Những tưởng việc tắt micro và ngồi thừ cả buổi, nhu cầu sắp xếp đầy sách vở lên kệ sách làm phông nền, nỗi sợ hãi có thể xảy ra một sự cố nào đó - đã đủ khiến chúng ta mệt mỏi, nhưng TS Melanie Brucks (trợ lý giáo sư tại Đại học Columbia, New York) và TS Jonathan Levav - một đồng nghiệp của cô tại ĐH Stanford - mới đây phát hiện ra rằng Zoom còn cản trở khả năng sáng tạo của người dùng.
Hai nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu này từ trước khi đại dịch xảy đến. Họ tuyển hơn 600 tình nguyện viên và ghép thành nhóm để cùng nhau giải quyết một nhiệm vụ đòi hỏi tính sáng tạo. Một số tình nguyện viên sẽ trao đổi công việc trực tiếp, số còn lại thì qua Zoom.
Các nhóm có 5 phút để đưa ra những cách sử dụng sáng tạo đĩa ném Frisbee hoặc bọc bong bóng và một phút để lựa ra một ý tưởng tốt nhất. Các nhà khoa học nhận thấy nhóm làm việc trực tiếp có nhiều ý tưởng mới lạ hơn. Chẳng hạn, ý tưởng biến Frisbee thành đĩa ăn có phần kém sáng tạo hơn việc dùng nó để ném cho quả trên cây rơi xuống, ý tưởng dùng màng bọc bong bóng để gửi tin nhắn mã morse thì sáng tạo hơn việc dùng nó làm bọc bảo vệ em bé. Nhìn chung, những người làm việc qua Zoom đưa ra ít ý tưởng hơn 20% so với những người gặp mặt trực tiếp.
Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy hiệu ứng tương tự trong những trường hợp thực tế. Họ phân tích các ý tưởng về những sản phẩm mới do 1.490 kỹ sư của một công ty đa quốc gia tạo ra. Các kỹ sư ở Phần Lan, Hungary, Ấn Độ, Israel và Bồ Đào Nha được ghép cặp ngẫu nhiên. Mỗi cặp sẽ có một giờ đồng hồ hoặc lâu hơn để cùng suy nghĩ về sản phẩm - trực tiếp hoặc trực tuyến qua Webex. Sau đó, họ chọn ra ý tưởng tốt nhất của mình.
Trong một bài báo trên Nature, nhóm nghiên cứu cho biết các kỹ sư làm việc trực tiếp đã tạo ra nhiều ý tưởng hơn. “Không chỉ nhiều hơn về mặt số lượng, các ý tưởng tốt nhất của họ còn sáng tạo hơn", Brucks chia sẻ. Trong nghiên cứu này, các kỹ sư đã đạt trạng thái tốt nhất khi được động não trong văn phòng cùng nhau.
Các thí nghiệm chuyên sâu cũng chứng thực mối liên hệ giữa khả năng sáng tạo với tần suất mọi người nhìn xung quanh căn phòng - nơi có các đồ vật khác lạ như áp phích in hình bộ xương hay một bát đựng đầy chanh. Brucks nhận định trong những cuộc gọi Zoom, mọi người chỉ tập trung vào màn hình và khuôn mặt của bản thân trên Zoom, điều này hạn chế khả năng suy nghĩ sáng tạo.
“Tiêu điểm thị giác là một cấu phần quan trọng làm nên khả năng tập trung của nhận thức. Khi bạn nhìn chằm chằm vào một điểm trong màn hình mà không đoái hoài đến phần còn lại xung quanh, nó sẽ ảnh hưởng đến cách bạn tiếp cận nhiệm vụ", Brucks lý giải. “Điều này đặc biệt không tốt cho sự sáng tạo vì nó ngăn cản chúng ta mở rộng cái nhìn khám phá".
Không thể phủ nhận họp trực tuyến giúp con người thảo luận cùng nhau bất chấp múi giờ, giảm thiểu nhu cầu đi lại, tiết kiệm chi phí, song những phát hiện này là cơ sở để các công ty cân nhắc có nên quay trở lại làm việc ở văn phòng hay không. Brian Uzzi, giáo sư Đại học Northwestern ở Illinois, cho rằng các lãnh đạo nên tính toán để có lựa chọn phù hợp, bởi chuyển sang làm từ xa cũng đồng nghĩa với việc các công ty sẽ “định hình lại vĩnh viễn cách thức vận hành văn phòng và lịch làm việc".
Trong bài báo, Brucks cũng đề xuất các công ty dành những nhiệm vụ yêu cầu tính sáng tạo cho các cuộc họp trực tiếp; hoặc nhân viên có thể tắt camera khi cần động não suy nghĩ ý tưởng. “Tôi nghĩ điều này sẽ giúp chúng ta tư duy cởi mở hơn", cô gợi ý.
Nguồn: