Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành ngày 16/11/2018, có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2019. Thông tư này đã bãi bỏ 9 văn bản quy phạm pháp luật và 1 điều của 1 văn bản quy phạm pháp luật của Bộ NN&PTNT; cắt giảm 15 thủ tục hành chính theo các quy định trước đây. Các quy định trong Thông tư 27 về cơ bản đã cụ thể hóa các nội dung được giao tại Luật Lâm nghiệp năm 2017, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về Luật Lâm nghiệp, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thực hiện chủ trương chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; tạo điều kiện thông thoáng trong trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản, thương mại nội địa và xuất khẩu…
Tuy nhiên, theo Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) trong thực tiễn hiện nay, thông tư này đã xuất hiện những khó khăn, hạn chế và vướng mắc. Theo đó, việc chủ rừng, chủ lâm sản tự quyết định việc khai thác lâm sản sau khai thác không báo cáo, thông báo cho bất kỳ cơ quan nào gây khó khăn cho công tác theo dõi, tổng hợp số liệu của Kiểm lâm địa phương.
Bên cạnh đó, lợi dụng chủ trương cắt giảm thủ tục hành chính, chủ lâm sản tự kê khai và tự chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của nguồn gốc lâm sản, cơ quan nhà nước chỉ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm; một số đối tượng đã sử dụng hồ sơ lâm sản quay vòng nhiều lần nhằm hợp thức hóa gỗ không có nguồn gốc hợp pháp, gian lận trong thương mại.
Hầu hết các Chi cục Kiểm lâm địa phương đều cho rằng, quy định như hiện nay không thể kiểm soát được nguồn gốc lâm sản, rất dễ bị lợi dụng để hợp thức hóa các lâm sản có nguồn gốc không hợp pháp như: không có quy định về báo cáo khai thác, báo cáo gỗ tồn nên không thể tổng hợp; Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định xác nhận lô gỗ khi xuất khẩu (đối với doanh nghiệp nhóm II) trong khi đó không xác nhận gỗ đầu vào thì không có căn cứ để xác nhận…
Chính vì vậy, trong dự thảo Thông tư mới thay thế Thông tư 27 sẽ rà soát, đánh giá tổng hợp những khó khăn đó nhằm xem xét, đưa vào dự thảo thông tư mới, đảm bảo thực thi hiệu quả việc quản lý, truy xuất nguồn gốc gỗ và lâm sản; thực thi tốt cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Cùng với đó, dự thảo mới sẽ đưa vào các nội dung về việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, chuyển đổi số trong công tác quản lý, phối hợp để thực hiện việc truy xuất nguồn gốc gỗ lâm sản.
Dự thảo Thông tư mới sẽ có 7 chương, 40 điều và 3 phụ lục với nhiều nội dung mới so với Thông tư 27. Trong đó quy định về phân chia đối tượng rừng, khai thác theo 3 loại rừng là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Thứ 2 là quy định về phân loại lâm sản để quản lý theo 2 loại gồm loại rủi ro gồm: lâm sản khai thác từ rừng tự nhiên trong nước, lâm sản nhập khẩu từ quốc gia không thuộc vùng địa lý tích cực… để quản lý chặt chẽ. Loại không rủi ro là những lâm sản nhập khẩu từ vùng địa lý tích cực, lâm sản có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, gỗ rừng trồng. Đối với loại lâm sản này sẽ có cơ chế tạo điều kiện thông thoáng nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất. Thêm nữa là quy định cụ thể về việc đánh dấu mẫu vật và gắn nhãn lâm sản để truy xuất nguồn gốc lâm sản.
“Điểm mới nữa của dự thảo Thông tư so với Thông tư 27 mà chúng tôi thấy rất quan trọng là việc đảm bảo có sự phối kết hợp tốt giữa cơ quan quản lý nhà nước với các chủ rừng, người dân, các doanh nghiệp chế biến gỗ. Từ đây sẽ xây dựng được môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhưng vẫn thực hiện tốt việc quản lý đặc biệt là việc truy xuất nguồn gốc gỗ và lâm sản trên phạm vi cả nước”, ông Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết.
Hải Phong