Hỗ trợ ngành hàng không là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tín dụng cuối năm 2021

Sơn Hải

11/10/2021 20:03

Theo dõi trên

Trước bối cảnh ngành hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID -19. Gói tín dụng ưu đãi trợ lực cho ngành hàng không đang được các cơ quan chức năng xúc tiến triển khai. Đây cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp thị trường hàng không phục hồi sau thời gian dài ngừng trệ.

Việc dành gói tín dụng hỗ trợ lãi suất cho các ngành hàng không là rất cần thiết. Bởi, đây là những doanh nghiệp đóng góp nhiều cho ngân sách, đặc biệt có sức lan tỏa sâu rộng cho nền kinh tế. Tại cuộc làm việc giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với một số bộ, ngành, các ngân hàng thương mại và hãng hàng không diễn ra chiều 28/9, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: NHNN sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính để đề xuất gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không và trình Chính phủ phê duyệt.

Theo TS Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, giãn cách xã hội làm hoạt động của các hãng hàng không bị đình trệ, thiệt hại nặng nề. Số lượng chuyến bay và hành khách 6 tháng đầu năm 2021 giảm 60-70% so với thời điểm trước khi xuất hiện dịch COVID -19. Từ cuối tháng 5-2021 đến nay, doanh thu ngành hàng không giảm 80-90%. Trong khi đó, các đường bay thương mại trong nước và quốc tế đều đang tạm dừng, chờ kế hoạch mở lại.

Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho biết, hiện nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất Việt Nam đã lên tới 36.000 tỷ đồng (riêng Vietnam Airlines là 20.000 tỷ đồng). Nhu cầu tín dụng để trang trải những khoản nợ của các hãng hàng không đang rất lớn. Trong đó, Vietnam Airlines cần hỗ trợ vốn vay ưu đãi 10.000-12.000 tỷ đồng để cân đối dòng tiền. Vietjet đề nghị hỗ trợ khoản vay tín dụng hơn 10.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn từ các ngân hàng thương mại như đã áp dụng với Vietnam Airlines và khoản tín dụng ưu đãi lãi suất thời gian từ 3 đến 4 năm. Các hãng hàng không khác như Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines cũng mong muốn được vay ưu đãi để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tổng nhu cầu tín dụng ưu đãi theo đề xuất của các doanh nghiệp hàng không là hơn 30.000 tỷ đồng.

san-bay-noi-bai-1633662355549920192972

Gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ hàng không cần cấp bách triển khai (Nguồn: Internet)

Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề xuất hai gói ưu đãi, trước hết là áp dụng cơ chế tái cấp vốn vay với lãi suất 0% như đã áp dụng với Vietnam Airlines cho các hãng hàng không khác, với quy mô vốn từ 4.000 tỷ đồng, thời hạn tối đa 3 năm. Đồng thời cho phép các hãng hàng không thuộc hiệp hội được vay gói hỗ trợ ưu đãi 30.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất 4%, thời hạn từ 3 đến 4 năm.

Tại buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Thường trực NHNN đánh giá, các hãng hàng không đang rất khó khăn. Tuy nhiên, dư địa phát triển của các hãng bay trong nước tương đối khả quan, nếu được bay, các hãng sẽ có dòng tiền và khả năng hồi phục phát triển sau dịch. NHNN sẽ xem xét, điều chỉnh nới room (tăng tỷ lệ) tăng trưởng tín dụng cho tổ chức tín dụng để cho vay thêm với các doanh nghiệp trong ngành hàng không. Đối với các nội dung vượt thẩm quyền của NHNN (gói tín dụng với lãi suất ưu đãi từ nguồn tái cấp vốn để cho các hãng hàng không vay), NHNN ủng hộ về chủ trương và đề nghị các bộ, ngành báo cáo, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ để có cơ sở pháp lý thực hiện.

Hiện nay, các bộ, ngành đang phối hợp nghiên cứu để trình Chính phủ gói tín dụng ưu đãi lãi suất (ngân sách cấp bù lãi suất) cho các hãng hàng không. Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, dư nợ tín dụng ngành hàng không hiện tại là 24.000 tỷ đồng với khoảng 3/4 là lãi suất ưu đãi ở mức 5%/năm. Việc ngành hàng không đề xuất cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng nữa, tổng sẽ ở mức hơn 50.000 tỷ đồng, con số này không lớn so với quy mô tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Lãnh đạo NHNN đề nghị các tổ chức tín dụng tập trung tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tín dụng từ nay đến cuối năm 2021. Đồng thời tiếp tục cơ cấu lại nợ theo tinh thần tích cực nhất, sử dụng tối đa thời gian được quy định cho tất cả khoản vay, chủ động và có sự mạnh dạn nhất định trong việc cố gắng giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp hàng không.

Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN cũng bày tỏ: Ngân hàng cũng là một ngành kinh tế, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, các ngân hàng hiện cũng rất khó khăn. Bên cạnh đó, về điều hành vĩ mô của NHNN thời điểm này rất lo lắng, không phải ngay hôm nay mà là trung hạn trong mấy năm tới. Lạm dụng quá chính sách tiền tệ quốc gia sẽ phải trả giá đắt nếu lạm phát không kiểm soát được.

Bạn đang đọc bài viết "Hỗ trợ ngành hàng không là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tín dụng cuối năm 2021" tại chuyên mục Kinh tế. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com