Khẳng định vị thế, uy tín Việt Nam trong một thế giới nhiều thách thức và biến động

Chiều 13/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia từ ngày 8-9/11; dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị Cấp cao liên quan từ ngày 10-13/11, theo lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia, Chủ tịch ASEAN 2022, Samdech Techo Hun Sen.
1-1668391322-1668395482.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam lên đường về nước sau chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan tại Campuchia - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đã có hàng loạt các cuộc gặp, làm việc đa phương, song phương, qua đó góp phần khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Các hoạt động chính của Thủ tướng

Trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có gần 60 hoạt động song phương và đa phương.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chào Quốc vương Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni và Hoàng thái hậu Norodom Monineath Sihanouk; hội đàm với Samdech Techo Thủ tướng Hun Sen; hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Samdech Vibol Sena Pheakdei Say Chhum và Chủ tịch Quốc hội Samdech Akka Moha Ponhea Chakrei Heng Samrin; tiếp Phó Thủ tướng Men Sam An, Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam, Đại tướng Hun Manet, Phó Tổng Tư lệnh kiêm Tư lệnh Lục quân Quân đội Hoàng gia Campuchia.

1-1668391285-1668395528.jpg
Ngày 8/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặt vòng hoa tại Tượng đài Độc lập, Tượng đài Nhà vua Preah Bat Samdech Preah Norodom Sihanouk "Preah Borom Ratanak Kaudh", cố Quốc vương Campuchia, Đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Samdech Techo Thủ tướng Hun Sen cũng tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam – Campuchia năm 2022.

Cũng trong chuyến thăm chính thức Campuchia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh, Công ty Viettel Campuchia (Metfone); thăm Đại sứ quán Việt Nam, gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia.

Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam đã tham dự Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, Phiên họp hẹp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 41, Hội nghị Cấp cao ASEAN- Trung Quốc lần thứ 25, Hội nghị Cấp cao ASEAN – Hàn Quốc lần thứ 23, Hội nghị Cấp cao ASEAN – Liên hợp quốc, Hội nghị Cấp cao ASEAN +3 lần thứ 25, Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 19, Hội nghị Cấp cao ASEAN – Australia lần thứ 2, Hội nghị Cấp cao ASEAN – Nhật Bản lần thứ 25, Hội nghị Cấp cao ASEAN – Hoa Kỳ lần thứ 10, Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN – Canada; Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 17.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng lãnh đạo các nước ASEAN tiếp kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni; tham dự các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo các nước ASEAN với đại diện Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA), đại diện thanh niên ASEAN và đại diện Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC); tham dự Hội nghị thượng đỉnh đầu tư và kinh doanh ASEAN, Đối thoại toàn cầu ASEAN lần thứ 2.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Quốc vương Brunei Darussalam Sultan Haji Hassanal Bolkiah, Chủ tịch Hạ viện Malaysia Tan Sri Azhar Azizan Harun, Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres; tiếp Phó Tổng thống Ấn Độ Jagdeep Dhankar, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab.

Những nội dung và kết quả chính trong chuyến thăm chính thức Campuchia

Đây là lần đầu tiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Vương quốc Campuchia trên cương vị Người đứng đầu Chính phủ. Đặc biệt, chuyến thăm càng thêm ý nghĩa khi diễn ra trong "Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam 2022", kỷ niệm 45 năm "Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt" và 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước và đúng vào thời điểm nhân dân Campuchia đang long trọng kỷ niệm 69 năm Ngày độc lập (09/11/1953).

Samdech Techo Thủ tướng Hun Sen, các nhà lãnh đạo và nhân dân Campuchia đã dành sự đón tiếp nồng hậu dành cho Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Trên các tuyến đường, người dân Thủ đô Campuchia mặc trang phục truyền thống, cầm cờ, hoa nồng nhiệt chào đón đoàn đại biểu Việt Nam.

Chuyến thăm đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực với nhận thức chung là cần thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương theo phương châm "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện và ổn định lâu dài", với việc hai nước thông qua Tuyên bố chung, các bộ ngành hai bên ký 11 văn kiện hợp tác, doanh nghiệp hai nước cũng ký kết một số hợp đồng và thỏa thuận kinh doanh.

Trong không khí hữu nghị, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, Lãnh đạo hai bên đã trao đổi sâu rộng về các lĩnh vực hợp tác song phương cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm. Hai bên khẳng định quyết tâm củng cố và phát triển hơn nữa tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia, thúc đẩy và tăng cường đoàn kết, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc, đưa hợp tác song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả; coi đó là yêu cầu khách quan tất yếu đối với cả hai nước.

