Bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội

28/03/2023 10:43

Theo dõi trên

Theo thống kê, tính đến tháng 4/2021, dân số Việt Nam đạt 98,2 triệu người, trong đó có 12,5 triệu người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên (12,8%); 8,1 triệu người từ 65 tuổi trở lên (8,3%); và gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên (2%). Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, với tỷ lệ người cao tuổi chiếm 10% dân số và dự báo đến năm 2036 sẽ chuyển sang dân số già

4-01-8959-1679900869-1679974915.jpg

Khám sức khỏe cho người cao tuổi tại Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công TP Hà Nội. (Ảnh NGUYỄN ÐĂNG)

Trong tổng thể chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho nhóm người cao tuổi, việc xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội để người lao động sau này có lương hưu khi hết tuổi lao động… là những yếu tố quan trọng để bảo đảm an sinh.

Những thay đổi quan trọng

Mới đây, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung một nội dung quan trọng, đó là: Bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội bên cạnh tầng bảo hiểm xã hội cơ bản (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện), tầng bảo hiểm hưu trí bổ sung hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, đồng thời bổ sung quy định về liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng bảo hiểm xã hội cơ bản nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng quy định đối tượng công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm. Quy định này kế thừa một phần quy định về trợ cấp hằng tháng đối với người cao tuổi đang được thực hiện theo quy định tại Luật Người cao tuổi. Ðồng thời, dự thảo Luật giao Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Quy định này kỳ vọng sẽ giúp tăng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội để dần hướng đến mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Việc quy định giao Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội cũng giúp linh hoạt, phù hợp hơn với tình hình, xu hướng phát triển của đất nước, khi mà đời sống kinh tế-xã hội chung của đất nước được nâng lên, người dân có được sự thụ hưởng tốt hơn các chính sách an sinh xã hội từ nhà nước.

Đề xuất tăng mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng

Theo đó, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung Chương III về trợ cấp hưu trí xã hội, trong đó quy định: Công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm. Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội được nâng từ 360.000 đồng/người/tháng hiện hành lên 500.000 đồng/người/tháng.

Ngoài ra, người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật. Người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng với mức 10 triệu đồng. Chính phủ quy định việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng và trợ cấp mai táng trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước.

Ðánh giá tác động của việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này, cơ quan soạn thảo cho rằng, theo đề xuất trong dự thảo, mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội được nâng từ 360.000 đồng/người/tháng lên 500.000 đồng/người/tháng, thì khoản kinh phí phát sinh thêm ước tính khoảng hơn 2,2 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Số này chưa bao gồm kinh phí phát sinh khi mua thẻ bảo hiểm y tế, việc gia tăng đối tượng thuộc diện được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng năm, việc điều chỉnh mức hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trong trường hợp thực hiện điều chỉnh như đối với việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng như hiện hành.

Bên cạnh đó, trong dự thảo, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất đối với người đủ 60 tuổi trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, nếu có nguyện vọng thì sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng trong khoảng thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, với mức trợ cấp bằng 500.000 đồng/tháng.

Bạn đang đọc bài viết "Bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội" tại chuyên mục Dân sinh. Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0775.198.669 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com