Hãy tưởng tượng, doanh nghiệp Việt Nam như một cỗ xe đang đi trên con đường đổi mới sáng tạo, thì phía trước họ là một chướng ngại vật lớn mang tên “không có nhân lực phù hợp”, phía sau, họ cầu cứu “bàn tay chính sách” đẩy giúp một quãng đường, nhưng rất tiếc, bàn tay này cũng không biết phải đẩy như thế nào cho đúng. Thành ra, chiếc xe vẫn loay hoay và chẳng nhúc nhích được là bao…
Cách đây hai năm, World Bank từng phối hợp với Học viện Khoa học, công nghệ và Đổi mới Sáng tạo tổ chức hội thảo “Tham vấn về các vấn đề, chính sách và ưu đãi các hoạt động Đổi mới sáng tạo của khu vực tư nhân”. Diễn giả chính của buổi hội thảo là các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp công nghệ đổi mới sáng tạo cao như TP Bank và MoMo, hai công ty tiên phong trong công nghệ tài chính hay Grab, công ty xe ôm công nghệ đầu tiên có mặt ở Việt Nam. Các công ty này phàn nàn rằng suốt hàng năm trời, họ không thể thuê đủ số người phù hợp, đặc biệt là những người có khả năng quản lý những dự án lớn dành cho hàng trăm nghìn đến hàng chục triệu người dùng. Lúc bấy giờ, người đứng đầu Grab Việt Nam còn nhấn mạnh họ cần thêm ít nhất 200 kĩ sư nữa và lường trước rằng rất khó tuyển.
Các tác giả Báo cáo Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam mới được World Bank công bố gần đây đã thực hiện khảo sát với hơn 200 doanh nghiệp tại năm tỉnh thành Hà Nội, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Bình Dương, thuộc lĩnh vực sản xuất và công nghệ thông tin, bao gồm từ công ty đòi hỏi trình độ đổi mới sáng tạo từ thấp đến cao, cả công ty do nhà nước sở hữu lẫn công ty tư nhân. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp có nhân lực với trình độ chuyên môn và cảm xúc- xã hội càng cao thì doanh nghiệp đó càng mạnh mẽ trong việc tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, thiếu hụt lao động có kĩ năng là một trong hai vấn đề mà nhiều doanh nghiệp được khảo sát đau đầu nhất (22%).
Người không đủ giỏi để đổi mới sáng tạo
Không chỉ có các công ty công nghệ đột phá như TP Bank, MoMo, Grab mới gặp khó khăn mà theo báo cáo, các doanh nghiệp đổi mới ở mức trung bình còn chật vật hơn trong việc tuyển dụng. Đáng chú ý là các doanh nghiệp đặc biệt “khát” những nhân sự có kĩ năng mềm: Gần 2/3 doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn trong việc tìm được người có kĩ năng lãnh đạo và hơn một nửa doanh nghiệp khó tìm người có kĩ năng xã hội-cảm xúc, được hiểu là những khả năng quản lý cảm xúc, vừa có thể làm việc độc lập nhưng cũng vừa liên kết và hợp tác tốt với người khác.
Một phần lớn đầu tư vào khoa học công nghệ ở Việt Nam vẫn đến từ Nhà nước, khác với các nước xung quanh như Malaysia hay Trung Quốc, nơi đóng góp vào R&D chủ yếu đến từ khối tư nhân. “Có ít công ty ở Việt Nam đầu tư vào đổi mới sáng tạo, vấn đề này liên quan đến việc thiếu hụt người Việt có đủ các kĩ năng chuyên môn cũng như kĩ năng xã hội-cảm xúc” – Ông Kurt Larsen, một trong số những tác giả của báo cáo nói với phóng viên Khoa học và Phát triển.
Giáo dục của Việt Nam ít coi trọng kĩ năng mềm trong khi đây lại là kĩ năng nếu bị bỏ lỡ từ nhỏ, sẽ khó “tìm lại” khi đã trưởng thành. Đây cũng là kĩ năng đòi hỏi nhiều sự “khéo léo” trong đào tạo bởi không thể học qua sách vở, cũng không thể “bồi dưỡng cấp tốc”. Theo báo cáo, đa số các kĩ năng xã hội – cảm xúc được trui rèn trong suốt đời người nhưng cũng có nhiều kĩ năng định hình ở khoảng giữa thời thơ ấu và thành niên. Các chính sách thúc đẩy kĩ năng xã hội – cảm xúc, bởi vậy cần phải tính đến phát triển kĩ năng này cho người học cả ở giáo dục tiểu học và trung học cơ sở.