Hợp tác kinh tế - thương mại – đầu tư là tiêu điểm trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng. Hai bên không những củng cố nền tảng đã có từ trước mà còn thúc đẩy, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới, tạo khuôn khổ hợp tác mới, với quyết tâm tăng cường đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế, góp phần hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời bảo đảm hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.

Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường kết nối hai nền kinh tế về cơ sở hạ tầng cứng cũng như về thể chế và chính sách, gồm cả việc thúc đẩy sớm hoàn thành Quy hoạch tổng thể kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Campuchia đến năm 2030.

Được khích lệ bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ của kim ngạch thương mại giữa hai nước gần đây theo hướng cân bằng và bổ sung cho nhau hơn, hai bên cam kết thúc đẩy và tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại song phương, nhất là thương mại biên giới, tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế giữa các tỉnh giáp biên.

Hai bên cũng cam kết không ngừng thúc đẩy sự liên kết chuỗi cung ứng, sản xuất giữa hai nước; tạo điều kiện thuận lợi hiệu quả hơn nữa cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp từ nước này hoạt động tại nước kia. Đáng chú ý, Thủ tướng Hun Sen chúc mừng thành công của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài với nhiều công ty lớn và cho biết Campuchia mong muốn có thêm các dự án mới để tham gia chuỗi liên kết sản xuất ô tô và điện tử thông qua xây dựng chiến lược "quốc gia+", đặc biệt là với Việt Nam.

1-1668391229-1668395528.jpeg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Đại tướng Hun Manet, Phó Tổng Tư lệnh kiêm Tư lệnh Lục quân, Quân đội Hoàng gia Campuchia - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh dựa trên nguyên tắc không cho phép bất kỳ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của mình làm phương hại đến an ninh và lợi ích của nước kia; tăng cường phối hợp giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở mỗi nước, cũng như nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ biên giới.

Việt Nam – Campuchia đã hoàn thành công việc phân giới cắm mốc khoảng 84% đường biên giới trên đất liền và trong chuyến thăm, hai bên thống nhất việc tìm giải pháp mà hai bên có thể chấp nhận được đối với khoảng 16% công việc còn lại phù hợp với tất cả các điều ước về biên giới đã ký kết giữa hai nước nhằm xây dựng đường biên giới trên đất liền hòa bình, hữu nghị, ổn định và hợp tác, phát triển.

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành sự quan tâm đặc biệt với cộng đồng người Việt tại Campuchia. Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao Vương quốc Campuchia đã luôn ủng hộ và không phân biệt đối xử đối với người gốc Việt đang sinh sống tại Campuchia trong những năm qua; mong muốn phía Campuchia tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng người gốc Việt sinh sống, làm việc ổn định và hợp pháp tại Campuchia, hoà nhập và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của sở tại, góp phần gắn kết và thắt chặt quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai dân tộc, hai đất nước.

Thủ tướng bày tỏ cảm ơn các cơ quan chức năng Campuchia thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam trong việc giải cứu thành công nhiều công dân Việt Nam bị lừa đảo, môi giới sang Campuchia lao động bất hợp pháp, đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tiến tới giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Campuchia, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ rất xúc động khi được lắng nghe tiếng nói của bà con, khẳng định tuy bà con xa Tổ quốc nhưng bà con luôn ở trong trái tim của Đảng, Nhà nước, là bộ phận khăng khít, không thể tách rời của dân tộc, của đất nước. Thủ tướng chia sẻ với bà con về những khó khăn trong hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19; những vướng mắc liên quan tới địa vị pháp lý của người Việt tại Campuchia; những vất vả trong cuộc sống, nhất là của bà con có sinh kế trên sông nước.

Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn lắng nghe ý kiến, đề xuất, kiến nghị của bà con, đã, đang có các giải pháp và sẽ tiếp tục có các giải pháp cụ thể, thực chất để tạo thuận lợi hơn nữa cho bà con sinh sống, làm việc, học tập tại nước sở tại; đặc biệt, về vấn đề địa vị pháp lý của bà con, Chính phủ và các cơ quan đã làm việc nhiều lần, bản thân Thủ tướng cũng nhiều lần làm việc, gọi điện, gặp trực tiếp để trao đổi với Thủ tướng Campuchia Hun Sen về vấn đề này.

Mặt khác, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng mong muốn bà con người Việt, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Campuchia, với những dự án biểu tượng trong quan hệ hai nước như Metfone, Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh, tiếp tục thực hiện "sứ mệnh lịch sử" là góp phần hình thành và củng cố những nhịp cầu hữu nghị giữa hai dân tộc, hai đất nước.

Kết quả của chuyến thăm đã góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ láng giềng hữu nghị tốt đẹp và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia, vì lợi ích, hạnh phúc và ấm no của nhân dân hai nước.

1-1668391186-1668395528.jpg
Lãnh đạo các nước ASEAN dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Những nội dung và kết quả chính của đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị Cấp cao liên quan

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị Cấp cao liên quan được tổ chức vào năm kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN, là dịp để các nước cùng nhìn lại và quyết tâm phấn đấu cho tương lai.

Tại các Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh các thông điệp để cùng chung tay xây dựng một ASEAN đoàn kết, tự cường, mạnh mẽ, phát triển bền vững, bao trùm, dựa trên luật lệ; đồng thời nêu rõ các quan điểm của Việt Nam về các vấn đề khu vực và quốc tế.

Với ASEAN, Thủ tướng nhấn mạnh, tiến trình 55 năm qua của ASEAN cho thấy đoàn kết là yếu tố quyết định làm nên thành công của ASEAN và là sức mạnh để ASEAN giữ vững ổn định trong bối cảnh bất ổn hiện nay.Trên tinh thần đó, Thủ tướng khẳng định càng đối mặt với khó khăn, thách thức, ASEAN càng cần phát huy tinh thần "Tư duy cộng đồng, Hành động cộng đồng", kề vai, sát cánh, tự cường và chủ động ứng phó mọi thách thức. Điều này được thể hiện rõ nét qua các thành tựu của ASEAN trong phòng chống dịch và phục hồi kinh tế.

Thủ tướng đề nghị ASEAN thúc đẩy các bài học kinh nghiệm về hợp tác và phối hợp hành động trong kiểm soát, ứng phó và ngăn ngừa dịch bệnh. Theo đó, Thủ tướng đề xuất tổ chức diễn đàn cấp cao thúc đẩy quan hệ đối tác về phục hồi đồng đều và tăng trưởng bền vững ở ASEAN, dự kiến trong nửa đầu năm 2023.

Với phương châm lấy người dân là trung tâm, mục tiêu, nguồn lực và động lực của tiến trình xây dựng Cộng đồng, Thủ tướng đề nghị Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 dành sự quan tâm thỏa đáng tới mọi nhóm xã hội, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bảo đảm thụ hưởng công bằng của mọi người dân; gắn kết hài hòa phát triển đồng đều và tăng trưởng bền vững và các chính sách thúc đẩy hạ tầng cứng và hạ tầng mềm tại các tiểu vùng, với tiến trình chung của ASEAN nhằm tạo sức mạnh cộng hưởng và động lực phát triển cho toàn khu vực.

Với quan hệ ASEAN và các đối tác, Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN và các nước cần kiên định với chủ nghĩa đa phương, tự do hoá thương mại, mở cửa cho tất cả mọi cơ hội, kết nối ở mọi khía cạnh và cân bằng về mọi lĩnh vực, phát huy tinh thần đối thoại thẳng thắn, hợp tác chân thành, láng giềng hữu nghị, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, góp phần tạo dựng cạnh tranh lành mạnh, dựa trên luật lệ, giảm thiểu mâu thuẫn, ngăn ngừa xung đột.

Trong tình hình kinh tế khu vực và toàn cầu suy giảm, cần bảo đảm các cân bằng chiến lược giữa tăng trưởng, lạm phát và việc làm, chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, chú trọng phát triển hài hoà về kinh tế, môi trường và an sinh xã hội; các nước cần mở cửa mạnh mẽ thị trường, coi nối lại giao thương an toàn, mở lại nền kinh tế phải là ưu tiên hàng đầu, tháo gỡ các rào cản thương mại, đảm bảo tính liên tục của dòng chảy thương mại và đầu tư, củng cố kết nối và tự cường chuỗi cung ứng, cùng nhau tạo ra các động lực tăng trưởng mới để bắt kịp xu hướng chuyển đổi lớn hiện nay, tăng cường phối hợp đào tạo nghề, nhất là trong các ngành kinh tế mới nổi, ưu tiên phát triển hạ tầng chiến lược, đảm bảo an ninh tài chính, an ninh năng lượng, lương thực để nâng cao năng lực thích ứng linh hoạt và hiệu quả.

