Chuyến bay mở đầu cho kế hoạch khôi phục đường bay quốc tế
Chuyến bay VN853 của Vietnam Airlines từ TP Hồ Chí Minh của Việt Nam đi Phnôm Pênh (Campuchia) cất cánh lúc 15 giờ 45 phút chiều 1/1/2022 là chuyến bay mở đầu cho kế hoạch khôi phục đường bay quốc tế của hãng, được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Ngày 6/1/2022, chuyến bay VN5310 từ Hà Nội đi Tokyo (sân bay Narita, Nhật Bản) cũng sẽ được Vietnam Airlines khai thác, với mức giá chiều đi từ 512 USD, chiều về từ 690,5 USD (đã bao gồm thuế phí).
Đại diện Vietjet cũng thông tin, từ ngày 1/1/2022, hãng đã khai thác trở lại các đường bay quốc tế đến Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore. Cụ thể, đường bay kết nối Hà Nội với Tokyo (Narita, Nhật Bản) được khai thác từ ngày 1/1/2022, với tần suất 1 chuyến khứ hồi vào thứ Năm hàng tuần. Đường bay Hà Nội - Đài Bắc (Đài Loan) khai thác 1 chuyến khứ hồi vào ngày thứ Bảy hàng tuần, đường bay TP Hồ Chí Minh - Đài Bắc (Đài Loan) sẽ khai thác 1 chuyến khứ hồi vào ngày thứ Tư hàng tuần. Từ ngày 9/1/2022, hãng cũng sẽ khai thác trở lại đường bay TP Hồ Chí Minh - Singapore, với 1 chuyến khứ hồi mỗi tuần vào ngày Chủ nhật. Các đường bay kết nối Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với Seoul (Incheon, Hàn Quốc), Bangkok (Thái Lan) cũng sẽ được hãng khai thác ngay khi được sự chấp thuận của nhà chức trách các nước.
Trong khi đó, theo đại diện Bamboo Airways, hãng đã chuẩn bị kế hoạch, nguồn lực để khai thác các đường bay quốc tế đến các thị trường trọng điểm của Việt Nam. Trước mắt trong giai đoạn đầu, Bamboo Airways sẽ khai thác tối đa theo tần suất được Cục Hàng không Việt Nam phân bổ. Sau đó, hãng tiến tới bay quốc tế thường lệ hàng ngày và mở thêm nhiều tuyến bay quốc tế mới trong giai đoạn tiếp theo khi điều kiện cho phép. Ở giai đoạn 1, Bamboo Airways dự kiến khai thác các chuyến bay thẳng tới Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Trong giai đoạn 2, hãng dự sẽ khai thác đường bay thẳng đến Đức, Úc… Ngoài ra, Bamboo Airways cũng sẵn sàng mở rộng các đường bay thẳng đến Nhật Bản, Úc, Anh và đặc biệt là Mỹ (TP Hồ Chí Minh - San Francisco/Los Angeles).
Theo Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không (VABA) Bùi Doãn Nề, trong giai đoạn 1 (từ ngày 1/1/2022), Hàng không Việt Nam sẽ thí điểm tổ chức các chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và các thị trường có hệ số an toàn cao. Những tín hiệu tích cực của ngành Hàng không trong năm 2022 được thể hiện bằng việc đường bay quốc tế được khôi phục ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới.
"Thực tế, nếu Việt Nam tiếp tục đóng cửa bầu trời, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ phá sản. Còn nếu mở cửa quá chậm, năng lực cạnh tranh sẽ giảm mạnh so với các doanh nghiệp nước ngoài và khả năng phục hồi của thị trường cũng sẽ chậm hơn. Để đảm bảo mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo phòng dịch, việc lựa chọn những thị trường từ các quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt, có tỷ lệ tiêm vaccine cao như đề xuất của Bộ GTVT là hợp lý", ông Bùi Doãn Nề cho hay.
Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA) cũng dự báo, năm 2022, khu vực châu Á cũng sẽ phục hồi dần, tuy nhiên tốc độ phục hồi còn chậm hơn châu Âu và Bắc Mỹ. Vận tải hàng không sẽ quay về mức 70 - 75% so với giai đoạn năm 2019 trước khi có dịch COVID-19, trong đó, vận tải quốc tế sẽ đạt khoảng 20 - 25% so với trước dịch và tăng dần vào quý IV/2022.
Điều kiện để mạng lưới hàng không nội địa phát triển
Dự thảo Quy hoạch mới nhất vừa được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt có cập nhật một số nội dung trong thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 24/12/2021 về cuộc họp Thường trực Chính phủ về quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong quy hoạch, Bộ GTVT đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng sản lượng hành khách thông qua các sân bay khoảng 275,9 triệu hành khách và khoảng 4,1 triệu tấn hàng hóa. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không giai đoạn 2022 - 2030 khoảng 400.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 22% nhu cầu vốn đầu tư toàn ngành), được huy động nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch VABA cho biết, năm 2022, dịch COVID-19 vẫn sẽ tác động bất lợi đến hoạt động của các doanh nghiệp hàng không. Từ cuối năm 2021, các hãng hàng không đều lâm vào tình trạng doanh thu giảm 80 - 90%, dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng, các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy cạn kiệt. Bên cạnh đó, sự thay đổi thói quen, thị hiếu của khách du lịch đã hình thành và phát triển trong thời gian giãn cách xã hội kéo dài.
Trước những khó khăn trên, VABA đề xuất Bộ GTVT sớm phục hồi và phát triển thị trường hàng không trong nước; mở rộng các đường bay quốc tế theo kế hoạch; đồng thời, kiến nghị không hạn chế đối tượng khách và mục đích đi lại của du khách quốc tế vào Việt Nam, chỉ yêu cầu khách có visa, hộ chiếu hợp lệ, đáp ứng đủ các yêu cầu về phòng chống dịch theo quy định của Nhà nước Việt Nam.
Đáng chú ý, VABA cũng kiến nghị Bộ GTVT cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hàng không tiếp cận các nguồn tín dụng để cải thiện và duy trì tính thanh khoản bền vững; tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu hàng không xuống mức tối thiểu trong khung thuế mà Quốc hội đã quy định (1.000 đồng/lít) và tiếp tục giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp hàng không cho tới hết 31/12/2022./.