Nghiên cứu ảnh hưởng của rung động nhân tạo đến công trình xây dựng ở TPHCM

Trên địa bàn TPHCM, hoạt động động đất không cao, trong khi rung động nhân tạo có thể gây nên những rung chấn nguy hiểm cho các cơ sở hạ tầng.

Năm 2017, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận1, TPHCM) cùng nhiều nhà cửa, công trình xây dựng xung quanh bất ngờ xảy ra hiện tượng rung lắc khá mạnh, gây hoang mang, lo lắng cho người dân sinh sống, làm việc trong khu vực.

Ở thời điểm đó, khi Viện Địa lý tài nguyên TPHCM thực hiện quan trắc rung động nền đất, thì tất cả tín hiệu rung ghi nhận được đều nằm trong mức độ cho phép trong xây dựng và sản xuất. Báo cáo của Trung tâm Báo tin Động đất và Sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu (VAST) cũng khẳng định, cùng thời gian đó không ghi nhận bất kỳ vụ động đất nào trên lãnh thổ Việt Nam. Được biết, trong thời gian xảy ra rung lắc, cách điểm trường Nguyễn Bỉnh Khiêm khoảng 100m, có một công trình xây dựng quy mô 2 tầng hầm, 16 tầng nổi đang được thi công.

Hiện tượng rung chấn còn diễn ra ở một số khu vực lân cận như quận 7, huyện Nhà Bè và quận 2 cũ (nay là TP Thủ Đức). Các điều tra sau đó cho thấy rung chấn lan truyền theo phương Tây Bắc - Đông Nam, trùng phương đứt gãy sông Sài Gòn. Do đó, nguyên nhân gây rung chấn ban đầu được xác định có thể là do việc thi công các công trình trong điều kiện nền đất yếu ở khu vực xung quanh, đã kích thích cộng hưởng sóng đàn hồi lan truyền trong đới đứt gãy sông Sài Gòn như một “kênh dẫn sóng”. Theo các chuyên gia, hiện tượng rung lắc tại các khu vực nói trên là hoàn toàn không bình thường, cần phải được quan tâm nghiên cứu một cách toàn diện hơn. Vì vậy, từ năm 2019, nhóm tác giả ở Viện Địa lý tài nguyên TP HCM đã thực hiện đề tài "Nghiên cứu cấu trúc nền đất ba chiều (3D) đến độ sâu 50 m khu vực nội thành TPHCM và hiện trạng hoạt động đứt gãy sông Sài Gòn làm cơ sở cho việc đánh giá rung chấn và quản lý xây dựng".

e43dia-chat-sat-lo-bo-songjpg1-1638894626.jpg
Nghiên cứu hiện tượng sạt lở bờ sông Ảnh: NNC

Theo đó, khu vực được nhóm khảo sát, nghiên cứu bao gồm các Quận 1, 2, 3, 4 và Bình Thạnh, với các phương pháp nghiên cứu như viễn thám, địa chấn kiến tạo, địa mạo, đo đạc địa vật lý và GPS.

Kết quả khảo sát cho thấy, tuy nằm trong vùng chuyển tiếp của địa chất nhưng địa hình TPHCM tương đối bình ổn, có dạng bậc theo xu hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây. TPHCM có hai con sông lớn chảy qua, là sông Đồng Nai bắt nguồn từ cao nguyên Langbiang (Lâm Đồng) và sông Sài Gòn bắt nguồn từ Campuchia. Toàn bộ mạng lưới sông rạch trên địa bàn TPHCM đều chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều.

TS Lê Ngọc Thanh, Chủ nhiệm đề tài, cho biết có hai yếu tố kích thích gây rung chấn ở TPHCM là động đất và rung động nhân tạo. Hai nhân tố này đóng vai trò vừa là nguyên nhân trực tiếp, vừa là yếu tố kích hoạt rung chấn xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn TP HCM, hoạt động động đất không cao, vì thế rung động nhân tạo là nhân tố cần lưu ý.

dia-chat-tphcm-lun-datjpg1-1638894626.jpg
Sơ đồ một số khu vực sụt lún tại TPHCM Ảnh: NNC

Vì vậy, nhóm đề xuất TPHCM cần áp dụng các biện pháp kháng chấn theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9386:2012 cho các nền đất đã xác định trong công trình “Phân vùng nhỏ động đất TPHCM”, áp dụng Tiêu chuẩn TCXD 229:1999 khi xây dựng các công trình có kết cấu và nền đất, để giảm thiểu khuếch đại cường độ rung động do hiện tượng cộng hưởng. Bên cạnh đó, cần có giải pháp quản lý thiết bị thi công công trình xây dựng gây rung động có công suất lớn như các máy khoan ép, cọc nhồi... (chỉ cho phép vận hành phù hợp với nền đất và công suất phù hợp).

Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị TPHCM sớm tiến hành rà soát các biện pháp kháng chấn và tiêu chuẩn xây dựng của các công trình xây dựng quan trọng trong khu vực nội thành, kiểm tra các thiết bị thi công phù hợp với nền đất tương ứng.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành việc xây dựng mô hình cấu trúc nền đất 3D (độ sâu hơn 50 m) ở TPHCM, thực hiện các bản đồ nền dạng số hóa hệ tọa độ VN2000, tỉ lệ 1/50.000 phục vụ việc xây dựng và thể hiện cấu trúc nền đất. Theo TS Thanh, kết quả này có thể cung cấp thông tin nhanh chóng và đáng tin cậy về nền đất dưới dạng 3D cho các khu vực xảy ra rung chấn mạnh và đột ngột để có có biện pháp xử lý tình huống thích hợp. Mặt khác, còn hỗ trợ các nhà quy hoạch, thiết kế có được cái nhìn tổng quan về đặc điểm địa chất khu vực dự kiến đầu tư xây dựng công trình.

Kết quả nghiên cứu của đề tài được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu trong năm nay, mở ra hướng nghiên cứu cấu trúc nền đất 3 chiều của một khu vực để phục vụ quản lý xây dựng.