Cùng với xu thế phát triển xanh, các nước cần tăng cường hợp tác phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng công bằng, công lý - theo đó các nước phát triển hỗ trợ các nước đang phát triển về tài chính, chuyển giao công nghệ, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, để đưa chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thực sự trở thành động lực phát triển mới ở khu vực.

trung-aquppc-1668334361575898684444-1668391146-1668395528.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại các Hội nghị và trong gặp gỡ song phương, Thủ tướng cũng đã chia sẻ những định hướng lớn trong đường lối xây dựng và bảo vệ đất nước của Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam xây dựng, phát triển đất nước với 3 trụ cột: Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, quyết định lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá, trong đó quan điểm xuyên suốt xác định con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Với các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng cũng nhấn mạnh Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất, với 5 điểm chính: (1) Việt Nam sẽ giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; (2) tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; (3) phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; (4) xây dựng môi trường-chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình; (5) Việt Nam cũng sẵn sàng hợp tác để đẩy mạnh kết nối hạ tầng kỹ thuật số, hướng tới khu vực phát triển kỹ thuật số đồng đều và bền vững; đồng hành cùng các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN cũng như các nước đối tác và nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất để tận dụng tối đa cơ hội kinh doanh, đầu tư.

Lãnh đạo các nước, các đối tác, cộng đồng doanh nghiệp đều đánh giá cao những thành tựu to lớn mà Việt Nam đã đạt được trong công cuộc xây dựng, đổi mới và phát triển đất nước, nhiều vị bày tỏ ấn tượng với thành quả phòng chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, duy trì ổn định vĩ mô của Việt Nam, mang đến câu chuyện phục hồi kinh tế lạc quan trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều thách thức, những biến động, chuyển đổi dài hạn, sâu sắc và mang tính hệ thống.

Các đối tác cũng chia sẻ, ủng hộ với các quan điểm của Việt Nam về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; đánh giá cao quan điểm, quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Các Lãnh đạo ASEAN và đối tác nhấn mạnh cần đề cao trách nhiệm và chia sẻ lợi ích chung trong nỗ lực duy trì và bảo đảm hoà bình, an ninh và ổn định tại khu vực. Kiên trì lập trường nguyên tắc về Biển Đông, ASEAN đề nghị các Đối tác tiếp tục ủng hộ nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, hướng tới xây dựng Biển Đông thành vùng biển hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.

1-1668391114-1668395528.jpg
Các nhà lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ hoan nghênh những tiến triển hợp tác tích cực giữa hai bên thời gian qua - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhân dịp tham dự Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có nhiều cuộc gặp với lãnh đạo các nước, các đối tác, mở ra nhiều cơ hội, đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, góp phần tích cực củng cố cục diện đối ngoại vững chắc và thuận lợi cho hoà bình, ổn định và phát triển đất nước.

Thủ tướng và các nhà lãnh đạo đã đưa ra các đề xuất, các định hướng hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực, đặc biệt là tăng cường tính kết nối và bổ trợ giữa các nền kinh tế, duy trì các chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất, tháo gỡ các rào cản, thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại – đầu tư, tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn – những ưu tiên hiện nay của Việt Nam sau những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26.

Đơn cử, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Thái Lan đẩy nhanh việc cấp phép cho hoa quả Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Thái Lan, trước mắt là bưởi, na, vú sữa, chôm chôm, chanh leo; khuyến khích các tập đoàn bán lẻ của Thái Lan đưa hàng Việt Nam vào hệ thống siêu thị của mình. Với Indonesia, Malaysia, Philippines, Thủ tướng mong muốn thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản, lương thực, thực phẩm của Việt Nam vào các thị trường này.

Phía Trung Quốc khẳng định sẽ hợp tác để giải quyết vấn đề nhập siêu, thúc đẩy thương mại lành mạnh trên tinh thần hai bên cùng có lợi, mở cửa thị trường hơn nữa đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có nông sản; bảo đảm tạo thuận lợi cho việc thông quan; đặc biệt sẽ không để tái diễn tình trạng hàng nông sản của Việt Nam bị ùn tắc, hư hỏng tại cửa khẩu.

1-1668391069-1668395528.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Với chương trình làm việc dày đặc, nội dung làm việc phong phú, kết quả đạt được vừa mang tính toàn diện, chiến lược, vừa cụ thể, thiết thực, có thể nói, chuyến công tác của Thủ tướng đã thành công rất tốt đẹp cả trên bình diện song phương và đa phương, khu vực và quốc tế.

Cùng với các hoạt động đối ngoại gần đây của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò ngày càng quan trọng của đất nước trên trường quốc tế, khẳng định Việt Nam tự tin phục hồi nhanh, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững, tiếp tục xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Chuyến công tác góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối ngoại, củng cố niềm tin của bạn bè, đối tác quốc tế và nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài về chủ trương, đường lối, chính sách và tương lai phát triển của Việt Nam, góp phần thực hiện thành công đường lối đối ngoại và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về "đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030", đóng góp vào xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, xu thế mở cửa và phục hồi sau đại dịch, xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong khu vực và trên thế giới./.