Sau sự kiện hủy các lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh hồi tháng 4, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang chứng kiến làn sóng mua lại trước hạn. Xu thế này vẫn tiếp tục trong tháng 10.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày 21/10/2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong tháng 10/2022 là 4,653 tỷ đồng (giảm 46% so với cùng kỳ tháng 10/2021).
Tính lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại là 142,458 tỷ đồng (tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021).
Doanh nghiệp gấp rút mua lại trái phiếu
Giữa tháng 10/2022, Công ty cổ phần Sunshine Homes đã có báo cáo với Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội về việc mua lại trước hạn toàn bộ 5 triệu trái phiếu SSHCH2022001 đang lưu hànhh, tương đương tổng mệnh giá 500 tỷ đồng.
Theo Sunshine Homes, lý do mua lại trái phiếu là Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), đơn vị bảo lãnh thanh toán đối với trái phiếu bị đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước. Đây là sự kiện dẫn đến tổ chức phát hành phải thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn bắt buộc trong trường hợp người sở hữu trái phiếu có yêu cầu được quy định tại điều kiện trái phiếu.
Công ty cổ phần Năng lượng Thiên Niên Kỷ cũng vừa thông báo mua lại trước hạn một phần trái phiếu TNK.H.20.26.001 đang lưu hành. Cụ thể, công ty này sẽ mua lại 400.000 trái phiếu TNK.H.20.26.001 trước ngày đáo hạn 4 năm, tương đương với giá trị mua lại 40 tỷ đồng.
TNK.H.20.26.001 là lô trái phiếu được Năng lượng Thiên Niên Kỷ phát hành vào tháng 10/2020, có giá trị 250 tỷ đồng, đáo hạn ngày 12/10/2026, do Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) bảo lãnh phát hành và là đại diện sở hữu trái phiếu. Theo thông báo của Năng lượng Thiên Niên Kỷ, việc mua lại trái phiếu trước ngày đáo hạn là nhằm mục đích giảm dư nợ trái phiếu.
Thời gian qua cũng chứng kiến nhiều doanh nghiệp tiến hành mua lại nhiều lô trái phiếu với giá trị lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng.
Hải Phát Invest, một trong những công ty kinh doanh bất động sản lớn tại Thủ đô Hà Nội nói riêng, cả Việt Nam nói chung với nhiều dự án ghi dấu ấn trên thị trường như Khu đô thị Văn Phú, Khu đô thị Tân Tây Đô, The Pride, hay The Vesta Phú Lãm cũng được ghi nhận liên tiếp mua lại trước hạn nhiều lô trái phiếu.
Cụ thể, doanh nghiệp đã tiến hành mua lại lô trái phiếu mã HPXH2124001 phát hành ngày 5/5/2021 kỳ hạn 36 tháng, có tổng giá trị 650 tỷ đồng; lô trái phiếu mã HPXH2122010 phát hành ngày 9/12/2021 kỳ hạn 12 tháng, tổng giá trị là 200 tỷ đồng và một số mã trái phiếu khác.
Theo đó, doanh nghiệp này đã mua lại tổng cộng 468,5 tỷ đồng trái phiếu qua 8 lần thông báo.
Từ tháng 7/2022 đến nay, CTCP Địa ốc Sacom liên tục mua lại trước hạn lô trái phiếu mã SLDCH2123001 phát hành vào 28/6/2021 kỳ hạn 24 tháng, lô trái phiếu này có tổng giá trị 237,5 tỷ đồng. Phía doanh nghiệp đã mua lại tổng cộng 96,4 tỷ đồng trái phiếu qua 16 lần thông báo, tổng giá trị trái phiếu còn lại sau khi mua lại là 143,1 tỷ đồng.
Được biết, đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và được đảm bảo bằng Quyền tài sản và giá trị hình thành từ việc đầu tư xây dựng dự án chung cư cao tầng kết hợp thương mại – dịch vụ - văn phòng (Samland Riverside) tại 147 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.
Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex (GEX) trong 2 tháng (từ tháng 5 đến tháng 7/2022) cũng đã tổ chức 5 đợt mua lại trái phiếu, với tổng giá trị hơn 1.500 tỷ đồng. Trong đó, có lô trái phiếu được Gelex tất toán sớm dù mới phát hành hơn 5 tháng và có kỳ hạn 3 năm.
Công ty Intimex Việt Nam cũng mua lại trước hạn gói 2.000 tỉ đồng trái phiếu có kỳ đáo hạn vào tháng 9/2027.
Bên cạnh các doanh nghiệp, nhiều ngân hàng cũng “ồ ạt” mua lại hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), đứng đầu danh sách mua lại trái phiếu là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID). 9 tháng đầu năm 2022, ngân hàng này đã mua lại 17 mã trái phiếu với tổng giá trị 12.672 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng có 8 đợt mua lại trái phiếu từ đầu năm đến nay với tổng giá trị 8.800 tỷ đồng.
Hay, hồi cuối tháng 9, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) đã hoàn tất mua lại trái phiếu trước hạn toàn bộ lô trái phiếu riêng lẻ mã OCBL2124007 và OCBL2124008 trước hạn 2 năm, với giá trị 1.000 tỷ đồng/lô trái phiếu…
Siết chặt thị trường trái phiếu để đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư
Việc doanh nghiệp đổ xô mua lại trái phiếu trước hạn đến sau sự kiện Tân Hoàng Minh vào đầu tháng 4. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị thắt chặt khi các lô trái phiếu Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ do thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành.
Theo đó, ngày 16/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Nghị định mới đã sửa đổi, bổ sung nhiều điều, khoản so với Nghị định trước đó. Đáng chú ý, về yêu cầu trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành, bổ sung quy định doanh nghiệp phải mua lại trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, trước và sau khi phát hành phải có công bố thông tin về khả năng đảm bảo thanh toán, báo cáo kiểm toán tình hình tài chính và kiểm toán tình hình sử dụng vốn theo mục đích phát hành đã được công bố.
Các doanh nghiệp phát hành phải đảm bảo tính trung thực của hồ sơ chào bán trái phiếu, sử dụng vốn đúng mục đích, có trách nhiệm giải thích cho nhà đầu tư các thông tin liên quan đến phương án phát hành, các rủi ro pháp lý, rủi ro đầu tư, rủi ro sử dụng vốn, quyền, lợi ích và trách nhiệm pháp lý của các bên khi phát hành và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Các chuyên gia đánh giá, việc gấp rút mua lại trái phiếu trước hạn có nguyên nhân từ định hướng thắt chặt của cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, sau vụ việc Tân Hoàng Minh và mới đây là Vạn Thịnh Phát đã ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý thị trường, nhất là các nhà đầu tư cá nhân về rủi ro an toàn hệ thống tín dụng khi tiếp thêm cả sự kiện tại Ngân hàng SCB.
Dưới góc độ doanh nghiệp, mặt tích cực của việc mua lại trái phiếu trước hạn là doanh nghiệp không phải trả chi phí lãi vay đang khá cao, đồng thời giảm hệ số nợ/vốn chủ sở hữu. Đây là động thái tích cực để doanh nghiệp cải thiện các chỉ tiêu tài chính.
Một chuyên gia kinh tế khác nhận định rằng, đối với các doanh nghiệp có tài chính tốt thì việc tất toán trước hạn là để giảm gánh nặng chi phí tài chính. Tuy nhiên, cũng có trường hợp sai phạm trong phát hành và muốn tự sửa sai trong bối cảnh Bộ trưởng Bộ Tài chính có chỉ thị yêu cầu các doanh nghiệp rà soát lại hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Vị này cho biết thêm, việc ồ ạt mua lại trái phiếu chưa biết doanh nghiệp đó có sai hay không nhưng cũng là vấn đề đáng quan ngại và đặt ra câu hỏi và chất lượng trái phiếu mà doanh nghiệp đã phát hành.
So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng từ đầu năm là 10,599 tỷ đồng, giảm 9.3% (chiếm khoảng 4.3% tổng giá trị phát hành) và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 238,535 tỷ đồng, giảm 49% (chiếm khoảng 95.7% tổng giá trị phát hành).