Góc nhìn pháp lý vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng

Với các hình ảnh từ phóng sự điều tra "Tội ác trong một mái ấm", chuyên gia luật đưa ra các tình huống pháp lý trong vụ việc ngược đãi trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng.

Thông tin mới nhất về vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng

Chiều 5/9, Công an Quận 12 đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Quận 12, Ủy ban nhân dân phường Trung Mỹ Tây tiến hành kiểm tra trực tiếp tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng.

Kết quả kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận cơ sở này đang nuôi dưỡng 86 trẻ em (vượt quá số lượng được cấp phép 47 trẻ), gồm: 15 trẻ sơ sinh; 36 trẻ từ 1-2 tuổi; 31 trẻ từ 3-5 tuổi đang học tại Trường mầm non Sóc Bông (số 18F Quán Tre, phường Trung Mỹ Tây, Quận 12); 3 trẻ từ 6-12 tuổi; 1 trẻ đang điều trị bệnh tại bệnh viện.

Để đảm bảo an toàn cho các trẻ, Quận 12 cũng đề xuất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM bố trí 32 trẻ vào Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em Tam Bình (thành phố Thủ Đức), 36 trẻ vào Làng Thiếu niên Thủ Đức (thành phố Thủ Đức), 15 trẻ vào Làng trẻ em Gò Vấp (Quận Gò Vấp), 2 trẻ được gia đình tiếp nhận và 1 trẻ đang điều trị bệnh tại bệnh viện.

Công an Quận 12 đã mời chủ cơ sở và tất cả các nhân viên đang làm việc tại Mái ấm Hoa Hồng về trụ sở cơ quan Công an để làm việc; đồng thời thu giữ một số tài liệu, vật chứng có liên quan. Qua dữ liệu, chứng cứ thu thập được, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận 12 xác định 5 bảo mẫu có hành vi hành hạ trẻ em.

Tuy nhiên tại thời điểm kiểm tra, chỉ có 2 người có mặt gồm: Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (sinh năm 1978, thường trú ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) và T.M.N (sinh năm 1953; thường trú ở huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau).

Ba trường hợp không có mặt gồm N.T.Q (sinh năm 1983; thường trú ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), Đ.T.K.L (sinh năm 1978; thường trú ở Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) và D.N.T (sinh năm 1977; thường trú ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng).

bao-mau-nguyen-thi-ngoc-cam-tai-co-quan-dieu-tra-pld-1725592838.jpeg
Bảo mẫu Nguyễn Thị Ngọc Cẩm tại cơ quan điều tra.

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Thị Ngọc Cẩm thừa nhận trong quá trình chăm sóc các trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng đã nhiều lần dùng tay đánh vào cơ thể của trẻ để làm các cháu sợ, không quấy khóc.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Quận 12 đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp tiến hành thực nghiệm hiện trường. Căn cứ các tài liệu điều tra thu thập được, hành vi của Nguyễn Thị Ngọc Cẩm đủ yếu tố cấu thành tội "Hành hạ người khác" theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự, Cơ quan điều tra đã ra Quyết định tạm giữ để phục vụ điều tra. Đồng thời, các tổ công tác của Công an Quận 12 và Phòng Cảnh sát hình sự - Công an Thành phố đã nhanh chóng phối hợp Công an các tỉnh để đưa 3 đối tượng còn lại về trụ sở để làm việc.

Hiện Công an Quận 12 đang khẩn trương củng cố chứng cứ để xử lý nghiêm hành vi của các đối tượng.

"Tiếng chuông" cảnh tỉnh bảo vệ an toàn trẻ em

Liên quan đến sự việc bạo hành trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng, trao đổi với Pháp luật và Phát triển, TS.LS Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, nhận định: "Sự việc này là tiếng chuông cảnh tỉnh về hành vi bạo hành trẻ có thể diễn ra ở bất kỳ đâu, kể cả trong những mái ấm tình thương, những nơi thiện nguyện. Với các clip phóng sự điều tra của báo chí thông tin, có đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, xử lý đối với các bảo mẫu nhẫn tâm hành hạ các cháu bé".

