Đồng Nai muốn xây sớm cầu Cát Lái

Trong khi tỉnh Đồng Nai muốn xây dựng cầu Cát Lái trước năm 2025, phía TP.HCM cho rằng dự án này xây dựng sau năm 2030 sẽ phù hợp hơn. Lý do, hiện nay đang có nhiều dự án đang xây dựng khác đảm bảo kết nối giao thông giữa hai địa phương.
tphcm-muon-xay-dung-cau-cat-lai-sau-nam-2030-pld-1687964253.jpg
TP.HCM muốn xây dựng cầu Cát Lái sau năm 2030

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa có công văn vừa gửi UBND thành phố về các phương án kết nối với tỉnh Đồng Nai. Trong đó, cơ quan này cho rằng việc xây dựng cầu Cát Lái nối TP. Thủ Đức với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) xây dựng sau năm 2030 sẽ phù hợp.

Theo Sở GTVT TP.HCM, khu vực dự kiến xây cầu Cát Lái hiện đang xây dựng cầu Nhơn Trạch thuộc Vành đai 3 với quy mô 4 làn ôtô sẽ hoàn thành năm 2026. Sau đó, dự án này dự kiến tiếp tục mở thêm 4 làn cho xe thô sơ, đáp ứng nhu cầu đi lại giữa hai địa phương.

Ngoài ra, khu vực cảng Cát Lái đang được nghiên cứu làm tuyến liên cảng nối đường Nguyễn Thị Định đến nút giao Vành đai 3 gần cảng Phú Hữu. Tuyến này dài 6 km, rộng 60 m, 12 làn xe, dự kiến hoàn thành giai đoạn 2026-2030.

Với những tuyến dự án đang triển khai, Sở GTVT TP.HCM cho rằng đã đảm bảo kết nối giao thông giữa hai địa phương. Do đó, dự án cầu Cát Lái xây dựng sau năm 2030 sẽ phù hợp hơn.

Số phận “long đong” của cầu Cát Lái

Cầu Cát Lái nối TP.HCM với Nhơn Trạch (Đồng Nai) là dự án hạ tầng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được người dân mong đợi.

sau-hang-chuc-nam-cau-cat-lai-van-chua-duoc-xay-dung-pld-1687964253.jpg
Sau hàng chục năm cầu Cát Lái vẫn chưa được xây dựng

Năm 2016, dự án này được Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

Năm 2018, Đồng Nai và TP.HCM họp bàn về dự án xây cầu Cát Lái, hai bên đã thống nhất Đồng Nai sẽ là đơn vị chủ trì trong việc đầu tư, xây dựng cầu Cát Lái.

Theo phương án xây dựng mà tỉnh Đồng Nai đưa ra, cầu Cát Lái có chiều dài gần 3.800 m, phần cầu chính dài 650 m, kết cấu bằng dây văng hai trục tháp. Cầu có tĩnh thông thuyền 55 m, rộng gần 38 m, gồm 6 làn xe cơ giới và 3 làn xe thô sơ, lề bộ hành mỗi bên 1,5 m. Tổng mức đầu tư gần 7.200 tỉ đồng.

Năm 2019, Thủ tướng chấp thuận giao UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì xây dựng cây cầu quan trọng này. Thậm chí, kế hoạch khởi công dự án cũng được địa phương này dự kiến đầu năm 2023.

Tuy nhiên, khoảng tháng 10/2022, Sở GTVT TP.HCM cho biết, đang tìm một ví trí xây dựng mới cho dự án thay vì địa điểm cầu Cát Lái như bấy lâu nay.

Cụ thể, ngày 18/10/2022, trong buổi làm việc với Đồng Nai, phía Sở GTVT cho rằng, vị trí xây dựng cầu tại phà Cát Lái hiện nay là không khả thi.

Nguyên nhân, Sở này cho rằng hướng tuyến xây dựng cầu Cát Lái tại vị trí phà Cát Lái hiện nay là không khả thi vì xây dựng tại vị trí này thì cần điều chỉnh quy hoạch lộ giới đường Nguyễn Thị Định từ 60 m lên 77 m. Khi xây dựng có nguy cơ gây ùn tắc giao thông.

Ngoài ra hướng tuyến cầu Cát Lái theo phương án cũ cách cầu cảng hiện hữu của cảng Cát Lái khoảng 100m, khi xây dựng cầu tại đây sẽ ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của cảng không đảm bảo an toàn cho tàu container quay tàu khi ra vào cảng.

Bên cạnh đó, tuyến đường Vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch vừa được khởi công, trong đó có cầu Nhơn Trạch kết nối giữa TP.HCM với Đồng Nai.

Về phương án thay thế, Sở đề xuất vị trí xây dựng cầu kết nối Đồng Nai tại Quận 7 và TP.Thủ Đức, cụ thể:

Vị trí thứ nhất là xây cầu nối từ đường trục Bắc – Nam (nối quận 7), vượt sông Đồng Nai sang xã Phú Hữu, Phú Đông, huyện Nhơn Trạch.

Vị trí thứ hai, kết nối từ TP. Thủ Đức với xã Tam An, huyện Long Thành, Đồng Nai (theo hướng quy hoạch ĐT.777B).

Việc cây cầu có ý nghĩa quan trọng này bị chậm, ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bất động sản. Đặc biệt phía thành phố mới Nhơn Trạch. Thị trường bất động sản nơi đây từng không biết bao lần thăng trầm khi ăn theo những thông tin về tiến độ xây dựng cầu Cát Lái.