Giá viện phí tính đúng, tính đủ: Người dân hưởng lợi gì?

Là đơn vị được Bộ Y tế giao nhiệm vụ xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho khoảng trên 3.000 kỹ thuật ở 14 chuyên khoa, Bệnh viện Bạch Mai đang gấp rút triển khai nội dung này, cố gắng đến 31/8/2023 hoàn thành lộ trình xây dựng để làm cơ sở tính đúng, tính đủ giá viện phí, giúp cho cả bệnh viện và người dân cùng hưởng lợi.

Gấp rút xây dựng lại định mức kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở tính giá viện phí

Bộ Y tế đã ban hành danh mục 18.244 kỹ thuật với trên 7.500 quy trình kỹ thuật, đồng thời, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và giá các dịch vụ kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã phát sinh những bất cập cần khắc phục, nên Bộ Y tế đã cập nhật hướng dẫn quy trình kỹ thuật, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho phù hợp, phục vụ cho tính giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đúng và đủ.

benh-nhan-cho-chup-chieu-tai-benh-vien-bach-mai-pld-1688977257.jpg
Bệnh nhân chờ chụp chiếu tại Bệnh viện Bạch Mai.

Theo Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn, chi phí được tính trong giá dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: Chi tiền lương; chi phí trực tiếp như thuốc, hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế, điện, nước,...; bảo trì bảo dưỡng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; chi khấu hao cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; chi phí quản lý-điều hành.

Tuy nhiên, hiện nay giá dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh chưa tính các chi phí chi khấu hao cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và chi phí quản lý-điều hành. Người bệnh vẫn phải chi tiền túi tới 40% tổng chi phí. Với lộ trình tính đúng tính đủ, tỷ lệ này sẽ giảm.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Vương Ánh Dương cho biết, việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật có ý nghĩa rất quan trọng, là căn cứ để tính giá dịch vụ khám chữa bệnh phù hợp với tình hình. Hiện, giá nhiều dịch vụ kỹ thuật ban hành dựa trên định mức kinh tế kỹ thuật từ hơn 10 năm trước nên cần phải cập nhật.

Danh mục dịch vụ kỹ thuật của Bộ Y tế đang có hơn 18.000 kỹ thuật, nhưng thực tế, nhiều dịch vụ bị trùng, do đó, Bộ Y tế sẽ phải xây dựng lại, còn khoảng hơn 9.900 kỹ thuật.

Bạch viện Bạch Mai được giao xây dựng hơn 3.000 kỹ thuật và ở 14 chuyên khoa. Đây là khối lượng công việc lớn, cần phải hoàn thành gấp rút trong chưa đầy 2 tháng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viện đã bắt tay vào thực hiện công việc này vì đây là cơ sở để Bộ Y tế tham chiếu, làm cơ sở tính đúng, tính đủ giá viện phí BHYT.

“Đầu tiên, chúng tôi phải xây dựng danh mục kỹ thuật, quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật. Từ đó, chúng tôi mới áp giá theo định mức đó. Thí dụ, chúng tôi phải tính toán một ca phẫu thuật ruột thừa cần bao nhiêu bác sĩ mổ, bác sĩ gây mê, phẫu thuật trong bao lâu, sử dụng thuốc, vật tư, máy móc như thế nào… để ra được định mức kinh tế kỹ thuật. Từ định mức đó, chúng tôi mới tính ra giá của kỹ thuật là bao nhiêu. Đó mới gọi là tính đúng, tính đủ”, ông Cơ cho hay.

Hiện tại, Bộ Y tế giao cho Bệnh viện Bạch Mai đến 31/8/2023 xong lộ trình xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật để Bộ Y tế căn cứ quyết định ra định mức chung. Trước ngày 31/12/2023, ngành y tế phải hoàn thiện xây dựng định mức này.

Bệnh viện và người dân cùng hưởng lợi

Theo Phó Cục trưởng Vương Ánh Dương, việc tính đúng, tính đủ giá viện phí sẽ giúp các bệnh viện có đủ chi phí vận hành và tái đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; có chi phí cho đào tạo chuyên môn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ người bệnh.

Khi đó, người dân sẽ được cung cấp dịch vụ kỹ thuật đa dạng, có chất lượng cao ngay tại địa phương. Điều này sẽ góp phần giảm tải cho tuyến trên.

Đặc biệt, khi giá dịch vụ được tính đúng, tính đủ, thì người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được BHYT thanh toán toàn bộ, thay vì phải tự thanh toán giá khấu hao cơ sở hạ tầng và quản lý bệnh viện như hiện nay khi bệnh nhân khám chữa bệnh tại cơ sở y tế tư nhân. Hiện các bệnh viện tư đã tính đúng tính đủ, nhưng BHYT chi trả cho người dân chưa bao gồm 2 yếu tố khấu hao cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và quản lý-điều hành bệnh viện.

Theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, để vận hành bệnh viện thì tính đúng, tính đủ cần thiết nhưng không có nghĩa là tất cả người dân đến khám chữa bệnh phải thu đúng, thu đủ. Nếu tăng mệnh giá BHYT để thanh toán đúng, đủ cho giá viện phí hiện tại chưa khả thi do mức đóng BHYT chưa đúng thực tế.

Do vậy, thực hiện theo Thông tư 13/2023/TT-BYT mới ban hành của Bộ Y tế sẽ phân luồng khám chữa bệnh theo yêu cầu và khám chữa bệnh BHYT. Người nào có điều kiện về kinh tế hoàn toàn có thể chi đúng, chi đủ viện phí các dịch vụ kỹ thuật được hưởng. Các đối tượng còn lại, những người hưởng bảo hiểm y tế, người có công, người nghèo… thì bệnh viện phải làm nhiệm vụ an sinh xã hội, nhà nước phải đầu tư nguồn lực cho Bệnh viện Bạch Mai thực hiện nhiệm vụ.

"Bệnh viện sẽ dùng nguồn lực từ khám chữa bệnh theo yêu cầu để đãi ngộ cho cán bộ công nhân viên yên tâm công tác, vừa phục vụ người có điều kiện, vừa phục vụ người chưa có điều kiện. Đây là việc hết sức nhân văn.

Bên cạnh đó, bệnh viện có thể tái đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, tái đầu tư trang thiết bị y tế phục vụ chung cho mọi người dân chứ không chỉ phục vụ người giàu. Như vậy, rõ ràng cái lợi nhiều hơn", ông Cơ bày tỏ.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, định mức kinh tế kỹ thuật khám chữa bệnh sẽ được Bộ Y tế hoàn thiện trong quý 3 để trình các cấp có thẩm quyền xem xét. Do có gần 10.000 kỹ thuật, một khối lượng khá lớn, nên trước mắt sẽ tập trung hoàn thiện các dịch vụ kỹ thuật thiết yếu, rồi từng bước bổ sung, cập nhật.

“Bệnh viện Bạch Mai chúng tôi tuân thủ nghiêm chỉnh quy định của Thông tư là duy trì không quá 20% giường dịch vụ để phục vụ công tác khám chữa bệnh BHYT. Những người không mang thẻ BHYT nhưng không có nhu cầu khám dịch vụ, sẽ được phân luồng khám thông thường theo giá quy định hiện hành, không lạm dụng, hay ép buộc bệnh nhân phải khám dịch vụ. Bệnh viện Bạch Mai tuân thủ và các bệnh viện khác cũng phải tuân thủ”, ông Cơ nhấn mạnh.

Với khối lượng là xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho trên 3.000 kỹ thuật, ông Cơ cho biết bệnh viện không gặp nhiều khó khăn. Nếu việc này được triển khai, bệnh viện, người dân đều hưởng lợi, các hãng bảo hiểm bổ sung cũng sẽ được người dân sử dụng nhiều hơn.

Danh mục dịch vụ của Bộ Y tế đang có hơn 18.000 kỹ thuật, nhưng thực tế, nhiều dịch vụ bị trùng, do đó, Bộ Y tế sẽ phải “thu” lại còn hơn 9.900 kỹ thuật. Chỉ riêng việc “thu gọn” hơn 18.000 dịch vụ còn hơn 9.900 dịch vụ với tiêu chí cập nhật kỹ thuật mới, đầy đủ mà không trùng lặp, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã phải mất 3 năm rà soát và cập nhật mới có được danh mục hiện nay.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã giao cho 20-30 bệnh viện xây dựng một kỹ thuật. Bệnh viện Bạch Mai được giao làm đầu mối xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật nhiều nhất, cho khoảng 3.000 dịch vụ kỹ thuật, tiếp đó là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với hơn 2.000 dịch vụ kỹ thuật.