Làm nghiên cứu như một nghề nghiệp nghiêm túc: Những rào cản

Thiếu hội đồng xét duyệt đạo đức nghiên cứu, thiếu tài liệu, bệnh hành chính hóa và tình trạng không biết cách sử dụng nhân lực có bằng cấp cao là những yếu tố đang cản trở nghiên cứu trở thành nghề nghiệp nghiêm túc ở Việt Nam.

Hội đồng đạo đức nghiên cứu: Một khái niệm chưa có thực hành

Tôi vừa mới bấm nút nộp bài cho tạp chí ở nước ngoài. Để đi đến bước này thì cần hoàn thành bước trả lời câu hỏi “Nghiên cứu này đã được xét duyệt về mặt đạo đức hay chưa?”.

06bso-27-giao-duc-bai-1-anh-1-1657268667.jpg
Ở nước ta, đạo đức nghiên cứu mới chỉ dừng ở mức độ là một hai bài học trong chương trình đào tạo. Việc áp dụng đạo đức nghiên cứu phụ thuộc hoàn toàn vào tính chuyên nghiệp của nhà nghiên cứu mà không có hội đồng đạo đức kiểm soát. Ảnh minh họa: Viện Tế bào gốc, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM. Nguồn: sci.edu.vn

Tôi bấm nút “Có”, nhưng áy náy khôn nguôi. Ở Việt Nam chưa phổ biến việc áp dụng xét duyệt đạo đức nghiên cứu. Vì trước đây tôi có hơn một năm là thành viên hội đồng xét duyệt đạo đức nghiên cứu tại Đại học Monash (Úc) và được đào tạo trong Mạng lưới Đạo đức bang Victoria (VEN – Úc), nên tôi áp dụng những chuẩn đạo đức của Đại học Monash cho những nghiên cứu của mình hiện nay.

Ngày rộ lên việc nghiệm thu vắc-xin phòng Covid do Việt Nam nghiên cứu, người Việt Nam chúng ta mới biết đến Hội đồng Đạo đức quốc gia trong nghiên cứu y sinh, và nhiều người bình luận trên Facebook “Giờ mới nghe tới hội đồng này”. Mới chỉ có ngành y, sinh học có hướng dẫn đạo đức nghiên cứu ở tầm quốc gia. Các trường đại học, viện nghiên cứu y, sinh học lấy hướng dẫn quốc gia làm tham chiếu để đưa ra những hướng dẫn cụ thể áp dụng cho cấp cơ sở.

Đạo đức y, sinh học bảo vệ tâm lý và sức khỏe của những người tham gia nghiên cứu, ngăn cản việc lợi dụng nghiên cứu để thực hiện những thí nghiệm có hại cho con người hay phôi. Không chỉ bảo vệ con người, đạo đức nghiên cứu còn bảo vệ cả những loài vật được sử dụng trong thí nghiệm, như chuột bạch hoặc thỏ.

Những ngành khác, đặc biệt là nhóm ngành khoa học xã hội, phải nghiên cứu con người rất nhiều nhưng đến nay chưa có xét duyệt đạo đức cho những nghiên cứu có sự tham gia của con người.

Nếu không áp dụng chuẩn đạo đức thì sẽ xảy ra những tình huống như thế nào? Trao đổi qua thư tín cá nhân, tưởng là bí mật, sẽ có lúc xuất hiện công khai trong các bài báo nghiên cứu. Người trả lời phỏng vấn bị hỏi về những ký ức đau khổ, vết thương tâm lý tưởng đã khép nay lại bị mở ra để nghiên cứu. Nhà nghiên cứu công bố danh tính của người trả lời, dẫn đến những thiệt hại, bất lợi cho người trả lời. Đạo đức nghiên cứu không phải là niềm nở và lịch sự, đấy là phạm trù hành vi ứng xử. Đạo đức nghiên cứu là hình dung cả quá trình nghiên cứu sẽ tiếp xúc ai, lấy thông tin ở đâu, có vô tình làm hại ai hay không, và có quy trình đầy đủ để nhà nghiên cứu xử lý những tình huống đó, tự bảo vệ mình và bảo vệ những bên liên quan tới nghiên cứu.

