Uống rượu bia dắt xe máy có thể "né" phạt nồng độ cồn không?

Độc giả Cao Huỳnh Phong hỏi: "Tôi thấy ở quán nhậu có nhiều người uống rượu bia xong dắt xe về để tránh CSGT đứng gần đó, vậy trường hợp này có bị xử phạt không?"

Như nhiều người đã biết, vi phạm nồng độ cồn sẽ bị xử phạt ở mức rất cao, phạt tiền lên tới 8 triệu đồng và tước bằng 24 tháng. Cụ thể, căn cứ theo Điều 6, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:

- Mức nồng độ cồn khi điều khiển xe máy chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1lít khí thở:

Phạt tiền: 2 - 3 triệu đồng
Tước bằng lái: 10 - 12 tháng

- Mức nồng độ cồn khi điều khiển xe máy từ 50 - 80mg/100ml máu hoặc 0,25 - 0,4mg/1lít khí thở:

Phạt tiền: 4 - 5 triệu đồng
Tước bằng lái: 16 - 18 tháng

- Mức nồng độ cồn khi điều khiển xe máy vượt quá 80mg/100ml máu hoặc 0,4 mg//1lít khí thở:

Phạt tiền: 6 - 8 triệu đồng
Tước bằng lái: 22 - 24 tháng

Như vậy, Pháp luật chỉ quy định mức xử phạt đối với người uống rượu bia và trực tiếp lái phương tiện. Còn đối với trường hợp người có nồng độ còn nhưng chỉ dắt xe, mà không ngồi lên xe thì CSGT sẽ không có căn cứ để phạt.

uong-ruou-dat-xe-co-bi-xu-phat-khong-pld-1677808540.jpg
Người uống rượu bia nhưng không ngồi trên xe điều khiển phương tiện thì sẽ không bị xử phạt.

Nhưng nếu, người uống rượu bia vẫn điều khiển xe và chỉ dừng xuống dắt để "né chốt", mà bị CSGT nhìn thấy và có bằng chứng ghi lại (camera lưu lại hình ảnh hoặc có người làm chứng) thì vẫn sẽ bị xử phạt theo quy định. Dù đã nâng mức phạt cho hành vi vi phạm nồng độ cồn nhưng vẫn có nhiều người chưa nghiêm túc chấp hành và có hành vi chống đối như từ chối thổi nồng độ cồn, xuống xe dắt bộ để qua mắt CSGT.

Tóm lại, nếu người dân uống rượu bia nhưng vẫn có ý thức dắt xe đi bộ, không gây mất trật tự an toàn giao thông thì sẽ không bị xử phạt. Hy vọng câu trả lời trên đã giúp độc giả Cao Huỳnh Phong giải đáp được thắc mắc của mình, đồng thời có thêm thông tin hữu ích trong việc tham gia giao thông.