Theo số liệu của các công ty nghiên cứu thị trường, trong 3 quý đầu năm 2021, tỷ lệ căn hộ giá bình dân đã bị giảm sút một cách đáng ngại. Trong khi đó, phân khúc cao cấp tiếp tục tỷ lệ áp đảo. Giá nhà đất liên tục tăng đã tạo ra lo ngại giá nhà tăng nhanh nhưng không có người mua. Tại TP.HCM, căn hộ bình dân hầu như vắng bóng, không có dự án nào nằm ở phân khúc 25 triệu đồng/m2. Chưa kể, giá bán căn hộ sơ cấp đã tăng rất cao, lên tới 15% so với đầu năm. Giá bán tăng cao không chỉ ở căn hộ chung cư, mà còn ở đất thổ cư, nhà liền kề và biệt thự. Tuy vậy, không phải dự án nào cũng bán hàng được tốt.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết: Trong những tháng gần đây, rất nhiều thông tin bán cắt lỗ nhà đất từ vài trăm triệu tới hàng tỷ đồng trên các trang mua bán BĐS. Tuy nhiên, đây chỉ là những hiện tượng nhỏ lẻ, xuất phát từ những nhà đầu tư (NĐT) gặp khó khăn về tài chính do ảnh hưởng của dịch Covid-19 buộc phải cắt lỗ, chứ không có hiện tượng ồ ạt bán tháo. Khác với 10 năm trước, hiện thị trường đang khan hiếm nguồn cung, nên ngoài những hiện tượng giá bán tăng cao và nhanh thì vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy đã hình thành “bong bóng” BĐS.
Cũng theo ông Đính, có một thực trạng là số lượng NĐT mới tăng cao trong những tháng qua, đây là vấn đề đáng lo ngại, bởi NĐT mới lực lượng rất dễ bị giao động, có thể rút tiền và bán tháo BĐS khi gặp tín hiệu xấu của thị trường hay gặp khó khăn về tài chính. Vì thế, mặc dù “bong bóng” BĐS có thể chưa diễn ra nhưng sự e ngại vẫn hiện diện, nhất là trong khi giá bán BĐS vẫn không ngừng tăng.
Báo cáo nghiên cứu thị trường của Batdongsan.vn cho thấy, trong tháng 10/2021, nhu cầu tìm mua nhà đất toàn quốc đã tăng hơn 55% so với tháng 9 và 8% so với cùng thời điểm 2020. Riêng thời điểm cuối tháng 10, mức độ quan tâm nhà đất tăng hơn 67%, ngay sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách và tiến hành giao thương trở lại. Tuy nhiên, từ nay đến đầu năm 2022, thị trường BĐS chưa có nhiều thay đổi lớn. NĐT thực hiện các giao dịch lướt sóng, ngắn hạn sẽ không khả thi, nhất là khi chưa hoàn toàn kiểm soát được dịch và còn những hạn chế trong mặt giao tiếp xã hội, cũng như các hoạt động kinh doanh.
Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển R&D DKRA Vietnam cho rằng, bước sang năm 2022, áp lực tăng giá BĐS sẽ rất lớn bởi các lý do chính đã bắt đầu xuất hiện từ quý 1/2021 như chi phí vật liệu xây dựng tăng, chi phí đầu vào tăng. Đặc biệt, từ quý 2/2022, khi kinh tế phát triển mạnh trở lại, cả nước hoàn thành mục tiêu tiêm chủng toàn dân và cho cả trẻ em, BĐS sẽ càng tăng giá.
Ông Nguyễn Thanh Quyền - Tổng giám đốc Tập đoàn BĐS Thắng Lợi dự báo, gian đoạn từ tháng 11/2021 cuối tháng 01/2022 sẽ là thời điểm tăng trưởng trở lại của giá đất vào khoảng 5-10%; giai đoạn từ 18/01/2022 đến 15/2/2022 sẽ nghỉ ngơi do rơi vào Tết Nguyên Đán. Từ 16/02/2022 đến 31/3/2022 sẽ là giai đoạn tăng trưởng khoảng 10-15% khi nhiều khách hàng sẽ chốt chứng khoán và có thể đổ vào BĐS. NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ dừng lại, nhưng NĐT lâu năm sẽ tích cực "săn hàng".
Còn TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính Ngân hàng cho rằng, không nên vẽ một bức tranh quá màu hồng về thị trường BĐS trong thời gian sắp tới. Bởi hiện nay, vẫn có những dấu hiệu đáng lo ngại, trong đó dự báo khả năng nợ xấu BĐS sẽ tăng lên trong thời gian tới. Ngoài ra, ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 thứ 4 nặng nề tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam đã khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa. Đối với những doanh nghiệp BĐS cũng đã rất khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng.