Giải pháp cứu dòng tiền trái phiếu doanh nghiệp

05/11/2022 09:50

Theo dõi trên

Theo chuyên gia, cần có những phương án dự phòng, xử lý trái phiếu “xấu” nếu phát sinh theo cách ít tốn kém nhất, ít tổn thất nhất để giữ niềm tin của công chúng đối với trái phiếu doanh nghiệp.

Nguy cơ đứt gãy dòng tiền

Dữ liệu của FiinGroup cho thấy, năm 2022, lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bất động sản đáo hạn là hơn 35.000 tỷ đồng, năm 2023 hơn 61.000 tỷ đồng, chủ yếu của doanh nghiệp chưa niêm yết. Sau sự cố Tân Hoàng Minh, An Đông, VKC Holdings, nhà đầu tư trở nên thận trọng với TPDN, nhiều người đổ xô yêu cầu bắt doanh nghiệp phát hành mua lại trước hạn.

0-tp-1667616261.jpeg

Trong 3 tuần đầu tháng 10/2022, không có đợt phát hành TPDN nào được ghi nhận (ảnh minh hoạ)

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính từ đầu năm tới nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại là 142.458 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021.

Dưới sức ép của nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp phát hành đã phải đẩy mạnh hoạt động mua lại trước hạn này. Vấn đề đặt ra là nếu doanh nghiệp gặp vấn đề thanh khoản và không có khả năng thanh toán nợ gốc cũng như lãi trái phiếu đến hạn, đồng thời không có khả năng tiếp cận vốn để tái cấu trúc trái phiếu thì chuyện gì có thể xảy ra?

Ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính ví von, một doanh nghiệp phát hành trái phiếu hoạt động liên tục giống như việc một chiếc xe đang chạy đều đặn. Hoạt động liên tục đó được hiểu là doanh nghiệp đang hoạt động và không có nguy cơ vỡ nợ, phá sản trong tương lai gần (12 tháng), thì có khả năng tạo ra dòng tiền để thanh toán nợ trái phiếu đến hạn. Tuy nhiên, vì lý do nào đó doanh nghiệp gặp khó trong việc hoạt động liên tục, có thể khiến nợ trái phiếu không thể được thanh toán.

“Ở góc nhìn cá nhân từ kinh nghiệm tham gia dự án do một tổ chức quốc tế lớn tài trợ, giúp Việt Nam lên phương án xử lý nợ xấu ngân hàng trong giai đoạn 2011-2013, có một nguyên tắc xử lý nợ xấu, gồm cả vay ngân hàng thương mại và TPDN là cơ quan Chính phủ sẽ không, hoặc rất ít sử dụng tiền. Vì cấu trúc thể chế, rủi ro đạo đức, cùng với nhưng tác động vĩ mô như lạm phát khiến không thể sử dụng tiền công để thực hiện việc này.

Do đó, đề xuất cơ quan quản lý như Bộ Tài chính dùng tiền để lập công ty xử lý nợ TPDN là không khả thi. Chúng ta nên quay lại vấn đề “hoạt động liên tục” nêu trên, để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, từ đó trả nợ trái phiếu.”, ông Long nói.

Xử lý trái phiếu “xấu”

Vị chuyên gia cũng phân tích ngược về thời điểm năm 2012, nợ xấu ngân hàng tăng cao, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. Khi đó các ý kiến đều cho rằng, cần có một tổ chức để xử lý nợ xấu và Bộ Tài chính đang có Công ty mua bán nợ trực thuộc là DATC. DATC đã thí điểm xử lý một công ty nợ xấu, tái cấu trúc thành công, kết nối với nhà đầu tư, đó là Thuỷ sản Bình An.

0-bank-1667616260.jpeg

Xử lý nợ xấu ngân hàng với TPDN rất khác nhau, nhưng điểm chung là cơ quan quản lý không cần bỏ tiền, mà quan trọng là thời gian và phương án tái cấu trúc. Ảnh: Quốc Tuấn

Nhưng vấn đề nợ xấu ngân hàng giai đoạn 2011-2013 thuộc thẩm quyền của NHNN, thay vì Bộ Tài chính. Hơn nữa, năng lực DATC lúc đó chưa đủ. Từ đó, công ty Quản lý tài sản (VAMC) được thành lập vào 2013, cùng với Nghị quyết của Quốc hội ra cơ chế xử lý nợ xấu ngân hàng. Nợ xấu ngân hàng được chuyển tạm thời khỏi bảng cân đối kế toán sang VAMC, đổi lại trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Thay vì phải dự phòng ngay đối với nợ xấu khiến ngân hàng thương mại có thể mất vốn, không đảm bảo tỷ lệ an toàn thì ngân hàng thương mại có thời gian để xử lý dần nợ xấu và tiếp tục cho vay, nghĩa là đảm bảo hoạt động liên tục. Trái phiếu đặc biệt được dự phòng trong 5 năm.

Vậy TPDN nếu xấu, thì phải xử lý làm sao để doanh nghiệp hoạt động liên tục và trả nợ? Giải pháp đặt ra lúc này là công ty mua bán nợ có thể là tổ chức tái cấu trúc doanh nghiệp có trái phiếu xấu với các công cụ như:

Thứ nhất, doanh nghiệp có thể tái cấu trúc, công ty mua bán nợ lên phương án mua nợ, phát hành “note” (giống trái phiếu đặc biệt của VAMC) đổi lấy trái phiếu xấu, tìm nhà đầu tư bơm vốn (vốn xã hội, không phải vốn công) giúp doanh nghiệp hoạt động liên tục và trả nợ trái phiếu. Nghĩa là vốn chuyển từ chỗ có sang chỗ cần, vốn tiếp cận cơ hội kinh doanh.

Thứ hai, là tái cấu trúc dự án đầu tư. Trái phiếu “xấu” của dự án cụ thể có thể được tách ra cho mục đích tái cấu trúc. Lúc này công ty mua bán nợ lập phương án tương tự trên, tìm nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư quan tâm đến tài sản của dự án, đặc biệt với bất động sản. Từ đó khiến tài sản của dự án hoạt động trở lại và tạo ra tiền trả nợ trái phiếu.

“Không phải TPDN nào cũng có thể tái cấu trúc. Công ty mua bán nợ có thể gói các trái phiếu với nhau thành một sản phẩm (distressed asset) và bán trên Sàn cho nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài, kèm theo phương án tái cấu trúc khả thi. 10 TPDN xấu mà tái cấu trúc được 3, bỏ đi 7 cũng là thành công. Điều kiện là giá mua phải có mức chiết khấu hấp dẫn.

Điểm đáng lưu ý là, xử lý nợ xấu ngân hàng với TPDN rất khác nhau. Nhưng điểm chung là cơ quan quản lý không cần bỏ tiền, quan trọng là thời gian và phương án tái cấu trúc để kích hoạt tính hoạt động liên tục. Như vậy, cho dù thị trường TPDN có thế nào thì vẫn có phương án xử lý.

Cần nhắc lại rằng, không có quốc gia nào, nền kinh tế nào phụ thuộc chỉ vào vốn ngân hàng. Thị trường vốn phát triển lành mạnh là rất quan trọng, trong đó thị trường trái phiếu đặc biệt quan trọng. Vì vậy, cần có nền tảng pháp lý chặt chẽ, giúp minh bạch và phát triển thị trường trái phiếu. Và luôn có những phương án dự phòng, xử lý trái phiếu xấu nếu phát sinh theo cách ít tốn kém nhất, ít tổn thất nhất để giữ niềm tin của công chúng đối với trái phiếu”, chuyên gia Phan Lê Thành Long nhấn mạnh.

Bạn đang đọc bài viết "Giải pháp cứu dòng tiền trái phiếu doanh nghiệp" tại chuyên mục Kinh tế. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com