Chi phí, giá vốn hàng bán tăng cao là nguyên nhân khiến Licogi 14 (mã chứng khoán: L14) báo lỗ 366,84 tỷ đồng trong quý 2/2022 (trong khi cùng kỳ năm trước lãi 28,58 tỷ đồng), bất chấp doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ đạt 87,8 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, giá vốn hàng bán của L14 trong quý 2/2022 ghi nhận 45,7 tỷ đồng tăng mạnh 86,5% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân của tăng giá vốn hàng bán đó chính là do chi phí đầu vào cao. Giá vốn hàng bán bao gồm các chi phí về nguyên vật liệu, tiền nhân công trực tiếp sử dụng để tạo ra hàng hoá (không bao gồm các chi phí gián tiếp như chi phí tiếp thị, phân phối sản phẩm và bán hàng.
Trong kỳ, chi phí tài chính của L14 tăng gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ năm trước lên 402,2 tỷ đồng. Chi phí tài chính là các loại chi phí hoặc khoản lỗ được tạo ra từ các hoạt động đầu tư tài chính, cho vay và đi vay vốn, chi phí do đầu tư góp vốn liên doanh, liên kết, lỗ tỷ giá khi bán ngoại tệ, giao dịch mua chứng khoán và một số khoản chi phí khác.
Chi phí bán hàng của doanh nghiệp này cũng tăng mạnh 35% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng gần gấp đôi.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2022, Công ty Cổ phần Louis Land (mã chứng khoán: BII) ghi nhận khoản lỗ 9,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 báo lãi 43,7 tỷ đồng.
Giải trình về khoản lỗ trong quý 2/2022, Louis Land cho biết, lợi nhuận sau thuế của công ty trong báo cáo tài chính riêng và hợp nhất giảm lần lượt là 108,99% và 121,60% so chi phí tài chính tăng trong kỳ. Thêm vào chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty mẹ và hợp nhất các công ty con trong kỳ cũng tăng. Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến hoạt động bán hàng khiến nhiều sản phẩm của công ty chưa ghi nhận doanh thu.
Kết thúc quý 2/2022, mặc dù doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức (mã chứng khoán: SZC) tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, đạt 266,9 tỷ đồng; tuy nhiên lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt (đạt hơn 61 tỷ đồng, giảm 44,1% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân do giá vốn hàng bán của SZC trong quý 2/2022 tăng 128,5% so với quý 2 năm trước. Giá vốn tăng chủ yếu từ tăng trích trước cho thuê đất và chi phí quản lý; giá vốn kinh doanh thu phí đường bộ; giá vốn cho hoạt động sân golf.
Không chỉ giá vốn, chi phí tài chính của SZC cũng tăng cao, gấp 6 lần cùng kỳ với hơn 10 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2022, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 7,95% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, tác động làm chỉ số giá tiêu dung (CPI) chung tăng 0,16 điểm phần trăm.
Theo thống kê của Công ty chứng khoán VnDirect tính tới ngày 5/8/2022 với 1.045 công ty niêm yết trên ba sàn HOSE, HNX, UPCoM - chiếm 93,7% giá trị vốn hóa thị trường đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2022, các doanh nghiệp bất động sản có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng âm 35,8% trong quý thứ ba liên tiếp. Tuy nhiên, nếu loại trừ Vinhomes (VHM), các doanh nghiệp bất động sản sẽ tăng trưởng dương 52,7% so với cùng kỳ trong quý 2/2022. Lợi nhuận ròng trong quý 2/2022 của VHM giảm mạnh 95,2% so với cùng kỳ doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 92% so với cùng kỳ năm trước.
Về triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành bất động sản, SSI Research dự báo trong giai đoạn 2023 - 2024, lợi nhuận ròng của các chủ đầu tư bất động sản có thể bị ảnh hưởng do các dự án xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2022 có chi phí quỹ đất, chi phí tài chính và chi phí xây dựng cao hơn (chi phí nguyên liệu đầu vào như xi măng, thép tăng 7 - 15% so với cuối năm 2021).