Theo ông Larsen, “Đây không phải là vấn đề đọc thêm một quyển sách, ví dụ, ở trường, một đứa trẻ phải làm việc trong nhóm, không phải chỉ với các thầy cô mà với những đứa trẻ khác để tạo ra một sản phẩm có tính giáo dục, hay để giải quyết các vấn đề trong đời sống hằng ngày”.
Hơn nữa, học sinh sẽ hình thành các kĩ năng này không chỉ ở trên lớp mà còn trong các hoạt động ngoại khóa, không chỉ ở trường mà còn trong gia đình. “Hệ thống giáo dục không thể làm được tất cả mọi việc, Gia đình cũng phải cho con cái mình không gian và cơ hội [để thực hành các kĩ năng đó]” – ông Larsen nói thêm.
Trong thời kì công nghệ thay đổi như vũ bão hiện nay, một trong những kĩ năng mềm cần thiết hầu như không xuất hiện trong chương trình học, đó là kĩ năng số (digital literacy). Cần chú ý rằng, đây không phải là kĩ năng sử dụng phần mềm trong công việc mà là khả năng đặt câu hỏi và phản biện với những thông tin trên môi trường internet. Ông Larsen cho biết, “Người Việt Nam mới chỉ sử dụng máy tính như một công cụ kĩ thuật hơn là thứ để bồi dưỡng kiến thức”. Theo một khảo sát của Unicef công bố vào đầu năm nay, kĩ năng số của người Việt xếp sau nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Việc thiếu hụt kĩ năng này có khả năng đang ảnh hưởng đến nghề nghiệp của người trẻ Việt Nam hiện nay. Một báo cáo đánh giá về kĩ năng nghề nghiệp để nâng cao tay nghề cho thanh thiếu niên ra mắt vào tháng 11 vừa qua, do viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRI) và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra một nghịch lí rằng, người trẻ từ 15-24 tuổi mặc dù có khả năng sử dụng công nghệ cao nhất so với các nhóm tuổi khác nhưng hiện nay chủ yếu (lên tới 60%) vẫn ở khu vực phi chính thức, bấp bênh và làm những công việc giản đơn mà máy móc có thể thay thế.
Bên cạnh kĩ năng mềm, trình độ chuyên môn của sinh viên, học sinh Việt Nam cũng đáng lo ngại. Gần 70% doanh nghiệp được hỏi trong báo cáo cho biết mình gặp khó khăn trong việc tuyển dụng người đủ kĩ năng nghề nghiệp. Số lượng người học đại học và trường nghề không chỉ yếu mà còn thiếu. So với các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, tỉ lệ nhập học của bậc học này là 50% trong khi ở Việt Nam con số này chỉ là 30%. Báo cáo đề xuất rằng, các trường đại học và dạy nghề của Việt Nam không nên chỉ thu hút những người trẻ 20 tuổi mà cả những người ngoài 35, thậm chí là 50 tuổi.
Giáo dục phổ thông của Việt Nam có thể đầy hứa hẹn: xếp hạng PISA của Việt Nam ở môn khoa học có năm xếp thứ 8 trên thế giới, vượt qua cả Anh Quốc. Rất tiếc là đến giáo dục sau phổ thông không thể duy trì được tiềm năng đó. Các tác giả báo cáo cho rằng đó là bởi giáo dục đại học không được đầu tư đúng mức. Đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo bị chia nhỏ và cào bằng giữa các cơ sở nghiên cứu, hơn nữa phía viện còn nhận được nhiều tài trợ hơn phía trường. Thành ra “rất khó để tạo ra một lực lượng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo đủ nhiều và đủ mạnh”, theo ông Larsen.
Chính sách mất phương hướng?
Nếu như nội lực yếu khiến doanh nghiệp rụt rè không dám đổi mới sáng tạo thì nhà nước cần tạo ra một cú hích. Nhưng theo báo cáo, cú hích đó đang bị “trượt”, tức là đối tượng hưởng lợi của các chương trình, chính sách hỗ trợ không phải là những người cần nhất và những gì chính sách cung cấp, không phải là những gì doanh nghiệp muốn.
