Kịch bản nào cho vận tải hành khách sau giãn cách?

Thanh Phong

23/09/2021 11:57

Theo dõi trên

Tại nơi đang thực hiện Chỉ thị 16 sẽ không tổ chức hoạt động vận tải hành khách. Tuy nhiên, sân bay, nhà ga đường sắt vẫn được hoạt động và tiếp nhận khách đi, đến các địa phương khác không áp dụng Chỉ thị 16.

Bộ GTVT vừa có dự thảo lấy ý kiến về "Kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách 5 lĩnh vực vận tải giai đoạn các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19" nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, an toàn, thống nhất giữa địa phương.

Theo Bộ GTVT, hiện nay một số địa phương đã và đang chuyển đổi cấp độ phòng, chống dịch từ Chỉ thị 16 về Chỉ thị 15 nên Kế hoạch nói trên cần được ban hành gấp. Các nơi đang thực hiện Chỉ thị 15 và 19 được tổ chức vận tải khách theo mức độ hạn chế xe kinh doanh vận tải, hành khách của từng phương thức vận tải.

2021031607005551dd7a536a-d67f-453c-ad8d-d924addc0cc4

 Tại nơi đang thực hiện Chỉ thị 16 sẽ không tổ chức hoạt động vận tải khách.

Các địa phương đang thực hiện mức độ "bình thường mới" sẽ tổ chức vận tải khách hoạt động bình thường với 2 phương án.

Phương án 1, khách đi trên xe (đi, đến địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện Chỉ thị 15, 19) phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K và các quy định đối với người tham gia giao thông về phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế.

Phương án 2, khách khi đi trên xe (đi, đến địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện Chỉ thị 15, 19) đáp ứng các yêu cầu về thực hiện nghiêm 5K và đáp ứng một trong các tiêu chí sau: Người đã tiêm đủ liều vaccine, trong đó liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày, người khỏi bệnh, người có giấy xét nghiệm âm tính Coivd-19. Ngoài ra, xe chở khách phải thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch theo quy định.

Trong lĩnh vực đường bộ, đơn vị kinh doanh vận tải phải chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của phương tiện, lái xe trong suốt quá trình vận chuyển; tăng cường kiểm tra, giám sát thông qua thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải; thực hiện khử khuẩn phương tiện trước và ngay sau khi kết thúc hành trình theo hướng dẫn của Sở Y tế địa phương; yêu cầu lái xe, nhân viên phục vụ trên xe chỉ dừng đỗ dọc đường (ăn uống, vệ sinh) đúng địa điểm đã ghi trong lệnh vận chuyển hoặc hợp đồng vận chuyển hành khách.

Đối lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, Bộ GTVT cũng đưa 2 phương án.

Trong đó, phương án 1, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K và quy định đối với người tham gia giao thông về phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế.

Phương án 2, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, đồng thời, đáp ứng một trong các tiêu chí sau:

- Người đã tiêm đủ liều vaccine, trong đó liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm đi trên phương tiện, có chứng nhận tiêm chủng trên Sổ sức khỏe điện tử hoặc Giấy chứng nhận tiêm chủng đủ liều của cơ sở tiêm chủng; người đã mắc và khỏi bệnh Covid-19, có Giấy xác nhận khỏi bệnh không quá 6 tháng tính đến thời điểm đi trên phương tiện của ngành y tế theo quy định.

- Người chưa tiêm hoặc đã tiêm 1 mũi vaccine có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (theo phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) được thực hiện trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả) hoặc theo thời hạn khác do Bộ Y tế quy định.

1016_khach_Y_bYn_xe

 Bộ GTVT đề xuất 2 phương án tổ chức vận tải khách với các địa phương đang thực hiện mức độ "bình thường mới" .

Kèm theo nguyên tắc chung nêu trên, dự thảo cũng đưa ra các phương án cụ thể cho từng lĩnh vực vận tải như đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, trong đó quy định về giới hạn tần suất chuyến, số lượng khách/chuyến và lộ trình nới lỏng dần theo các giai đoạn.

Chẳng hạn, với đường sắt, giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày kể từ ngày áp dụng kế hoạch này), số lượng đôi tàu khai thác trên từng tuyến không vượt quá 50% so với biểu đồ chạy tàu đã được công bố trước đây và có giãn cách chỗ trên tàu (không áp dụng giãn cách đối với toa giường nằm).

Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày kể từ ngày kết thúc giai đoạn 1): Số lượng đôi tàu không vượt quá 70%. Giai đoạn 3 (thực hiện kể từ khi kết thúc giai đoạn 2): Số lượng đôi tàu khai thác trên từng tuyến không vượt quá 70% và không phải giãn cách chỗ trên tàu. Giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới) được khai thác trở lại bình thường.

Với hàng không, tổ bay và nhân viên hàng không đã được tiêm tối thiểu 1 mũi vaccine phòng Covid-19 ít nhất sau 14 ngày; có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực và đảm bảo duy trì năng định theo quy định về khai thác bay; các tàu bay phải đảm bảo năng lực khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa được giám sát.

Trong quá trình thực hiện, căn cứ vào tình hình dịch Covid-19 tại các địa phương và trên cơ sở ý kiến thống nhất của UBND cấp tỉnh có cảng hàng không sân bay (nơi đi, nơi đến), Cục Hàng không Việt Nam quyết định áp dụng thực hiện theo từng giai đoạn cụ thể.

Trước đó, thông tin tại hội nghị "Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp (sáng 20/9), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết Bộ GTVT đang xây dựng kịch bản cho vận tải trong giai đoạn từng bước phục hồi sản xuất khi các địa phương thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội.

Bạn đang đọc bài viết "Kịch bản nào cho vận tải hành khách sau giãn cách?" tại chuyên mục Giao thông. Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0775.198.669 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com