Điểm mặt 3 dự án thép nghìn tỉ thua lỗ vừa bị Thủ tướng ra "tối hậu thư" xử lý trong tháng 5/2023

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên; Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa; Dự án Nhà máy gang thép Lào Cai là 3 dự án vừa bị Thủ tướng yêu cầu xử lý dứt điểm trong tháng 5 tới đây.

Trong tháng 5 phải xử lý dứt điểm những tồn đọng

Theo đó, yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong chỉ thị 12 vừa ban hành về nhiệm vụ, giải pháp đổi mới hoạt động của ủy ban và nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy nguồn lực đầu tư của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc cơ quan này.

image-20230509164839-1-1683704696.jpeg

Thủ tướng yêu cầu xử lý dứt điểm dự án Tisco 2 trong tháng 5/2023

Cụ thể, các dự án được người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xử lý dứt điểm trong tháng 5 tới đây, gồm: Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên; Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và dự án Nhà máy gang thép Lào Cai.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xử lý dứt điểm tồn đọng kéo dài nhiều năm tại Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất trong tháng này.

Được biết, đây đều là những dự án được đầu tư nghìn tỉ đồng, do 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đầu tư thua lỗ trong những năm qua.

"Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng đã kéo dài nhiều năm, nhất là các vấn đề đã có thời hạn yêu cầu trình Ban cán sự đảng Chính phủ, Bộ Chính trị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các dự án, doanh nghiệp", Chỉ thị 12 nêu rõ.

Dự án nghìn tỉ thua lỗ, “đắp chiếu” nhiều năm

Hồi tháng 7 năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến khảo sát, làm việc và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Tisco 2). Đây là dự án tồn đọng, kéo dài hơn 16 năm vẫn chưa hoàn thành, gây lãng phí nguồn lực rất lớn cho Nhà nước và doanh nghiệp.

Tisco 2 có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 3.800 tỉ đồng, sau đó tăng lên hơn 8.100 tỉ đồng, dự án do Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) làm chủ đầu tư và Công ty hữu hạn Tập đoàn Khoa học công nghiệp luyện kim Trung Quốc (MCC) làm tổng thầu.

Theo báo cáo, vướng mắc chính của dự án liên quan tới tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu về hợp đồng EPC (hợp đồng nhà thầu trọn gói). Đến thời điểm 31/3/2023, tổng giá trị đầu tư của Dự án Tisco 2 đã thực hiện là 6.348 tỉ đồng. Trong đó, lãi vay vốn hóa là 3.135 tỉ đồng, chi phí phát sinh chủ yếu trong quý 1 là chi phí lãi vay vốn hóa.

Mới đây, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có buổi làm việc với phía MCC do ông Vương Diễm Bưu làm Trưởng đoàn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại dự án Tisco 2.

Hiện tại, MCC đã hoàn thành Báo cáo sơ bộ đánh giá thiết bị, công trình và lập phương án mua sắm, sửa chữa thiết bị công trình, phương án khôi phục dự án Tisco 2. Bên cạnh đó, đoàn công tác của MCC cũng đưa ra những phương án đề xuất sửa chữa máy móc, thiết bị công trình tại dự án này.

image-10-1683704696.png

Dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai thuộc diện các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương

Với Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ Quý Xa và Nhà máy gang thép Lào Cai (VTM), theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hết 6 tháng năm 2022, tình hình sản xuất, kinh doanh của dự án gặp nhiều khó khăn, lỗ 115,6 tỉ đồng, hiện đã dừng sản xuất từ ngày 14/5/2022.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết phía Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) đã đề xuất 3 phương án tái cơ cấu dự án VTM.

Một là, Tổng Công ty mua lại phần vốn góp của đối tác liên doanh Trung Quốc. Hai là Tổng Công ty chuyển nhượng phần vốn góp cho các bên liên doanh. Ba là Công ty VTM buộc phải dừng hoạt động hoặc phá sản.

Tuy nhiên, đến nay đề án tái cơ cấu VTM vẫn chưa thông qua được, do quan điểm về việc xin khai thác quặng sắt khác nhau và vướng mắc với phía Trung Quốc.

Cụ thể, phía VNSteel đề xuất phương án khai thác từ 800.000-1 triệu tấn/năm để phù hợp với sản lượng luyện kim của Nhà máy này. Tuy nhiên, Công ty khoáng sản Lào Cai và phía đối tác Trung Quốc đề nghị khai thác với công suất 3 triệu tấn/năm, trong đó 1 triệu tấn phục vụ sản xuất của nhà máy, 2 triệu tấn tiêu thụ trên thị trường trong nước.

Bày tỏ không hài lòng với việc xử lý dự án, Chính phủ yêu cầu các bên liên quan cần sớm bàn bạc để thống nhất trình phương án cơ cấu lại dự án VTM. Theo đó, nếu các bên không thống nhất được thì phải chấp nhận xử lý theo quy định của pháp luật.