Lãnh đạo EVN lý giải vì sao giá điện chỉ tăng, không giảm

Lãnh đạo EVN cho rằng, sản xuất điện chủ yếu sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong khi tài nguyên ngày càng cạn kiệt. Do vậy, giá điện chỉ có tăng, không giảm.

Ngày 2/1, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thông tin về việc những lý do tăng giá điện liên tiếp 2 lần và không thấy giảm. Cùng đó là những khó khăn trong cân đối tài chính của tập đoàn này.

tong-giam-doc-evn-pld-1704206509.jpeg
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc EVN báo cáo tình hình kinh doanh của tập đoàn năm 2023

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống trong năm 2023 đạt hơn 80.000 MW, tăng gần 3.000 MW so với năm 2022. Trong đó, tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo hơn 21.000 MW. Quy mô hệ thống điện của Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN.

“Trong năm 2023, công tác quản lý và chỉ đạo, điều hành cung ứng điện vẫn còn tồn tại, hạn chế, để xảy ra tình trạng thiếu điện và phải thực hiện tiết giảm điện một số địa phương khu vực miền Bắc trong các ngày đầu tháng 6”, lãnh đạo EVN thông tin.

Việc xảy ra tình trạng thiếu điện trong mùa khô vừa qua do nhiều yếu tố bất lợi, gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Như dự phòng nguồn điện khu vực miền Bắc thấp, ảnh hưởng của hiện tượng El Nino dẫn đến hạn hạn kéo dài, lưu lượng nước về các hồ thủy điện giảm thấp đột ngột, đặc biệt tại khu vực miền Bắc.

Nhu cầu phụ tải tăng cao; nhiều nhà máy nhiệt điện than trên toàn hệ thống bị sự cố do nhiệt độ nước làm mát tăng cao; công tác sửa chữa, khắc phục sự cố một số nhà máy nhiệt điện than ngoài EVN bị kéo dài.

Về cân đối tài chính, theo ông Tuấn, doanh thu bán điện toàn tập đoàn năm 2023 ước đạt 497.000 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2022.

Tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN ước tính đến hết năm 2023 là 630.537 tỷ đồng (bằng 94,7% so với năm 2022). Trong đó, vốn chủ sở hữu là 201.535 tỷ đồng (bằng 89,4% so với cùng kỳ).

Giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 2 lần (tăng 3% từ 4/5/2023 và tăng 4,5% từ 9/11/2023), tuy nhiên không đủ bù đắp được chi phí sản xuất điện do các thông số đầu vào vẫn duy trì ở mức cao nên EVN tiếp tục lỗ sản xuất kinh doanh điện năm thứ 2 liên tiếp.

Cụ thể, giá nhiên liệu cao hơn nhiều so với các năm trước, trong khi cơ cấu huy động nguồn điện không thuận lợi do tình hình nước về các hồ thủy điện kém làm sản lượng thuỷ điện giảm. Chi phí mua điện trên thị trường điện cao, chi phí thanh toán tăng so với giá điện hợp đồng đã khiến giá điện tuy tăng nhưng doanh nghiệp vẫn lỗ.

Theo ông Tuấn, hiện thuỷ điện vẫn là nguồn có giá ổn định nhất, nhưng nguồn này chỉ chiếm 28,4% tổng công suất nguồn điện; còn năng lượng tái tạo, do chính sách khuyến khích ban đầu cho nên giá của nguồn năng lượng này rất cao, nếu xét theo giá thành 9,35 cent theo Fit 1 thì vượt giá thành bán ra của EVN.

"Với cơ cấu nguồn như vậy, giá thành điện của chúng ta chủ yếu sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, kể cả nguồn thuỷ điện (nước) cũng là tài nguyên thiên nhiên. Trong khi tài nguyên của chúng ta ngày càng cạn kiệt, do vậy giá thành chỉ có tăng, không có chuyện xuống”, ông Tuấn lý giải.