Bà Asya Akhlaque, đồng tác giả báo cáo cho biết, nhóm nghiên cứu đã rà soát gần 130 chương trình khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của Việt Nam, không chỉ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ mà trong tất cả các bộ. “Kết quả rõ ràng rằng các chính sách của chính phủ vẫn tập trung nhiều vào khoa học và công nghệ chứ không phải là đổi mới sáng tạo”.
“Các công ty không thể cứ mua máy móc về là nó tự chạy. Họ cần hiểu thiết bị đó vận hành thế nào” – bà Akhlaque nói. Thực tế, những người làm chính sách vẫn “tâm niệm” rằng đổi mới sáng tạo phải là R&D mà không mở rộng khái niệm này tới việc hấp thụ và ứng dụng những công nghệ đã có sẵn ở các nền khoa học và công nghiệp tiên tiến hơn. Điều này cũng phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam vốn ở trình độ kiến thức và kĩ năng khiếm tốn mà theo báo cáo là chưa đủ để thực hiện các hoạt động R&D.
Bởi vậy, phần lớn đối tượng hưởng lợi các chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của chính phủ là các viện nghiên cứu, trường đại học và các nhà khoa học với gần 32%, doanh nghiệp chỉ chiếm hơn 21%. Điều đáng tiếc là các chương trình này cũng không hướng tới việc tạo ra liên kết giữa viện – trường – doanh nghiệp, tận dụng nhà nghiên cứu trong trường đại học nâng cao năng lực cho doanh nghiệp cũng như xây dựng các chương trình giảng dạy gắn liền với thực tiễn hơn.
Khi các chính sách vươn tới doanh nghiệp, thì doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất lại là các công ty, tập đoàn đa quốc gia. Báo cáo cho rằng chương trình khuyến khích R&D trong các doanh nghiệp lớn thông qua miễn, giảm thuế là chương trình có giá trị lớn nhất. Nhà nước đã “từ bỏ” hơn 900 triệu USD thuế doanh nghiệp trong chương trình này vào năm 2017. Tuy nhiên, sự hào phóng này không giúp gì doanh nghiệp trong nước, cụ thể hơn là không tăng được liên kết nào giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, có trình độ cao về công nghệ với nền kinh tế nội địa. Kể cả những chương trình tài trợ R&D trực tiếp cho doanh nghiệp nhỏ thì cũng không đủ để có những “kết quả ý nghĩa, có tác động trên toàn quốc”. Tổng kinh phí cho những chương trình này ở Việt Nam vào năm 2017 là khoảng 69 triệu USD, thấp chỉ bằng khoảng ¼ con số của Philippines. Hơn nữa, nếu tài trợ cho các startup, các chương trình thường có thiên hướng dành cho các spin-offs từ trường đại học hơn là các đơn vị tư nhân bên ngoài.
Năng lực thiết kế và thực thi các chương trình khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam cũng nhiều điểm yếu. Các tác giả báo cáo đánh giá 31 khía cạnh năng lực này của Việt Nam trên thang điểm từ 1-5 (từ kém đến tốt nhất) thì hầu hết đều không vượt quá ba điểm, thực thi chính sách được điểm thấp nhất – 2 điểm. Vì lẽ này mà giá trị hỗ trợ trung bình trên mỗi chương trình của Việt Nam tương đối cao – gần 80 nghìn USD/dự án nhưng đầu ra không rõ thành quả và tầm ảnh hưởng.
Bà Akhlaque cho biết, báo cáo không nhằm mục tiêu tăng đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mà hướng đến việc sử dụng nguồn lực hiện tại một cách hiệu quả nhất. Báo cáo gợi ý mục tiêu hàng đầu hiện nay của những chương trình khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nâng cao năng lực của các doanh nghiệp, chẳng hạn như năng lực hấp thụ và cải tiến công nghệ, năng lực quản trị, năng lực kết nối với mạng lưới chuyên gia, viện nghiên cứu, trường đại học. “Thông điệp mà chúng tôi đưa ra là các bạn sẽ làm gì với những chương trình mà các bạn đang có? Làm thế nào để tái định hướng các chương trình này hỗ trợ một số khía cạnh đặc biệt của các doanh nghiệp vừa và nhỏ? Và rồi làm thế nào để thiết kế lại các chương trình này để đạt được đúng mục tiêu mình cần?” – Bà nói.