Đặt mục tiêu lãi thấp nhất 10 năm
Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) vừa công bố văn kiện Đại hội đồng cổ đông thường niên niên độ tài chính 2022- 2023, bắt đầu từ 1.10.2022 và kết thúc vào 30.9.2023, đề cập đến các phương án kinh doanh khác nhau.
Theo tài liệu đại hội mới được công bố, Hoa Sen đưa ra hai hoạch kinh doanh theo sản lượng tiêu thụ với lợi nhuận 100 tỉ đồng và 300 tỉ đồng, đều thấp so với kế hoạch 10 năm trở lại đây.
Kịch bản đầu tiên của Hoa Sen dựa trên sản lượng tiêu thụ 1,52 triệu tấn, gồm 1,4 triệu tấn thành phẩm và 152.000 tấn phụ phẩm, tương đương 84% kết quả thực hiện niên độ trước. Doanh thu niên độ này dự kiến đạt 34.000 tỉ đồng, bằng 68% niên độ vừa qua. Lợi nhuận sau thuế trong phương án này phấn đấu đạt 100 tỉ đồng, thấp hơn cả mức 251 tỉ của năm tài chính 2021-2022.
Với kịch bản khả quan hơn là tiêu thụ được 1,63 triệu tấn, bao gồm 1,5 triệu tấn thành phẩm và 130.000 tấn phụ phẩm. Ở phương án này, tập đoàn của Chủ tịch Lê Phước Vũ dự kiến thu 36.000 tỉ đồng doanh thu và lãi sau thuế 300 tỉ đồng.
Có thể thấy kế hoạch lợi nhuận trong cả hai kịch bản trên đều kém xa mức Hoa Sen đặt ra cho những niên độ trước. Trong 10 năm qua, kế hoạch thấp nhất công ty từng đưa ra là 400 tỉ đồng và cao nhất 1.650 tỉ đồng.
Lý giải về mục tiêu lãi vỏn vẹn 100 tỉ đồng, ban lãnh đạo Hoa Sen cho biết xuất khẩu thép năm nay tiềm ẩn nhiều bất ổn trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức về cạnh tranh và rào cản thương mại. Bên cạnh đó, các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang cũng được đánh giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất của công ty.
Khó khăn càng rõ ràng hơn khi tại quý 1 niên độ 2022-2023, Hoa Sen ghi nhận doanh thu chỉ đạt 7.917 tỉ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ. Do gánh nặng chi phí, doanh nghiệp này báo lỗ hơn 680 tỉ đồng, trái ngược với khoản lãi 638 tỉ đồng của cùng kỳ niên độ trước.
Tuy nhiên, xét ở góc độ nội tại, Hoa Sen vẫn đang duy trì sự ổn định về tình hình tài chính và tình hình sản xuất kinh doanh.
Thời gian tới, Hoa Sen sẽ ưu tiên phát triển thị trường nội địa trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều bất ổn, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc phát triển và duy trì hệ thống bán lẻ hiện tại, xây dựng và áp dụng các chính sách bán hàng, khuyến mãi...
Đối với hoạt động xuất khẩu, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục tìm kiếm, mở rộng các thị trường mới giàu tiềm năng và phát triển, đa dạng hoá các sản phẩm xuất khẩu.
Đối với mảng sản xuất kinh doanh nhựa, Hoa Sen cho biết sẽ tiếp tục củng cố hiệu quả sản xuất kinh doanh của CTCP Nhựa Hoa Sen, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc IPO vào một thời gian phù hợp, dự kiến thời gian sẽ là từ năm 2024 đến năm 2026 nếu tình hình kinh tế thuận lợi.
Tương tự, đối với mảng kinh doanh phân phối vật liệu xây dựng và nội thất, Hoa Sen tiếp tục mở rộng, củng cố hiệu quả kinh doanh của hệ thống Hoa Sen Home. Đồng thời, nghiên cứu, chuẩn bị nguồn lực, điều kiện cần thiết để thành lập CTCP Phân phối Vật liệu xây dựng - nội thất Hoa Sen (CTCP Hoa Sen Home).
Tại đại hội đồng cổ đông tới, Hoa Sen dự kiến trình cổ đông kế hoạch cổ tức 3% bằng cổ phiếu cho niên độ 2021-2022.
"Gã khổng lồ" gặp khó trăm bề
Dù được biết đến là “gã khổng lồ” trong ngành tôn thép Việt, nhưng với cuộc chơi ở cả thượng nguồn lẫn hạ nguồn, không ít thách thức đặt ra với Tập đoàn Hoa Sen.
Theo nhận định của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử khi lỗ ròng hai quý liên tiếp. Khó khăn của Hoa Sen được đánh giá là gấp đôi so với đối thủ trong ngành bởi công ty hoạt động ở cả phân khúc sản xuất và bán lẻ.
Theo VDSC, gần như tất cả các nhà sản xuất tại Việt Nam đều gặp khó trong hoạt động mua nguyên liệu và chính sách tồn kho trong khoảng hai quý vừa rồi do giá nguyên liệu quốc tế biến động mạnh và khó lường.
Bên cạnh đó, Hoa Sen cũng gặp khó ở mảng bán lẻ khi tốc độ tiêu thụ chậm ở cả trong và nước ngoài làm cho ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào bị khuếch đại. Đây chính là nguyên nhân góp phần khiến Hoa Sen có hai quý kinh doanh tiêu cực gần đây.
Hiện nay, các doanh nghiệp tôn thép tại Việt Nam có mức tồn kho thấp hơn và dễ cắt giảm hơn do hoạt động ở một phân đoạn nhất định của chuỗi giá trị. Trong khi đó, do Hoa Sen là doanh nghiệp vừa sản xuất vừa bán lẻ tới người dùng cuối nên công ty vừa phải tích trữ nguyên liệu như một nhà sản xuất, lại vừa phải tồn kho thành phẩm như một nhà bán lẻ.
Như vậy, với việc giá nguyên liệu đầu vào đột ngột giảm mạnh đã ăn mòn biên lợi nhuận gộp của Hoa Sen ở cả đầu ra lẫn đầu vào trong năm vừa qua.
Dù vậy, VDSC cho rằng tỷ suất lợi nhuận gộp Hoa Sen dự kiến sẽ trở lại mức dương từ quý 2 và phục hồi tốt hơn trong nửa sau của năm 2023 với sự hỗ trợ nhiều hơn từ nhu cầu quay trở lại ở các thị trường phương Tây trong khi cạnh tranh với Trung Quốc và Ấn Độ giảm bớt.
Trong khi đó, SSI Research dự phóng lợi nhuận của Hoa Sen trong năm 2023 có thể phục hồi khoảng 35%, đạt 340 tỉ đồng do không còn hàng tồn kho chi phí cao và chi phí lãi vay giảm. Tăng trưởng lợi nhuận có thể phục hồi từ nửa cuối năm 2023.