Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ họp chính sách vào ngày 11 và 12/6/2024. Cũng trong thời gian này, chính phủ Mỹ sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 5. Liệu lãi suất đồng USD sẽ được giảm xuống sau gần 2 năm tăng kỷ lục?
Chắc chắn FED sẽ vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại trong cuộc họp nói trên để chờ thêm tín hiệu rõ ràng hơn về nền kinh tế Mỹ.
Hiện nay, thị trường lao động Mỹ có vẻ đang tốt lên, thu nhập cao và chỉ số lạm phát còn cách xa mục tiêu 2%… là những lý do mà giới đầu tư cũng như các chuyên gia kinh tế bày tỏ hoài nghi về khả năng FED sẽ có ít nhất 1 đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2024.
Theo một cuộc khảo sát của Bloomberg với 43 chuyên gia hàng đầu: 41% các nhà kinh tế kỳ vọng FED sẽ có hai lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, trong khi 41% kỳ vọng FED sẽ chỉ có một hoặc không có lần cắt giảm lãi suất nào trong năm 2024.
Một loạt các nhà lãnh đạo FED trong những tuần gần đây đã gợi ý rằng họ không nên vội vàng cắt giảm lãi suất, khi lạm phát ngày càng dai dẳng và triển vọng tăng trưởng được củng cố.
Thống đốc FED Christopher Waller cho biết ngân hàng trung ương có thể xem xét việc hạ lãi suất vào cuối năm nay, quan điểm này được Chủ tịch FED chi nhánh Atlanta, Raphael Bostic đồng tình.
Còn lãnh đạo FED ở Cleveland, Loretta Mester cho biết bà muốn thấy “dữ liệu lạm phát có tiếp tục đi xuống trong vài tháng nữa”, trong khi người đứng đầu FED Boston, Susan Collins nói rằng: “sự kiên nhẫn thực sự rất quan trọng”.
Trong khi FED vẫn chưa xác định rõ chính xác bộ số liệu kinh tế nào sẽ thúc đẩy việc cắt giảm lãi suất, 60% các nhà kinh tế cho biết chất xúc tác quan trọng sẽ là ba bản báo cáo lạm phát cơ bản tích cực liên tiếp.
Tuy nhiên, số liệu lạm phát của Mỹ từ tháng 1 đến tháng 3/2024 gây thất vọng. Điều này càng đáng lưu ý hơn trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang diễn biến bất thường: số lượng việc làm và tiền lương tăng nhanh, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và sự tham gia của lực lượng lao động giảm. Đáng quan ngại hơn, số lượng việc làm toàn thời gian giảm, nhưng số lượng việc làm bán thời gian lại tăng.
Có vẻ như châu Âu hết kiên nhẫn với FED, ngân hàng trung ương của khối (ECB) đã cắt giảm lãi suất vào ngày 6/6 sau 5 năm, theo đó lãi suất cơ bản đồng euro giảm 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất giảm từ mức đỉnh mọi thời đại 4% về 3,75%.
Trong dự báo lạm phát cập nhật, ECB cho rằng lạm phát ở eurozone sẽ bình quân 2,5% trong năm 2024; 2,2% trong năm 2025; và 1,9% trong năm 2026. Về tăng trưởng kinh tế, eurozone kỳ vọng 0,9% cho năm nay, 1,4% cho năm 2025 và 1,6% cho năm 2026.
Trong khi đó, nhiều nền kinh tế lớn tại khu vực châu Á chật vật ổn định tỷ giá khi đồng đô la Mỹ quá cao. Chỉ khi nào FED hạ lãi suất thì áp lực tỷ giá mới có thể giảm bớt. Các chuyên gia cho rằng việc tỷ giá USD/VND có căng thẳng tiếp hay không sẽ phụ thuộc đáng kể vào lộ trình cắt giảm lãi suất của FED và xu hướng đồng USD.
Đồng đô la Mỹ vẫn không ngừng tăng giá so với sáu đồng tiền lớn dẫn đầu rổ tiền tệ quốc tế, tăng 0,82 so với euro, 0,71% so với đồng yên, 0,52 so với bảng Anh và tạo ra tỷ giá áp đảo với nhân dân tệ.