Đồng USD tăng giá mạnh gây sức ép cho giá dầu và kim loại quý

Theo MXV, lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn chu kỳ nới lỏng tiền tệ là một trong những yếu tố thúc đẩy tỷ giá đồng USD gia tăng trong những phiên gần đây.

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá hàng hóa nguyên liệu thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần (11/11). Đóng cửa, chỉ số MXV-Index giảm 0,92% xuống mức 2.157 điểm.

Đáng chú ý, trên thị trường kim loại, toàn bộ 10 mặt hàng giá suy yếu, trong đó giá bạc giảm gần 3%. Bên cạnh đó là thị trường năng lượng với 2 mặt hàng giá dầu thô WTI và Brent đồng loạt lao dốc.

Đối với kim loại quý, giá bạc và giá bạch kim tiếp đà giảm từ cuối tuần trước khi giảm lần lượt 2,66% và 0,92%. Chốt phiên, giá bạc giảm về 30,61 USD/ounce, giá bạch kim giảm xuống mức 969,5 USD/ounce.

image-25-1731402775.png
Đồng USD mạnh lên gây sức ép cho giá dầu và kim loại quý

Theo MXV, đồng USD tăng mạnh tiếp tục là yếu tố gây sức ép lên giá kim loại quý trong phiên giao dịch ngày hôm qua.

Chỉ số Dollar Index, thước đo đo lường sức mạnh của đồng USD và 6 đồng tiền ngoại tệ mạnh khác, đóng cửa tăng 0,52% lên 105,54 điểm, mức cao nhất hơn 4 tháng gần đây.

Bên cạnh đó, lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn chu kỳ nới lỏng tiền tệ cũng là yếu tố thúc đẩy tỷ giá đồng USD gia tăng trong những phiên gần đây.

Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX và giá quặng sắt đồng loạt giảm hơn 1%, lần lượt đóng cửa tại mức 9.322 USD/tấn và 100,66 USD/tấn. Giá cả 2 mặt hàng đều gặp áp lực trong phiên hôm qua khi giới đầu tư tỏ ra thất vọng về dữ liệu kinh tế Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu.

Cụ thể, theo số liệu Tổng cục thống kê nước này công bố vào cuối tuần, trong tháng 10/2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo và số tháng trước.

Ngoài ra, chỉ số giá sản xuất (PPI) tiếp tục giảm sâu hơn nữa với mức giảm 2,9% trong tháng 10, đánh dấu tháng giảm thứ 25 liên tiếp. Con số này giảm mạnh hơn so với dự báo giảm 2,5% của thị trường và mức giảm 2,8% của tháng trước. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

Theo MXV, giá dầu lao dốc 2% trong phiên giao dịch ngày hôm qua trong bối cảnh gói kích thích của Chính phủ Trung Quốc đã làm các nhà đầu tư thất vọng trong việc tìm kiếm tăng trưởng nhu cầu.

Thêm vào đó, thông tin dự báo nguồn cung có thể gia tăng trong năm 2025 đã gây sức ép lên giá cả 2 mặt hàng dầu.

Chốt phiên giao dịch ngày 11/11, giá dầu thô WTI giảm 3,32% xuống còn 68,04 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô Brent giảm 2,76%, đạt 71,83 USD/thùng.