Hai cao tốc vành đai 7 tỷ USD ở Hà Nội và TP.HCM được đầu tư thế nào?

Chính phủ đang đứng trước cơ hội được Quốc hội xem xét, thông qua hai "siêu dự án" cao tốc vành đai với tổng mức đầu tư 7 tỷ USD.

Hai dự án vành đai 4 Hà Nội và vành đai 3 TP.HCM đang được Quốc hội thảo luận để cân nhắc thông qua chủ trương đầu tư.

Chính phủ dự kiến thời gian thực hiện 2 dự án từ năm 2022 và hoàn thành vào năm 2027. Dự án sẽ được giải phóng mặt bằng đảm bảo quy mô 6-8 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành. Ở giai đoạn 1 sẽ đầu tư 4 làn xe cao tốc hạn chế, vận tốc 80 km/h và đường song hành.

Cao tốc vành đai có thu phí

Theo phương án trình Quốc hội, Chính phủ sẽ đầu tư toàn bộ tuyến vành đai 3 TP.HCM bằng ngân sách với tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng, đồng thời góp ngân sách vào dự án vành đai 4 Hà Nội (theo cơ chế BOT) với mức góp là 56.366 tỷ đồng.

Như vậy, Nhà nước sẽ phải bố trí tổng cộng 5,7 tỷ USD cho cả 2 dự án, tương đương chi phí xây 7 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hoặc 30 cây cầu Thủ Thiêm 2.

trinh quoc hoi du an vanh dai anh 1

Dự án vành đai 3 TP.HCM sẽ tổ chức thu phí, khác với tuyến vành đai 3 Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tân.

Một điểm mới xuất hiện tại 2 dự án này là Chính phủ sẽ áp dụng thu phí cao tốc vành đai - điều đã không được áp dụng với tuyến cao tốc vành đai 3 Hà Nội.

Cụ thể, dự án cao tốc vành đai 4 Hà Nội sẽ được đầu tư theo phương thức BOT và thu phí hoàn vốn trong 21 năm. Công nghệ thu phí được áp dụng là ETC (thu phí điện tử không dừng).

Đối với vành đai 3 TP.HCM, việc thu phí sẽ được triển khai sau khi hoàn thiện cơ chế thu phí dự án do Nhà nước đầu tư. Do không phải dự án BOT, dự án sẽ không chịu áp lực hoàn đủ vốn. Chính phủ có thể chủ động về thời gian thu và giá vé phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.

Trước đó, cao tốc vành đai 3 Hà Nội được đầu tư bằng vốn ngân sách và không thu phí hoàn vốn. Ưu đãi này đã giúp người dân, doanh nghiệp địa phương có điều kiện phát triển kinh tế, tiết kiệm chi phí logistics khi thụ hưởng các công trình giao thông.

Tuy nhiên, việc không thu phí cộng với tốc độ gia tăng xe cá nhân quá nhanh đã khiến cao tốc vành đai 3 Hà Nội thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Mặc dù là cao tốc, phương tiện không thể di chuyển được với tốc độ cao như thiết kế.

Chia nhỏ thành nhiều dự án thành phần

Theo báo cáo của Chính phủ, dự án vành đai 3 TP.HCM dài 76,34 km, gồm đoạn qua TP.HCM dài 47,51 km, Đồng Nai 11,26 km, Bình Dương 10,76 km và Long An 6,81 km. Khối lượng giải phóng mặt bằng của vành đai 3 TP.HCM là 642,7 ha, ít hơn dự án vành đai 4 Hà Nội, nhưng kinh phí lại cao hơn rất nhiều, rơi vào khoảng 41.500 tỷ đồng.

trinh quoc hoi du an vanh dai anh 2

Dự án vành đai 3 TP.HCM.

Dự án sẽ được đầu tư công hoàn toàn với tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là 75.378 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương góp 38.741 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 36.637 tỷ đồng. Dự án sẽ được chia thành 8 dự án thành phần, tách riêng phần giải phóng mặt bằng theo địa giới từng địa phương.

Dự án vành đai 4 Hà Nội có tổng chiều dài 112,8 km, gồm 103,1 km đường vành đai và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Công trình đi qua các địa phận gồm Hà Nội (58,2 km), Hưng Yên (19,3 km), Bắc Ninh (25,6 km và tuyến nối 9,7 km).

Dự án sẽ được đầu tư công kết hợp với đối tác công tư PPP, chia thành 7 dự án thành phần. Trong đó, phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng đường song hành sẽ được đầu tư công. Riêng hệ thống đường cao tốc toàn tuyến (dự án thành phần 3) triển khai theo hình thức BOT, giao UBND Hà Nội là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong nước.

Sơ bộ mức đầu tư đường vành đai 4 (giai đoạn 1) là 85.813 tỷ đồng. Trong đó, 28,173 tỷ đồng sẽ huy động từ ngân sách Trung ương, 28.193 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và vốn BOT là 29.447 tỷ đồng. Qua nghiên cứu, Bộ GTVT khẳng định dự án vành đai 4 đảm bảo hiệu quả tài chính, thời gian thu phí hoàn vốn của nhà đầu tư BOT là 21 năm.

Tổng nhu cầu sử dụng đất của vành đai 4 Hà Nội khoảng 1.341 ha, kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 19.590 tỷ đồng.