Giá dầu giảm mạnh, doanh thu của PetroVietnam vẫn cao nhất từ đầu năm

Hầu hết các chỉ tiêu tài chính của PetroVietnam đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức rất cao so với kế hoạch giao, chỉ còn 1 chỉ tiêu doanh thu Công ty mẹ dự kiến cũng sẽ hoàn thành vào giữa tháng 11.

1311-2407jpg-1700041901.jpg

Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng kiểm tra tiến độ dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong tháng 10, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) đạt doanh thu cao nhất trong các tháng từ đầu năm đến nay, qua đó tiếp tục duy trì kết quả sản xuất, kinh doanh tích cực và dự kiến sẽ hoàn thành tất cả các chỉ tiêu tài chính được giao trong năm 2023 vào khoảng giữa tháng 11 này.

Thông tin được Tổng Giám đốc PetroVietnam Lê Mạnh Hùng cho biết trong cuộc họp giao ban thường kỳ tháng 11 với lãnh đạo các đơn vị thành viên Tập đoàn về kết quả sản xuất-kinh doanh tháng 10, 10 tháng và kế hoạch 2 tháng cuối năm 2023.

Doanh thu tháng 10 vượt 44% so với kế hoạch

Trong tháng 10, mặc dù nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội có cải thiện, niềm tin về sức chống chịu của nền kinh tế vững chắc dần lên. Tuy nhiên, các dự báo gần đây nhất cho thấy tăng trưởng kinh tế tiếp tục khó khăn, đặc biệt là ở lĩnh vực sản xuất với sự lo ngại về triển vọng kinh doanh trong bối cảnh cầu tiêu dùng thế giới chưa thực sự hồi phục.

Bên cạnh đó, tác động trực tiếp đến ngành Dầu khí là giá dầu tháng 10 giảm so với tháng 9, giá bình quân các loại sản phẩm xăng dầu tháng 10 đều giảm từ 4%-10% so với tháng 9; biên lợi nhuận lọc dầu giảm mạnh; huy động khí cho sản xuất điện thấp, vấn đề tiêu thụ khí, LNG hết sức khó khăn; huy động điện khí cũng rất thấp ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các nhà máy điện, suất hao nhiệt cao; tiêu thụ phân bón khó do thừa cung và vụ mùa vào chậm hơn so với cùng kỳ…

Theo ông Phạm Văn Phong, Tổng Giám đốc PV GAS, tiêu thụ khí của điện rất thấp, năm sau thấp hơn năm trước khi điện khí thường xuyên không được ưu tiên huy động. Năm 2023, dự kiến tiêu thụ khí của điện giảm khoảng 18% so với năm 2022 và được dự báo tiếp tục giảm trong năm 2024, ảnh hưởng đến sản xuất, đưa khí về bờ. Tổng lượng khí về bờ của PV GAS trong năm 2024 dự báo chỉ khoảng 6,3 tỷ m3, thấp hơn nhiều so với mức dự kiến 7,7 tỷ m3 của năm 2023. Cùng với đó, các cơ chế để cung cấp LNG cho điện hết sức khó khăn, dự báo trong năm 2024 vẫn chưa thể bán được LNG cho điện.

Công bố bảng xếp hạng PROFIT500-Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2023 của Vietnam Report cho thấy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tiếp tục ghi nhận vị trí dẫn đầu.

Trong bối cảnh tác động khá tiêu cực của các yếu tố vĩ mô, thị trường, PetroVietnam đã nỗ lực, linh hoạt trong quản trị, điều hành, duy trì hoạt động sản xuất-kinh doanh ổn định, an toàn, liên tục; tiếp tục đạt kết quả khả quan, tăng trưởng so với tháng 9.

Đại diện PetroVietnam thông tin, trong tháng 10, các chỉ tiêu sản lượng sản xuất của PetroVietnam đều hoàn thành vượt mức kế hoạch tháng. Đặc biệt, sản xuất xăng dầu ổn định, tăng trưởng cao, Tập đoàn đã tận dụng cơ hội thị trường, tối ưu chu kỳ bảo dưỡng, đảm bảo Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động an toàn, ổn định, ở công suất cao liên tục trong 38 tháng qua, góp phần gia tăng hiệu quả sản xuất-kinh doanh, ổn định thị trường xăng dầu; Nhà máy Đạm Cà Mau tiếp tục sản xuất ở mức cao, dự kiến vượt đỉnh của năm 2022.

Cụ thể, sản lượng khai thác dầu tháng 10 đạt 0,85 triệu tấn, vượt 4,2% kế hoạch tháng, tính chung 10 tháng đạt 8,7 triệu tấn, vượt 13,1% kế hoạch 10 tháng; Sản lượng khai thác khí tháng 10 đạt 0,62 tỷ m3, vượt 4,6% kế hoạch tháng, tính chung 10 tháng đạt 6,38 tỷ m3, vượt 9,7% kế hoạch 10 tháng.

