Sau gần 3 năm, quy định xe máy phải bật đèn nhận diện khi tham gia giao thông lại được tái đề xuất, dù trước đó đã gây ra những phản ứng trái chiều từ dư luận. Sở dĩ có đề xuất này là do Việt Nam đã tham gia Công ước về giao thông đường bộ vào năm 2014 và cam kết thực hiện đầy đủ các nội dung trong công ước, trong đó có quy định vào ban ngày, xe gắn máy lưu thông trên đường phải bật đèn nhận diện.
Được biết, nhiều nước trên thế giới cũng đang áp dụng quy định xe máy phải bật đèn nhận diện ban ngày khi tham gia giao thông. Cũng chính vì thế mà nhiều loại xe máy nhập khẩu vào nước ta đều mặc định sử dụng đèn nhận diện ban ngày mà không có công tắc để tắt. Khi được hỏi về quy định này, anh Nguyễn Văn Tấn ở Hoàng Mai (Hà Nội)-người hành nghề "xe ôm công nghệ" hơn 3 năm nay cho rằng, hằng ngày di chuyển trên các cung đường ở Thủ đô, anh liên tục phải đối mặt với tình trạng kẹt xe, khói bụi và tiếng ồn, rất áp lực. Vào mùa hè, đường sá nóng hầm hập, ánh sáng chói chang, ngoài áo bảo hộ, chống nắng, anh phải thường xuyên đeo kính râm để tránh bị chói. Nếu như bây giờ, trên đường đi, xe máy nào cũng bật đèn nhận diện, anh cho rằng sẽ càng bị chói và khó quan sát hơn nữa... Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy đã đưa ra một số bất lợi cũng như tính không khả thi của đề xuất này. Theo ông, Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, nhiều ánh sáng, nhất là vào mùa hè nên đề xuất hàng triệu chiếc xe máy cùng bật đèn nhận diện trong điều kiện ban ngày, đủ ánh sáng là không phù hợp với thực tiễn. Cũng theo TS Nguyễn Xuân Thủy, đề xuất này chỉ áp dụng phù hợp với các nước châu Âu, nơi mà điều kiện ánh sáng tự nhiên không đủ, sương mù, mưa tuyết nhiều. Bên cạnh đó, hiện nay, lượng phương tiện giao thông ngày càng gia tăng, thường xuyên diễn ra tình trạng ùn tắc, khói bụi, nóng bức, việc bật đèn nhận diện bằng cách sử dụng đèn chiếu sáng phía trước sẽ dễ làm ức chế thần kinh của người tham gia giao thông, gây lóa cho những người đi đường phía đối diện, từ đó tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông nhiều hơn. Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các xe máy không bật đèn nhận diện cũng là vấn đề không khả thi.
Về vấn đề này, chuyên gia giao thông, TS Khương Kim Tạo cho rằng: “Nếu cần thiết phải bật đèn nhận diện thì phải có quy chuẩn rõ ràng, tránh trường hợp nhầm lẫn giữa đèn nhận diện và đèn chiếu sáng phía trước. Nhiều người đang nhầm lẫn giữa hai loại đèn này. Hiện nay, các xe máy đời mới đều mặc định sử dụng đèn nhận diện ban ngày mà không có công tắc tắt (đèn này sẽ tự động bật sáng khi động cơ hoạt động và tự động tắt khi đèn chiếu sáng phía trước mở). Theo dự thảo, nhiều loại xe máy đời mới đã có đèn nhận diện thì người dân sử dụng đèn này, còn những xe đời cũ không có đèn nhận diện, người dân sẽ sử dụng đèn chiếu gần hoặc đèn hậu. Đèn nhận diện ban ngày thông thường có cường độ sáng 400-1200CD; đèn chiếu sáng phía trước là hơn 10.000CD. Như vậy, khi chúng ta dùng đèn nhận diện ban ngày thì năng lượng dành cho việc sử dụng đèn không nhiều, không ảnh hưởng đến môi trường, cũng không gây chói mắt”.
“Việc học hỏi kinh nghiệm nước ngoài trong quá trình xây dựng văn bản luật là rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu áp dụng một cách máy móc mà chưa có sự nghiên cứu, đánh giá về tính phù hợp với điều kiện thực tế trong nước sẽ gây ra những hệ lụy, ảnh hưởng đến người dân. Nếu quy định này được áp dụng, chúng ta cần có quy chuẩn rõ ràng về đèn nhận diện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu, phân biệt được đèn nhận diện ban ngày và đèn chiếu sáng để từ đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật”, TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết thêm.