Công ty tư vấn đầu tư Henley & Partners vừa ra mắt báo cáo về các triệu phú đô la (Centi-Millionaire Report), cho thấy số lượng triệu phú đô la trên thế giới đang phát triển nhanh chóng, nhất là nhóm người sở hữu khối tài sản từ 100 triệu USD trở lên.
Tiến sỹ Juerg Steffen, Giám đốc điều hành của Henley & Partners, cho biết phải sở hữu ít nhất 100 triệu đô la mới được coi là siêu giàu trong thế giới hiện tại. Đây là những người giàu tới mức không phải lo lắng gì về tiền bạc. Con số này tăng lên đáng kể so với mức 30 triệu đô la vào năm 1990.
Việt Nam dẫn đầu thế giới
Việt Nam được dự báo sẽ dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng các triệu phú trong thập kỷ tới, lên tới 95%, tập trung trong các lĩnh vực bất động sản, công nghệ và dịch vụ tài chính. Ấn Độ đứng thứ hai với tỷ lệ 80%. Trong khi đó, châu Phi có bốn quốc gia trong nhóm tăng trưởng triệu phú nhanh chóng là Mauritius, Rwanda, Uganda và Kenya với tỷ lệ từ 55% - 75%. New Zealand và Úc được dự báo cũng tăng trưởng đáng kể với lần lượt 72% và 60%.
Theo chuyên gia đầu tư toàn cầu Jeff Opdyke, các triệu phú đều cần đa dạng hóa các khoản đầu tư để tránh rủi ro trong bối cảnh hiện tại của thế kỷ 21, khi hệ thống tài chính đối mặt với các khoản nợ lớn và kinh tế yếu kém.
Giới triệu phú hiện sống ở đâu?
Hoa Kỳ là nơi có 38% (9.730) triệu phú đô la toàn cầu, mặc dù quốc gia này chỉ chiếm 4% tổng dân số thế giới. Các thị trường mới nổi lớn là Trung Quốc và Ấn Độ theo sau ở vị trí thứ 2 và 3, với lần lượt 2.021 và 1.132 triệu phú. Hai quốc gia này xếp hạng cao hơn hai nền kinh tế lớn ở châu Âu, với Vương quốc Anh ở vị trí thứ 4 (968 người), theo sau là Đức ở vị trí thứ 5 (với 966 người).
Thụy Sĩ đứng thứ 6 trong danh sách với 808 người sở hữu hơn 100 triệu đô la mặc dù quy mô và dân số nhỏ. Nhật Bản (765), Canada (541), Úc (463) và cuối cùng là Nga (435) chiếm phần còn lại của 10 quốc gia dẫn đầu về số lượng triệu phú. Những nền kinh tế lớn khác như Pháp và Ý lần lượt rớt lại phía sau với 380 và 298 triệu phú, trong khi Nam Phi là quốc gia đứng đầu lục địa châu Phi với 92 người, giữ vị trí thứ 27 trên thế giới.
Làm gì để trở thành triệu phú?
Theo báo cáo, dường như không có con đường cố định nào để trở thành một triệu phú đô la; một số được thừa hưởng tài sản trong khi nhiều người giàu tự thân. Tuy nhiên, thế hệ Baby Boomer vẫn chiếm số lượng lớn nhất, nhiều trong số này làm giàu từ quyền chọn mua cổ phiếu hoặc bán lại các công ty do mình sáng lập. Trong khi đó, những triệu phú trẻ thường gây dựng khối tài sản kếch xù nhờ lĩnh vực công nghệ.
Misha Glenny, một chuyên gia tham gia vào báo cáo, chỉ ra nam giới da trắng trên 55 tuổi đến từ Hoa Kỳ và châu Âu chiếm phần lớn trong nhóm triệu phú, nhưng tỷ lệ này đang thay đổi.
“Trong thập kỷ tới, tốc độ phát triển của các triệu phú tại châu Á sẽ gấp đôi so với châu Âu và châu Mỹ, tập trung chủ yếu ở Ấn Độ và Trung Quốc”.
Chiến lược đa dạng hóa nơi cư trú của giới triệu phú
Henley & Partners cho biết nhiều người thuộc giới siêu giàu đang tìm cách đạt được quyền cư trú và quyền công dân tại nhiều quốc gia khác nhau để mở rộng cơ hội đầu tư và hoạt động kinh doanh, bảo vệ họ khỏi những biến động tiền tệ, xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu và bùng phát dịch bệnh.
Bằng cách này, họ cũng có nhiều lựa chọn hơn về việc học tập cho con cái, các hoạt động nghỉ dưỡng và hưu trí. Tất cả sẽ giúp họ ngày càng tự do và độc lập hơn trong việc quyết định sẽ làm công việc gì, khi nào, ở đâu và với ai.
Cuối cùng, giới triệu phú cũng đang tăng cường các hoạt động từ thiện dưới góc độ cá nhân theo đam mê hoặc mong ước “cho đi khi còn sống”, hoặc tạo ra những thành tựu vượt trội đóng góp lại cho xã hội.