Để đảm bảo quyền riêng tư khi lên mạng, người dùng có thể tham khảo 5 điều cần làm dưới đây để hạn chế bị Google thu thập dữ liệu cá nhân.
Từ chối những yêu cầu không cần thiết: Người dùng có thể từ chối yêu cầu khi các trang web muốn biết vị trí GPS, gửi thông báo. Ngoài ra, nhiều tiện ích mở rộng của bên thứ ba cũng thu thập dữ liệu, vì vậy bạn nên tránh cài đặt chúng nếu cảm thấy không cần thiết hoặc không biết rõ nhà phát triển là ai.
Điều chỉnh lại các tùy chọn quyền riêng tư: Để thực hiện, bạn hãy gõ vào thanh địa chỉ dòng lệnh chrome://settings/privacy và nhấn Enter. Tại đây, người dùng có thể thay đổi một số tùy chọn để hạn chế bị thu thập dữ liệu, đơn cử như Cookies and other site data (cookies và những dữ liệu web khác), Site settings (cài đặt trang web)…
Đăng xuất khỏi Google khi duyệt web: Một giải pháp khác để hạn chế bị thu thập và liên kết dữ liệu là không đăng nhập tài khoản Google khi lướt web. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ không thể sử dụng tính năng đồng bộ hóa dữ liệu, và sẽ phải đăng nhập lại mỗi khi muốn kiểm tra Gmail, bình luận trên YouTube hoặc truy cập Google Drive.
Phân tán dữ liệu: Nếu người dùng đang sử dụng tài khoản Google cho nhiều mục đích, hãy xem xét đến việc phân cấp dữ liệu bằng cách sử dụng một số dịch vụ khác. Ví dụ, bạn có thể sử dụng Zoom thay vì Google Duo, Dropbox thay vì Google Drive và Microsoft Word thay vì Google Docs. Chiến lược này sẽ giúp phân tán dữ liệu của bạn thay vì tập trung một lượng lớn thông tin tại Google.
Sử dụng nhiều trình duyệt: Người dùng có thể sử dụng nhiều trình duyệt khác. Đơn cử như Apple Safari, Mozilla Firefox, Microsoft Edge, DuckDuckGo… Việc sử dụng nhiều trình duyệt có thể là một vấn đề khó khăn đối với nhiều người, do đó, hãy chọn lựa những trình duyệt hỗ trợ Import (nhập) hoặc đồng bộ Bookmarks (dấu trang). Nếu thường xuyên lưu trữ mật khẩu trên Google Chrome, bạn hãy chuyển sang sử dụng các trình quản lý mật khẩu bên ngoài để được an toàn hơn.
Xuân Mai