Kiến nghị điều chỉnh giá điện trong năm nay đã được đưa ra tại phiên họp của Ban chỉ đạo điều hành giá mới đây.
Theo đó, Bộ Công thương kiến nghị xem xét điều chỉnh giá điện năm 2024 để đảm bảo phản ánh biến động các thông số đầu vào của giá điện, giúp EVN có nguồn để thanh toán cho các chủ đầu tư nhà máy điện.
Mặc dù đã có 2 lần tăng giá điện trong năm 2023 (mức 3% và 4,5%), song đến nay khoản lỗ của EVN vẫn chưa thể khắc phục.
Báo cáo của EVN gửi Bộ Công thương hồi tháng 12, giá điện bình quân năm 2023 của tập đoàn ước đạt 1.950 đồng/kWh, mặc dù tăng 68,48 đồng/kWh song vẫn đang thấp hơn so với giá thành.
Trong năm 2023, EVN lỗ 17.000 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lỗ 24.595 tỷ đồng. Báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2022, khoản lỗ của công ty mẹ được công bố là 26.499 tỷ đồng và toàn tập đoàn lỗ 20.747 tỷ đồng do giá nhiên liệu cho sản xuất điện, tỷ giá tăng cao.
Tại cuộc họp tổng kết công tác năm 2023 của EVN, lãnh đạo EVN cho biết hiện chỉ có giá thủy điện là nguồn đảm bảo ổn định nhất chiếm 28%. Trong khi đó, năng lượng tái tạo có giá thành cao, với mức giá bình quân tương đương giá bán ra. Gần 45% sản lượng điện khác lại hoàn toàn phụ thuộc vào biến động giá thị trường.
Thực tế, chi phí sản xuất, giá thành điện hiện nay là 2.092,78 đồng/kWh nhưng giá bán lẻ bình quân là 1.950 đồng/kWh. Trong đó, chi phí giá thành nguồn điện được mua từ đơn vị EVN và nguồn ngoài EVN lên tới gần 1.620 đồng/kWh. Chi phí mua điện đang chiếm 80% chi phí giá thành khiến doanh nghiệp lỗ lũy kế tăng.
Trong bối cảnh 2 năm không cân đối được tài chính, năm 2024 tiếp tục đối mặt một loạt thách thức, tổng giám đốc EVN bày tỏ mong muốn sớm có điều chỉnh chính sách về giá bán lẻ điện phù hợp với thực tế