Ở nước ta, đạo đức nghiên cứu mới chỉ dừng ở mức độ là một hai bài học trong chương trình đào tạo. Việc áp dụng đạo đức nghiên cứu phụ thuộc hoàn toàn vào tính chuyên nghiệp của nhà nghiên cứu mà không có hội đồng đạo đức kiểm soát.

Hội đồng đạo đức gồm những nhà nghiên cứu có kinh nghiệm và đại diện người dân. Tại Đại học Ohio (Mỹ), nơi tôi tham gia một kỳ học mùa hè, trong hội đồng xét duyệt đạo đức nghiên cứu còn có cả đại diện của cơ quan cảnh sát. Những câu hỏi khảo sát bằng bảng hỏi (survey), hay câu hỏi phỏng vấn định tính, được duyệt bằng con mắt nghiệp vụ trị an, để bảo đảm không gây hại.

d1eso-27-giao-duc-bai-1-anh-2-1657268667.jpg
Nhà nghiên cứu không chỉ cần thư viện với sách báo giấy, mà còn cần thư viện trên mạng, kết nối các cơ sở dữ liệu. Ảnh minh họa: Thư viện Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM. Nguồn: vnuhcm.edu.vn

Cô bạn tôi tốt nghiệp tiến sĩ Triết học ở Ý, hiện làm nghiên cứu cho các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam cho rằng thêm một hội đồng đạo đức chỉ tăng thêm các thủ tục, thêm phong bì, mất thời gian, cứ theo pháp luật mà hành xử là được rồi. Đó cũng có thể là suy nghĩ chung của nhiều người.

Nhưng nếu ta coi hội đồng xét duyệt đạo đức là thêm một tầng bảo vệ và hỗ trợ suốt quá trình nghiên cứu, để nghiên cứu được thực hành suôn sẻ, có cách tránh và phản ứng đúng trước những tình huống xung đột bất ngờ, thì hội đồng đạo đức là một thiết chế cần phải có tại các trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam, hoạt động dưới sự quản lý Bộ Khoa học và Công nghệ.

Hội đồng nên lấy số lượng hồ sơ xét duyệt và thời gian xét duyệt làm một trong những tiêu chí đo lường hiệu quả công việc (KPI). Xét duyệt càng nhiều, càng nhanh, thì hội đồng đó càng hiệu quả. Tránh trường hợp “ngâm” hồ sơ quá lâu để cản trở nghiên cứu.

Nếu có hội đồng xét duyệt đạo đức, từ nay, mỗi nghiên cứu của Việt Nam khi đi nộp cho các nhà xuất bản nước ngoài, có thể thanh thản và tự hào bấm vào nút “Có” cho câu hỏi “Đã được xét duyệt đạo đức hay chưa?”. Ít nhất đó cũng là cách chúng ta đàng hoàng làm việc ngang tầm với các đối tác khoa học nước ngoài.

Tài liệu nghiên cứu: Khoảng trời nhìn từ đáy giếng

Một bạn đồng nghiệp của tôi khi đi học ở Úc về nói, không có thư viện, nhà nghiên cứu như ếch ngồi đáy giếng, coi trời bằng vung. Sau đó, anh đi Mỹ học tiếp, và cũng đã trở về góc sân và khoảng trời Việt Nam.

Thư viện ở đây không phải là thư viện vật lý với sách báo giấy, mà là thư viện trên mạng, kết nối các cơ sở dữ liệu, người nghiên cứu dùng tài khoản của cơ quan cấp cho để tải tài liệu về đọc. Mỗi tài liệu có giá dao động khoảng 25 đến 50 đô-la Mỹ. Và nhà nghiên cứu phải đọc rất nhiều tài liệu như thế.

Để có tài liệu, tôi tham gia giảng dạy ở các trường đại học nước ngoài mở tại Việt Nam. Họ cho tôi địa chỉ thư điện tử của trường, tôi dùng địa chỉ đó để tải bài về đọc. Dạy cho trường nước ngoài là cách để giữ cho mình tấm vé đi vào xa lộ thông tin học thuật của thế giới.

