhau giúp cho nội dung chính sách được truyền tải, lan tỏa với nhiều hình thức phong phú và sinh động, tiếp cận đông đảo các tầng lớp nhân dân, để chính sách sau khi ban hành thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng thiết thực", bà Ngô Thị Ngọc Oanh cho hay.

Đề cập đến kinh nghiệm của Nhật Bản về công tác này, ông Onishi Hiromichi, chuyên gia pháp luật từ Bộ Tư pháp Nhật Bản cho biết: Thực hiện xã hội số tại Nhật Bản, Quốc hội đã ban hành Luật cơ bản về hình thành xã hội số (Luật số 35 năm 2021), trong đó nêu lên những triết lí cơ bản về xã hội số là tạo ra một xã hội mà mọi công dân đều được hưởng những lợi ích của công nghệ thông tin truyền thông; thúc đẩy cải cách cơ cấu kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế của ngành công nghệ số; mang lại cuộc sống dư dả, sung túc cho người dân; tạo ra cộng đồng dân cư năng động; tạo ra xã hội mà mọi người được sống yên bình, an toàn; khắc phục sự cách biệt về cơ hội sử dụng; bảo vệ quyền và lợi ích của cá nhân và pháp nhân; đáp ứng sự tiến bộ của công nghệ thông tin và truyền thông và ứng phó với những thách thức mới đi kèm với thay đổi trong cơ cấu xã hội và kinh tế.

Theo đó, từ năm 2000 đến nay, Quốc hội và Chính phủ Nhật Bản đã ban hành 8 đạo luật và kế hoạch liên quan đến xã hội số như Luật cơ bản về công nghệ thông tin, Tuyên bố về thành lập quốc gia công nghệ thông tin hiện đại, Luật về thủ tục số, Luật cơ bản về hình thành xã hội số…

Theo chuyên gia Hiromichi, Nhật Bản xây dựng 10 nguyên tắc cơ bản về hình thành xã hội số là: Cởi mở/minh bạch; công bằng/ luân lí; an toàn/ an tâm; liên tục/ ổn định; nhanh chóng/ linh hoạt; hòa nhập/ đa dạng; lan tỏa; đột phá; giá trị mới và giải quyết mọi vấn đề xã hội.

Để thực hiện được các triết lí trên, Nhật Bản thực hiện 3 nguyên tắc số hóa thủ tục hành chính quốc gia: Kỹ thuật số đầu tiên với mỗi thủ tục/ dịch vụ đều được thống nhất hoàn thiện bằng kỹ thuật số; Chỉ một lần với việc thông tin đã được gửi đi một lần thì không cần gửi lại; Kết nối bộ phận một cửa với nhiều thủ tục hành chính được thực hiện qua bộ phận này.