Từ làm thuê đến làm chủ
Năm 2018, Forbes từng gọi Việt Nam là xưởng gia công phần mềm nhỏ nhưng rất mạnh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, khiến cho Ấn Độ, quốc gia từng đi đầu trong lĩnh vực gia công phần mềm toàn cầu, cũng phải lo ngại.
Ưu điểm nổi bật của các công ty IT Việt Nam vẫn luôn nằm ở chi phí thấp và nguồn nhân lực dồi dào, chăm chỉ. Đến nay, phần đông các công ty IT vẫn là những chú ong thợ ngày đêm tạo ra sản phẩm “làm thuê” cho người khác. Nhưng ẩn dưới đó đang có một làn sóng ngầm chuẩn bị trỗi dậy.
“Cách đây gần 5 năm chúng tôi bắt đầu khởi nghiệp với xuất phát điểm là làm gia công phần mềm. Dần dần, chúng tôi tích lũy được một lượng doanh thu, kinh nghiệm nhất định và hiện đang phát triển một phiên bản game của riêng mình. Số lượng nhân lực cũng tăng từ 10 lên đến 40 người. Điều này cho thấy đây là hướng đi phù hợp với xu hướng công nghệ hiện nay,” ông Bùi Vũ Luân, Phó Giám đốc Công ty Dự án Công nghệ thông tin Việt (VITPR), chia sẻ.
VITPR không phải là trường hợp duy nhất dịch chuyển mô hình theo hướng kết hợp song song giữa gia công phần mềm và thiết kế sản phẩm. Trong vài năm trở lại, nhiều công ty IT Việt Nam ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Huế đã nỗ lực tạo thương hiệu và dấu ấn riêng của mình trong việc triển khai những sản phẩm tự thiết kế. Họ thường dành khoảng 60-80% nhân lực cho việc gia công và dồn số còn lại vào khám phá những công nghệ mới.
Ngoài những công ty gia công lâu năm đang tìm kiếm cơ hội dịch chuyển, trào lưu về startup những năm vừa qua cũng góp phần tạo ra một thế hệ công ty công nghệ trực tiếp bỏ qua giai đoạn gia công để đi thẳng đến chỗ tạo ra các sản phẩm chứa hàm lượng chất xám cao. Báo cáo của quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures cho biết, lượng vốn đổ vào những startup này đã liên tục tăng, lên tới 1,4 tỷ USD vào năm 2021 và có xu hướng phát triển trong tương lai. Đến nay, cả nước đã có hơn 3.800 startup, với bốn "kỳ lân" định giá trên một tỷ USD - gồm VNG, VnPay, MoMo và Sky Mavis - cùng khoảng 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD.
Có lẽ khát vọng có những sản phẩm “make in Vietnam” do người Việt sở hữu, thiết kế, chế tạo; khát vọng được làm chủ công nghệ - hoặc ít nhất là kiểm soát được công nghệ - đã khiến phần lớn doanh nghiệp IT trong nước lựa chọn những công nghệ mới nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0… Điều này cũng dễ hiểu, vì đây đều là những công nghệ "mới chung" với cả thế giới mà bất kì ai cũng có cơ hội tạo ra sự khác biệt.
Báo cáo 'Vietnam IT Landscape 2019' do TopDev công bố cho biết, ngoài gia công, ngành IT tại Việt Nam đang bắt kịp rất nhanh và phát triển mạnh 7 hướng mới, bao gồm: Công nghệ tài chính (Fintech), Công nghệ chuỗi khối (Blockchain), Trí tuệ nhân tạo (AI), Phần mềm dịch vụ (SaaS), Thương mại điện tử (E-Commerce), Nền tảng thương mại (Marketplace Platform), và Công nghệ giáo dục (EdTech).
Trong khi chỉ một số ít doanh nghiệp lớn như FPT, CMC, Viettel, VNPT, Vingroup đầu tư cho việc nghiên cứu để làm ra công nghệ mới (hay còn gọi là làm chủ công nghệ “lõi”) thì một số doanh nghiệp IT khác lại thiên về tìm cách kiểm soát những công nghệ đó thông qua việc nắm bắt, tái tạo công nghệ và xây dựng các ứng dụng trên đó để giải quyết bài toán cụ thể.
Khó có thể nói được hướng đi nào là tốt hơn. Ông Ngô Minh Quân, Giám đốc chuyển đổi số của Rikkeisoft, một doanh nghiệp IT chuyên xuất khẩu phần mềm sang thị trường Nhật Bản đang chuyển hướng phát triển dịch vụ và sản phẩm công nghệ cao, chia sẻ: “Nó giống như trong một hệ sinh thái có người làm việc nhiệm vụ này và người làm nhiệm vụ kia. Tuy nhiên, bức tranh chung là chúng ta đang nỗ lực đi song song - cả việc làm chủ công nghệ “lõi” và tạo ra những ứng dụng công nghệ mới. Những bên có nguồn lực càng cao sẽ đầu tư càng sâu vào việc nắm bắt và làm chủ công nghệ”.
Ông nói thêm rằng do việc quan trọng nhất của công nghệ là nghiên cứu, nên tất cả những công ty IT theo đuổi công nghệ mới dù đi theo hướng nào cũng đều phải xây cho mình những nhóm nghiên cứu để rà soát, đánh giá (validate) các nghiên cứu xem cách tiếp cận đó có hiệu quả hơn so với những cách mình đang có hay không.
Công ty của ông đang hăng hái trong việc xây dựng các ứng dụng. Năm ngoái, họ đã đóng gói một hệ thống AI có khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên để chuyển đổi giọng nói thành văn bản và ngược lại. Họ cũng đã vừa xây dựng được một giải pháp định danh điện tử eKYC, trong đó áp dụng thị giác máy tính để trích xuất thông tin từ ảnh chụp giấy tờ (CMND, CCCD, Hộ chiếu, Bằng lái xe….) nhằm giúp người dùng đăng ký ví điện tử hoàn thành các hồ sơ hoàn toàn online mà không cần phải đi đến quầy gặp giao dịch viên.
Ông Quân cho rằng việc phát triển các ứng dụng công nghệ như vậy rất thích hợp với Việt Nam lúc này, vì so với mặt bằng chung của thế giới, mức độ số hóa và tin học hóa trong nước còn thấp, hầu như các hoạt động vận hành đều chưa được số hóa và ít ứng dụng công nghệ. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp IT nội địa phát triển những ứng dụng của riêng mình.
Chặng đường nhiều thách thức
Trong suốt 20 năm phát triển, không ít lần các chuyên gia trong ngành nhắc nhở chúng ta rằng phần mềm Việt Nam cần tập trung vào phát triển sản phẩm hoặc làm những công việc mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Nhưng không phải lúc nào con đường cũng dễ dàng.
Ông Đỗ Cao Bảo, nhà sáng lập kiêm thành viên HĐQT của FPT, đã ba lần nhắc đến câu chuyện về những cay đắng tủi mặn khi mang thân phận thầu phụ cho các tổng thầu nước ngoài trên chính những dự án tại quê nhà: giá cả thì thấp, công việc không chủ động, còn bị cấm gặp khách hàng, gặp người dùng cuối, dù đấy có là khách hàng truyền thống của mình cả chục năm.
“Chúng tôi bỏ giá 13 triệu USD, hai nhà thầu nước ngoài đều bỏ giá 17 triệu USD, giải pháp kỹ thuật và sản phẩm tương đương nhau, giá rẻ hơn 4 triệu USD thế nhưng chúng ta vẫn phải cay đắng nhìn họ thắng thầu, lý do đơn giản là về kinh nghiệm chúng ta chưa có ba hợp đồng có giá trị tương đương”, ông viết.
Đó là giai đoạn những năm 2005-2006, khi cả chủ đầu tư lẫn các công ty công nghệ thông tin Việt Nam đều quen với nếp nghĩ rằng người Việt Nam chỉ làm được những dự án bé nhỏ, không nhiều chất xám. Trong bối cảnh đó, FPT đã bùng lên khát vọng phải thay đổi và nâng tầm để đủ năng lực làm tổng thầu. Một mặt, họ thuyết phục các đối tác tin cậy trong nước chia sẻ tầm nhìn “làm chủ” để được trao những cơ hội làm tổng thầu ở Việt Nam, mặt khác, họ không ngừng nâng cao chất lượng nhân sự và quy trình để đảm bảo sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao.
Phải mất vài năm sau, họ mới giành được hợp đồng điều phối toàn bộ một dự án công nghệ thông tin lớn trong nước, và dần dần tự tin tham gia những cuộc đấu thầu lớn ở ASEAN, Nam Á và châu Phi với tư cách tổng thầu.
Sự vươn dậy của FPT và thành tựu của một số công ty công nghệ thông tin lớn khác đã khiến nhiều doanh nghiệp gia công phần mềm nhận thấy hướng đi mới. Họ không còn muốn coi giá rẻ là một lợi thế cạnh tranh mà thay vào đó là yếu tố chất lượng và sáng tạo.
Nhưng khác với gia công phần mềm, phát triển sản phẩm và giải pháp đòi hỏi cách tiếp cận rộng hơn. “Ở đó, nhân sự cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy, vì phát triển sản phẩm cần góc nhìn tổng thể”, ông Tống Phước Minh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Pi Software chia sẻ với Đài Truyền hình Thừa Thiên Huế hồi tháng 4/2022 vừa qua. Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm phần mềm quan trọng ở miền Trung Việt Nam. Nhiều công ty ở đây đang muốn dịch chuyển mô hình gia công, nhưng tất cả đều băn khoăn về chuyên môn, năng lực của đội ngũ nhân sự hiện tại.
Điều này hoàn toàn có lý vì đa số các nhân sự trong công ty IT từ trước đến nay đều là các lập trình viên và kỹ sư công nghệ thông tin - những người có khả năng triển khai bài toán một cách xuất sắc, nhưng lại thiếu những đội ngũ nhân sự có khả năng định hình nên bài toán và lời giải cho bài toán đó
Là một giám đốc phát triển sản phẩm, ông Ngô Minh Quân đã sớm nhận ra lỗ hổng này và ra sức xây dựng các ‘team product’ ở Rikkeisoft: “Họ là những người hiểu về công nghệ, về khả năng công nghệ có thể làm được (và không làm được), đồng thời cũng phải hiểu được về bài toán kinh doanh-vận hành của khách hàng và thị trường để từ đó có thể đánh giá được sản phẩm cần sử dụng những cách tiếp cận gì và làm như thế nào. Chúng tôi tìm kiếm họ ở khắp nơi, từ những kỹ sư công nghệ, kỹ sư hệ thống, nhân viên marketing, phân tích kinh doanh, quản lý vận hành, nghiên cứu thị trường, trải nghiệm người dùng…”
Ông Quân cho biết đội ngũ hỗn hợp này hiện mới chiếm số lượng cực nhỏ trong hơn 10.000 nhân sự ở Rikkeisoft nhưng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược mở rộng tập khách hàng. Có thể nói, thị trường nhân sự cho ngành IT giờ đây không chỉ còn giới hạn ở những người giỏi chuyên môn về lập trình/công nghệ thông tin, mà còn phải nắm vững rõ về các ngành khác như năng lượng, dầu khí, hàng không, vận tải, y tế… để từ đó phát triển công nghệ phù hợp.