Đôi khi, tôi cần mua sách bản giấy, và có lần tôi tự mua chứ không nhờ trường nước ngoài mua và gửi cho tôi. Mới đây, khi mua sách từ nhà xuất bản Sage, tôi phải tới Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội để làm thủ tục xin nhập xuất bản phẩm không kinh doanh. Có bao nhiêu người đủ kiên nhẫn để đi làm thủ tục nhập sách như thế?

Nhưng nếu là sách điện tử thì không cần làm thủ tục xin nhập, cứ mua về đọc trên máy tính không ai hỏi nội dung sách gồm những gì. Thế là, nhờ vào việc Sở chỉ quản lý sách giấy nhập về mà không quản lý sách điện tử, một Millennial (người sinh từ năm 1980 đến 1997) chính hiệu như tôi phải đọc hoàn toàn trên máy tính như một Gen Z (người sinh từ năm 1997 đến gần đây). Cũng có cái hay là sách điện tử bây giờ cho đánh dấu bằng bút màu, gạch chân, ghi chú trong sách, như thói quen đọc bản giấy của thế hệ cũ.

Một chị bạn tôi dạy báo chí ở Malaysia kể, giảng viên như chị được trường cấp cho 4.000 đô-la Mỹ mỗi năm để tự mua sách, không kể tới số sách trường có trong thư viện. Tôi biết là dạo này chúng ta so sánh với Malaysia hơi nhiều rồi, nhưng nếu, cứ cho là mỗi người nghiên cứu được cấp cho 4.000 đô-la Mỹ để mua tài liệu mỗi năm, và thủ tục nhập sách nhanh gọn nhẹ, thì bầu trời nghiên cứu của chúng ta mở rộng thêm biết bao nhiêu.

Hành chính hóa khoa học: Bệnh nan y

Về nước đã nhiều năm, tôi nhớ quãng thời gian ở Đại học Monash, có thể tự do vào bất kỳ phòng hội thảo nào, và ngày nào cũng có nhiều hội thảo trong trường để đến nghe. Tôi cũng nhớ mùa hè ở Đại học Ohio, nơi chúng tôi tổ chức những hội thảo bữa trưa nâu (brown bag lunch seminar), khi chỉ có một tiếng nghỉ trưa, tận dụng thời gian mua đồ ăn nhanh, thường đựng trong túi giấy nâu, và mang bữa trưa đó vào phòng hội thảo để vừa ăn vừa tham gia các trao đổi học thuật.

Tôi cũng nhớ những ngày ở Đại học Công nghệ Sydney (UTS – Úc), tôi là một sinh viên quèn được vào nghe tọa đàm của Maxwell McCombs, cha đẻ của học thuyết thiết lập chương trình nghị sự (agenda setting), khi ông từ Mỹ đến Úc giảng dạy trong dịp nghỉ hè. Tôi cũng nhớ những hội thảo quốc tế AEJMC (Mỹ), Global Media Forum (Đức), nơi gặp gỡ đồng nghiệp toàn cầu và những người cùng chí hướng trong nghiên cứu.

Ở Việt Nam, không có nhiều trao đổi học thuật cấp cao và tự do ra vào như vậy. Danh sách người dự hội thảo được lập ra từ trước, hoặc theo giấy mời. Việc này liên quan đến phong bì cho người tham dự hội thảo, 50 nghìn hay 100 nghìn đồng, nhưng nó đánh đòn đau vào lòng tự trọng của nhà nghiên cứu: việc tự ý đi vào khán phòng hội thảo có lỡ lấy mất suất phong bì của ai đó có tên trong danh sách mời hay không? Và thông tin về hội thảo thường không được công bố rộng rãi trước khi nó diễn ra. Người nghiên cứu chỉ tiếp cận hội thảo qua những mẩu tin báo rằng hội thảo đã thành công tốt đẹp. Rất mong từ nay có cơ chế bắt buộc công bố thông tin về hội thảo, tọa đàm trên mạng, ít nhất 24 giờ trước khi nó diễn ra, và người quan tâm có thể đăng ký đến nghe mà không cần phong bì.