Theo ông Cường, đây là vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của em nhỏ, đặc biệt khi Mái ấm Hoa Hồng đang chăm sóc một lượng lớn trẻ em, bao gồm cả trẻ sơ sinh. Luật sư Cường cho rằng, những hành động này đã cấu thành tội "Hành hạ người khác" và cần được khởi tố ngay để trấn an dư luận, mang lại niềm tin cho người dân.

ts-ls-dang-van-cuong-pld-1725592838.jpeg
TS. LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp.

Theo TS.LS Đặng Văn Cường, hành vi đánh đập trẻ em khi các cháu còn ở đội tuổi quá nhỏ, phải chịu đớn đau như “thời Trung cổ” có dấu hiệu của tội "Hành hạ người khác", nếu có thương tích hoặc có thể dẫn đến các cháu tử vong thì có thể xử lý về tội "Giết người". Trong thời gian dài bị "tra tấn", những đứa trẻ này đã bị đớn đau, sợ hãi, hoảng loạn, hoàn toàn có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng về tâm lý, ảnh hưởng sức khỏe lâu dài, thậm chí có thể xâm hại đến tính mạng của trẻ.

TS. LS Đặng Văn Cường viện dẫn Điều 37, Hiến pháp năm 2013 quy định: Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.

Sau Hiến pháp, các văn bản luật như Luật trẻ em, Luật hôn nhân và gia đình, Bộ luật dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật hình sự… đều có các quy định cụ thể hóa nội dung Hiến pháp để bảo vệ quyền trẻ em.

Điều 6 Luật Trẻ em quy định các hành vi bị cấm: Tước đoạt quyền sống của trẻ em; Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ…

Bởi vậy, hành vi bạo hành, bạo lực, đánh đập, hành hạ trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của trẻ em sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

co-quan-dieu-tra-pld-1725592838.jpeg

Theo ông Cường, trong vụ việc nêu trên, cơ quan điều tra sẽ tiến hành thu thập các dữ liệu điện tử từ camera giám sát, thu thập thông tin từ các phóng sự điều tra của phóng viên, lấy lời khai của những người có liên quan, thu thập dấu vết để lại trên hiện trường. Đồng thời, làm rõ mức độ tổn thương cơ thể, thương tích cũng như tổn hại về tâm lý của các cháu bé, làm rõ hành vi bạo hành, động cơ mục đích, nhận thức và đặc biệt làm rõ hậu quả đã gây ra đối với trẻ em ở cơ sở bảo trợ này để xem xét, xử lý.

Những hành vi như dùng đũa, chổi đánh vào người các cháu bé ở độ tuổi còn quá nhỏ, hành vi tát, quăng quật, ném các cháu bé xuống sàn hoàn toàn có thể gây ra thương tích nghiêm trọng đối với các cháu bé.

Vì vậy, cơ quan điều tra sẽ tiến hành trưng cầu giám định thương tích, xác định hậu quả của hành vi bạo hành làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp kết quả xác minh, giám định cho thấy đã có cháu bé bị thương tích, dù dưới 11%, cơ quan điều tra cũng có thể khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với bảo mẫu có hành vi đánh đập cháu bé về tội "Cố ý gây thương tích" theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự, với hình phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 20 năm tù hoặc chung thân.

Còn trường hợp các cháu bé không có thương tích, hậu quả chỉ là tổn thương tâm lý, vẫn có thể xử lý hình sự đối với các bảo mẫu thực hiện hành vi về tội "Hành hạ người khác" theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự do hành vi đối xử tàn ác với người lệ thuộc, với hình phạt thấp nhất là 3 tháng, cao nhất 3 năm tù.

"Trẻ em cần được bảo vệ, chăm sóc bởi những người lớn có đạo đức, có tình yêu thương và có kỹ năng, nghiệp vụ. Vì vậy, ngoài việc làm rõ nguyên nhân, xử lý những người liên quan, cơ quan chức năng cần xem xét trách nhiệm trong công tác quản lý cơ sở bảo trợ xã hội này" - ông Cường nhấn mạnh.