13112-7883jpg-1700041900.jpg

Lãnh đạo Tập đoàn báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về Chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngoài ra, sản xuất điện tháng 10 đạt 1,91 tỷ kWh, vượt 2,4% kế hoạch tháng, tính chung 10 tháng đạt 19,54 tỷ kWh, vượt 1,7% kế hoạch 10 tháng, tăng 46,2% so với cùng kỳ; Sản xuất xăng dầu (không bao gồm sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn-NSRP) tháng 10 đạt 635,4 nghìn tấn, vượt 18,4% hế hoạch tháng; tính chung 10 tháng đạt 6,08 triệu tấn, vượt 10% kế hoạch năm (về đích trước kế hoạch 2 tháng), tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Với nỗ lực duy trì sản xuất ở mức cao, các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn vượt cao so với kế hoạch. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn tháng 10 ước đạt 87,2 nghìn tỷ đồng, vượt 44% kế hoạch tháng. Tính chung 10 tháng đạt 745 nghìn tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch năm 2023 (về đích trước 2 tháng); Nộp ngân sách toàn Tập đoàn (không bao gồm NSRP) tháng 10 đạt 14,9 nghìn tỷ đồng, vượt 2 lần kế hoạch tháng. Tính chung 10 tháng đạt 121 nghìn tỷ đồng, vượt 54% kế hoạch cả năm 2023 (về đích trước 5 tháng).

Kiên định mục tiêu quản trị, chủ động ứng phó biến động thị trường

Chủ tịch Hội đồng Thành viên PetroVietnam Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn đến năm 2025 tại cuộc họp, khối lượng công việc cần phải triển khai thực hiện rất nhiều. Do đó, các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị phải tái cơ cấu cần có chương trình, kế hoạch rất cụ thể để đạt mục tiêu kế hoạch Thủ tướng phê duyệt.

Bên cạnh đó, ông Hoàng Quốc Vượng cũng chỉ đạo, sau bước tiến quan trọng vừa qua của Chuỗi dự án khí điện Lô B-Ô Môn, các đơn vị tham gia dự án từ thượng nguồn, trung nguồn đến hạ nguồn cần triển khai quyết liệt, sát sao theo tiến độ dự án. Đối với các đơn vị chưa hoàn thành kế hoạch sản xuất-kinh doanh theo chỉ tiêu Hội đồng Thành viên Tập đoàn giao cần tiếp tục nỗ lực tập trung thực hiện trong những tháng còn lại của năm.

Kết luận cuộc họp, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đánh giá cao kết quả sản xuất-kinh doanh của toàn Tập đoàn từ đầu năm đến nay và cho biết hầu hết các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức rất cao so với kế hoạch được giao, chỉ còn 1 chỉ tiêu là doanh thu Công ty mẹ dự kiến cũng sẽ hoàn thành vào giữa tháng 11 này. Tổng Giám đốc cũng đánh giá cao và ghi nhận những cố gắng, nỗ lực vượt bậc, phối hợp nhịp nhàng trong toàn hệ thống để đạt được kết quả rất đáng khích lệ đó.

13113-4567jpg-1700041899.jpg

Người lao động dầu khí trên giàn Sư Tử Trắng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tuy nhiên, nhận định vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức phải vượt qua trong thời gian tới như: huy động khí, điện, đảm bảo sản lượng khai thác, đầu ra cho các sản phẩm lọc hóa dầu… Chỉ đạo thực hiện kế hoạch tháng 11 và 12, cũng như chuẩn bị cho kế hoạch năm 2024, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng khẳng định và nhấn mạnh 5 bài học trong công tác quản trị được đúc rút từ thực tiễn, đó là: phải xác định mục tiêu rõ ràng; có kế hoạch thật cụ thể, tỉ mỉ; phải triển khai thực hiện ngay lập tức chứ không chờ đôn đốc, kiểm tra; thường xuyên kiểm soát, điều chỉnh; kiên định đến cùng thực hiện mục tiêu. PetroVietnam tiếp tục kiên định các mục tiêu quản trị đề ra từ đầu năm, đặc biệt là việc mở rộng quy mô, tăng doanh thu để tạo đà cho tái tạo mô hình kinh doanh.

Cùng với các nhiệm vụ đã chỉ đạo cụ thể với từng lĩnh vực, từng đơn vị trong cuộc họp, Tổng Giám đốc PetroVietnam yêu cầu các đơn vị thường xuyên cập nhật, dự báo vĩ mô, thị trường để đưa vào kế hoạch, công tác quản trị, điều hành; tập trung gia tăng sản lượng, đảm bảo an toàn hoạt động; bảo đảm độ khả dụng của các nhà máy điện và sản lượng điện, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho nền kinh tế; điều hành linh hoạt sản xuất, tồn kho, kinh doanh; rà soát, đánh giá, kiểm soát an toàn dòng tiền, đảm bảo cân đối giữa nguồn vốn, dòng tiền với danh mục đầu tư, kế hoạch, tiến độ triển khai các dự án đầu tư, giữa chiến lược vốn với chiến lược tái cấu trúc…

Đặc biệt, Tổng Giám đốc đề nghị lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án tái cấu trúc Tập đoàn giai đoạn 2021-2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm phân tích rõ công tác tái cấu trúc đối với từng lĩnh vực, khu vực, có phân công, đưa ra giải pháp cụ thể và quán triệt việc triển khai thực hiện để hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo Đề án./.