Vào trong hội thảo rồi, vấn đề tiếp theo là mức độ tham gia của người nghiên cứu đến đâu? Ban tổ chức thường mời các vị quan chức đọc những diễn văn do thư ký riêng chuẩn bị, tính nguyên bản và tính học thuật rất hạn chế, nhưng chiếm nhiều thời gian.

Việc tổ chức một đề tài khoa học cũng vậy, thời gian dành cho hành chính chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng số thời gian của một dự án nghiên cứu. Mỗi nghiên cứu cấp cơ sở, có thời gian khoảng 12 tháng, đã mất 3 tháng đầu cho việc ký hợp đồng và 1-2 tháng cuối cho việc báo cáo nghiệm thu. Ít ai hiểu quy định 12 tháng cho đề tài là dựa trên tiêu chí gì, ngoài tiêu chí thuận lợi cho các thủ tục hành chính. Với các bạn đồng nghiệp thực hành phương pháp nghiên cứu dài theo nhiều vòng quan sát (Longitudinal study), có khi dài tới 5-10-20 năm, thì lời khuyên cho các bạn là cứ tiếp tục ở nước ngoài, vì khi về nước các bạn khó áp dụng cách làm này, do nước mình chỉ cho khoảng thời gian vài tháng cho một nghiên cứu.

Chảy máu chất xám tại chỗ

(Ngoài máu ra còn có nước mắt nữa.)

Chảy máu chất xám là hiện tượng những người có bằng cấp cao làm việc ở nước ngoài thay vì về nước làm việc, gây thất thoát, lãng phí số tiền và chi phí cơ hội đã đầu tư cho người đó đi học nước ngoài.

Nhưng làm việc ở Việt Nam cũng là một cách thất thoát và lãng phí khủng khiếp. Không chỉ lãng phí tiền, mà lãng phí cuộc đời con người và những thứ tiền không mua được.

Để được thực sự chấp nhận trong các cơ quan nhà nước, người có bằng cấp cao ở nước ngoài phải trải qua quá trình buông bỏ một số nguyên tắc đã học và học mới nhiều chứng chỉ, bằng cấp ngoài chuyên môn. Việc này chiếm quỹ thời gian vô cùng dài, tới vài năm, và dễ gây nản chí. Đồng thời chấp nhận làm một số công việc ngoài chuyên môn do cơ quan giao cho như dịch thuật, viết sách báo đại chúng, hành chính, văn phòng, đối ngoại.

Để duy trì khả năng học thuật, người nghiên cứu tiếp tục tham gia với các nhóm và các dự án nghiên cứu ở nước ngoài. Điều này dẫn đến tình trạng nghiên cứu đáng lẽ ra là công việc chính của người có bằng cấp cao, thì lại trở thành việc làm ngoài giờ, bán thời gian, 10 giờ tối đến 2 giờ sáng.

Chọn trở về làm việc trong nước là hành trình cô đơn, khó có khả năng thăng tiến, và phải nỗ lực quá sức chịu đựng của người nghiên cứu bình thường. Có năng lực và khát vọng cống hiến cho khoa học, nhưng thiếu cơ chế giúp phát huy năng lực, gây ra cuộc khủng hoảng người giỏi không trở về, hoặc trở về cũng không được sử dụng đúng, gây thất vọng cho tất cả các bên.

Bài viết này chưa bàn đến những chuyện tiêu cực khác rất dễ nhận thấy mà mới chỉ ra bốn điểm bất cập trong nghiên cứu ở Việt Nam. Nhận diện những bất cập là bước đầu tiên để tìm ra cách giải quyết nó, nhằm làm cho nghiên cứu ở Việt Nam đi theo hướng đáng lẽ ra phải đi, tiệm cận với những tiêu chuẩn đúng đắn, mang lại thành quả thiết thực phục vụ cho cuộc sống.

Bài viết phản ảnh kinh nghiệm và quan điểm cá nhân của tôi, một tiến sĩ ngành báo chí, tốt nghiệp tại trường đại học Úc và đang làm việc tại một cơ quan nhà nước tại Việt Nam. Nó có thể chỉ đúng với bản thân tôi và không đúng với những học giả khác, và khó có thể bao quát bức tranh toàn cảnh của giới học thuật của Việt Nam nói chung.